You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Bất động sản Tp.HCM: Cú hích đến từ hướng Tây Nam

Email In
Sau khi thông tuyến đại lộ Đông-Tây, hàng loạt dự án căn hộ, chung cư có mức giá trung trình như: Terra Rosa (giá 12 triệu đồng/m2), Đại Thành (14,9 triệu đồng/m2), Tân Tạo 1 (12,1 triệu đồng/m2)... được chào bán ra thị trường vào thời điểm giữa quý 3/2010. Điểm chung của dự án trên là  đều nằm ở các vị trí kết nối với tuyến đại lộ Đông-Tây. Nguồn tin từ các chủ đầu tư cho biết, có dự án chỉ trong vòng 3 tuần lễ đã bán hơn 2/3 tổng số căn hộ.

Trong số đó, đáng chú ý là dự án Happy Plaza với 600 căn hộ tọa lạc tại khu quy hoạch đô thị quận Bình Chánh mới, dự kiến chào bán sau tháng 7 âm lịch. Dự án đã được 10 nhà môi giới bất động sản hàng đầu hợp tác triển khai phân phối như BCCI, Tấc Đất Tấc Vàng, Hưng Thịnh, Thế giới Căn Hộ, Đất Xanh Tây Nam, Khang Nam, Song Phát, Enrichland…

Giới chuyên môn đánh giá, khu vực Tây Nam Sài Gòn, chủ yếu là quận Bình Chánh, là cửa ngõ giao thương kết nối Tp.HCM với các tỉnh Đông/Tây Nam Bộ

"Xu hướng đầu tư bất động sản vào vùng ven là tất yếu trong quá trình phát triển đô thị Tp.HCM. Áp lực gia tăng dân số, nhu cầu nhà ở càng khiến nội đô quá tải, nên quy họach đô thị vệ tinh là giải pháp giãn dân hữu hiệu", ông Trần Xuân Gần, Giám đốc Sàn bất động sản BCCI nhận xét. "Việc giá đất đang còn thấp cũng góp thêm động lực thu hút nhiều tầng lớp dân cư đến sinh sống và thúc đẩy thị trường căn hộ tại khu vực này.”

 

Giới chuyên môn đánh giá, khu vực Tây Nam Sài Gòn, chủ yếu là quận Bình Chánh, là cửa ngõ giao thương kết nối Tp.HCM với các tỉnh Đông/Tây Nam Bộ, tiếp giáp các khu công nghiệp, tuyến ga metro (tàu điện ngầm), vòng xoay An Lạc, đường Kinh Dương Vương, thuận tiện cho tuyến giao thông đi về trung tâm thành phố (khoảng 5-7 km).

 

Khác với thị trường căn hộ cao cấp đang đóng băng, với phân khúc thị trường căn hộ trung bình, hầu hết các chủ đầu tư dự án bất động sản đã chuyển từ chiến lược siêu lợi nhuận (trong giai đọan thị trường nóng của năm 2007 và đầu năm 2008) sang chiến lược đồng hành và chia sẻ cùng với khách hàng.

 

"Theo thống kê, tại Tp.HCM hàng năm có thêm 200.000 di cư dân mới vào, trong số đó có 20% là tầng lớp trí thức trẻ tuổi từ 27 - 37, khi đã ổn định công việc làm ăn và tích lũy thu nhập, thì đây chính là nguồn khách hàng chủ yếu của căn hộ mức giá trung bình",  ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành, Giám đốc Quản trị Công ty Cổ phần Địa ốc Tấc Đất Tấc Vàng, phân tích.

 

Ông Thành lý giải thêm: "Quỹ đất tại quận Bình Chánh còn rất lớn và rẻ, đủ khả năng tạo ra dự án căn hộ chất lượng cao - giá trung bình, phù hợp nhu cầu khách hàng, và với mức độ thông suốt giao thông hiện nay, sẽ càng thuận tiện hơn cho người  dân làm việc, sinh sống”.

 

"Năm 2011 - 2012 sẽ là thời kỳ lên ngôi của căn hộ giá trung bình tại các khu đô thị mới phía Tây Nam Sài Gòn", ông Thành dự báo.

 

Theo Hoàng Ngọc - VnEconomy

Sắp khởi công đường sắt đô thị thí điểm ở Hà Nội

Email In

Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành, chiều 7/9, cho biết dự kiến ngày 22/9 tới, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ khởi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố đoạn Nhổn-ga Hà Nội.

 

 Tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố đoạn Nhổn-ga Hà Nội là dự án vận tải hành khách công cộng lớn nhất trên địa bàn Hà Nội từ trước tới nay.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Để chuẩn bị cho việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị này, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu trước ngày 16/9 tới, Ủy ban Nhân dân huyện Từ Liêm phải hoàn thành giải phóng mặt bằng hai hộ sử dụng đất nông nghiệp thuộc giai đoạn 1 của ga kỹ thuật; đồng thời thực hiện công tác vệ sinh môi trương, thu gom, vận chuyển rác thải hai bên tuyến đường, không để đất thải, rác thải tồn đọng trên các tuyến đường 32, đường 70.

 

Sau đó, Ủy ban Nhân dân huyện Từ Liêm phải tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 đường dẫn vào ga kỹ thuật, lập kế hoạch thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng khu vực ga kỹ thuật và đường dẫn xong trước tháng 6/2011; trong đó chú trọng việc chuẩn bị khu tái định cư phục vụ yêu cầu tái định cư của nhân dân.

 

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, sẽ có năm tuyến đường sắt đô thị nối liền các khu nội đô Hà Nội với các đô thị xung quanh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Nguyên...

 

Dự án tuyến đường sắt thí điểm đoạn Nhổn-ga Hà Nội thuộc tuyến số 3, chạy trên đường dành riêng, với tổng chiều dài tuyến chính trên 12km nối khu vực phía Tây với trung tâm thành phố và khu vực phía Nam.

 

Tuyến số 1 là tuyến Ngọc Hồi-Yên Viên-Như Quỳnh, phục vụ các khu vực ngoại thành phía Đông Bắc và Nam Hà Nội đi qua trung tâm thành phố; tuyến số 2 là Nội Bài-trung tâm thành phố-Thượng Đình là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai. Kết nối với tuyến số 2 sẽ là tuyến đường sắt Hà Nội-Hà Đông, bắt đầu từ khu vực Cát Linh đến Ba La.

 

Tuyến số 4 là Đông Anh-Sài Đồng-Vĩnh Tuy-Thanh Xuân-Từ Liêm-Thượng Cát-Mê Linh gắn kết với các dự án phát triển đô thị; tuyến số 5 là tuyến Nam Hồ Tây-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc có chức năng kết nối trung tâm thành phố với các đô thị dọc theo hành lang Láng-Hòa Lạc, với chiều dài là 34,5km.

 

Theo Thanh Bình - TTXVN/Vietnam+

Đất nền dự án vẫn khó bán

Email In

Theo đà giảm chung của thị trường bất động sản, thị trường đất nền dự án ở khu vực TPHCM đã chững lại gần một năm qua khi số lượng giao dịch thành công được ghi nhận tại các sàn giao dịch bất động sản rất ít, nhất là sau khi áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân trên các giao dịch bất động sản.

 

Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland, cho biết hệ thống sàn giao dịch bất động sản của công ty này ở quận 2 và quận 7 ghi nhận rất ít giao dịch thành công ở thị trường đất nền trong thời gian qua.

Ông Hoàng cho rằng có nhiều yếu tố tác động đến tâm lý của nhà đầu tư, trong đó có ảnh hưởng của thuế thu nhập cá nhân, lãi suất ngân hàng cũng như việc khó tiếp cận các khoản vay, và gần đây là những chính sách mới sẽ quản lý chặt hơn thị trường bất động sản.

Một số người đang xem bản đồ quy hoạch sân bay Long Thành ở Đồng Nai (Ảnh: Nguyễn Sơn) 

Cùng nhận định trên, ông Bùi Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) cũng cho rằng giao dịch đất nền ở khu vực TPHCM rất chậm trong thời gian vừa qua. Hầu hết các giao dịch, nếu có, chi là sang nhượng qua lại đất nền của những dự án cũ, và thị trường TPHCM gần như chẳng có dự án mới nào trong thời gian gần đây.

 

Trong bối cảnh thị trường TPHCM đã bão hòa, theo ông Thắng, xu hướng đầu tư dự án ở các tỉnh lân cận đang xuất hiện thời gian gần đây. Chẳng hạn như khu vực Nhơn Trạch, Long Thành ở Đồng Nai, nơi thông tin về việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đang là cái cớ để đất đai khu vực này rục rịch.

 

Ông Thắng cho rằng việc xây dựng sân bay Long thành, xây dựng tuyến đường cao tốc đang tạo ra tính định hướng cũng như tiềm năng thu hút các nhà đầu tư vào khu vực này.

 

Giới phân tích thị trường cho rằng so với thị trường TPHCM nơi giá đất nền đã được đẩy lên quá cao, giá đất nền tại các tỉnh còn khá thấp, nhiều dự án có giá từ 400 – 500 triệu đồng/nền. Chính vì suất đầu tư còn thấp, phù hợp với đa số người có nguồn vốn từ tích lũy, ít bị lệ thuộc vào các khoản vay ngân hàng, nên đang thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ vào thị trường này.

 

Không giống như thị trường mới nổi là Đồng Nai, thị trường đất nền dự án ở Bình Dương sau thời gian nóng sốt, theo nhận định của các chuyên gia, cũng đang dần bão hòa.

 

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Savills Vietnam, thị trường đất nền sơ cấp (giao dịch lần đầu) ở tỉnh này trong tháng 7 vừa qua có giá trung bình khoảng 359 đô la Mỹ (7 triệu đồng)/mét vuông. Tuy nhiên, giá đất nền của thị trường thứ cấp đã giảm khoảng 16% so với tháng 4 vừa qua.

 

Nhận xét về xu hướng đầu tư vào phân khúc đất nền ở Đồng Nai, ông Thắng cho rằng nếu đầu tư bất động sản vào thời điểm này, nhà đầu tư phải có vốn và chiến lược đầu tư mang tính dài hơi, chứ không thể ‘nhảy cóc’, hay lướt sóng để kiếm lời như thời gian trước đây.

 

Ngoài việc tìm những dự án lớn, việc tìm hiểu kỹ pháp lý của dự án cũng là điều các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần phải làm trước khi quyết định đầu tư.

 

Theo Đình Dũng - TBKTSG

Giới thiệu Khu phức hợp giải trí 2 tỷ USD tại Long An

Email In

Thanh Thủy

 

Sáng nay (6/9) Tập đoàn Khang Thông cùng các đối tác đã tổ chức họp báo giới thiệu dự án Khu phức hợp giải trí HappyLand với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD trên diện tích đất giai đoạn 1 là 338 hecta tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

 

 Theo tính toán, đến thời điểm hiện tại, HappyLand là khu phức hợp giải trí, du lịch có quy mô lớn nhất nước, riêng phần vốn đầu tư cho khu công viên đã là  600 triệu USD, với sự góp mặt của các đơn vị tư vấn quy hoạch, thiết kế, quản lý và vận hành dự án nổi tiếng trên thế giới như: Steelman Partners, Meinhardt, Savills, PWC…

 

Nét nổi bật của dự  án là tính phức hợp, đa dạng, không chỉ là  khu vui chơi giải trí đơn giản như các công viên thường thấy ở Việt Nam mà là một sự  kết hợp đa dạng với vai trò trung tâm công viên chủ đề được đầu tư đẳng cấp theo các công viên chủ đề nổi tiếng thế giới như DisneyLand, Universal Studio….

Bên canh đó, dự án còn có các công trình cung cấp các dịch vụ và  tiện nghi đồng bộ đa dạng như trung tâm triển  lãm quốc tế, trung tâm thương mại quy mô lớn, các khách sạn từ 3 – 5 sao, công viên nước, công viên phim trường, vũ trường, sân khấu trong và ngoài trời, lối đi dạo 3- 7 km dọc bờ sông Vàm Cỏ Đông, các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, chợ nổi, trung tâm văn hóa Việt Nam, bảo tàng nghệ thuật, khu đô thị liền kề. Đây là sự án có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố truyền thống bản địa và tính hiện đại của các quốc gia trên thế giới.


Hiện tại, phần lớn diện tích đất dự án đã được triển khai giải phóng mặt bằng xong. Dự kiến, dự án sẽ  khởi công vào tháng 1/2011 và  khai trương vào ngày 24/04/2014. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ phục vụ cho khoảng 14 triệu lượt khách đến tham quan mỗi năm từ năm 2014.

 

Phát biểu tại Hội nghị  giới thiệu dự án, ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Long An nhấn mạnh, HappyLand sẽ là điểm nhấn của tỉnh Long An nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trong việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Với chiến lược đầu tư đúng hướng, quy mô và sự góp sức của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, dự  án sẽ là một đòn bẩy hữu hiệu thúc  đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của  địa phương và cả nước, tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ngày càng cao cho du khách trong nước và quốc tế.

 

Bà Phan Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Khang Thông cũng cho biết, để đảm bảo nguồn vốn cho dự án, ngoài phần vốn của chủ đầu tư, vốn của 3 ngân hàng Agribank, BIDI và Oceanbank, hiện tập đoàn này đang xúc tiến bán bớt một số cổ phần của Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng Phú An (thành viên của Khang Thông) cho một số đối tác nước ngoài đến từ Mỹ, Hồng Kông, Nga, Singapore…

“Vỡ” Quỹ Bảo trì đường bộ

Email In

Anh Minh

 

   Không thống nhất được phương thức thu phí để tạo nguồn, Quỹ Bảo trì đường bộ đứng trước nguy cơ “vỡ”, ngay khi đang hình thành trên giấy.

 

 Điểm đáng chú ý nhất trong Dự thảo Nghị định về Quỹ Bảo trì đường bộ và Đề án Quỹ Bảo trì đường bộ vừa được Bộ Giao thông - Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5942/BGTVT–TC ngày 30/8/2010 (Văn bản số 5942) chính là việc cơ quan soạn thảo tiếp tục bảo lưu quan điểm thu phí đường bộ đối với các phương tiện giao thông đường bộ thông qua giá xăng thông thường và thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng diezel theo km xe chạy trên đường. 

Điều này có nghĩa là “sứ mệnh” của hàng loạt trạm thu phí đường bộ sẽ chấm dứt kể từ khi Trạm thu

Ảnh minh họa

 phí Bến Thủy (Quốc lộ 1) và Trạm thu phí cầu Chương Dương - 2 trạm thu phí đầu tiên ra đời cách đây 19 năm.

Cũng cần phải nói thêm rằng, thu phí sử dụng đường bộ đối với các phương tiện cơ giới lưu thông trên đường là nguồn thu chủ yếu của Quỹ Bảo trì đường bộ ước khoảng 6.000 tỷ đồng/năm. Những nguồn thu khác để tạo lập Quỹ hoặc có số thu ít (30 – 50 tỷ đồng/năm, gồm: thu phí lưu hành xe quá tải trọng cho phép của cầu đường, thu vận chuyển hàng siêu trọng, thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ); hoặc không ổn định (như các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước).

 

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc áp dụng phương thức thu phí đường bộ thông qua giá xăng và thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng diezel theo km xe chạy trên đường có rất nhiều ưu điểm như: tiết kiệm gần 15% số phí thu được do không phải tổ chức bộ máy thu phí đường bộ thông qua các trạm thu phí (khoảng 200 tỷ đồng/năm); tiết kiệm thời gian dừng, đỗ xe; tránh ùn tắc giao thông, hạn chế tiêu cực trong hoạt động thu phí.

 

“Vấn đề lớn nhất khi tiến hành chuyển đổi phương thức thu phí đường bộ là Nhà nước sẽ phải chi khoảng 1.100 tỷ đồng để mua lại quyền thu phí của 6 trạm đã bán quyền thu phí; xóa bỏ 29 trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ; xử lý 26 trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT trên hệ thống quốc lộ. Bên cạnh đó, cùng với việc phải xử lý các tài sản thu hồi từ việc xóa bỏ các trạm thu phí (khoảng 165 tỷ đồng), các cơ quan chức năng sẽ phải giải quyết công ăn việc làm cho 2.896 lao động thu phí”, ông Quyền cho biết.

 

Được biết, đề xuất thay đổi phương thức thu phí đường bộ này đã được Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra trong Dự thảo Nghị định về Quỹ Bảo trì đường bộ tháng 4/2010, để tổ chức xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, với 3 phương án: thu qua giá xăng thông thường, thu qua giá dầu diezel được tiêu thụ trên cả nước; thu theo đầu xe mô tô, xe máy đăng ký mới và thu theo đầu xe ô tô khi kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật; thu qua xăng (đối với phương tiện dùng xăng) và theo km xe chạy (đối với các phương tiện dùng diezel. Trong đó, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, phương án cuối có tính khả thi cao, chi phí thu thấp nhất và đảm bảo công bằng cho các đối tượng chịu phí.

 

Tuy nhiên, sau 3 tháng lấy ý kiến, đề xuất thay đổi phương thức thu phí đường bộ không nhận được sự đồng thuận cần thiết, đặc biệt là từ phía Bộ Tài chính. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách nhà nước; thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, quan điểm của Bộ Tài chính là giữ nguyên phương thức thu phí đường bộ thông qua các trạm thu phí.

 

Không rõ việc bảo lưu phương án thu phí đường bộ của Bộ Tài chính xuất phát từ quan điểm nào, nhưng theo một số chuyên gia, việc xóa bỏ các trạm thu phí đường bộ vào thời điểm hiện tại không có tính khả thi cao. Ngoài việc tự xóa bỏ chủ trương xã hội hóa thu hút vốn đầu tư vào các dự án giao thông thông qua việc bán quyền thu phí do chính Bộ Giao thông - Vận tải xây dựng, việc “chuộc lại” 5 trạm thu phí đã bán quyền không đơn giản chỉ là bỏ ra khoảng 1.100 tỷ đồng từ ngân sách để đền bù cho các nhà đầu tư.

 

“Lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư khi bỏ tiền ra mua quyền thu phí đường bộ có thời hạn bao giờ cũng cao hơn rất nhiều khoản lợi nhuận định mức được tính toán bởi các cơ quan nhà nước”, ông Nguyễn Đình Hoan, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường bộ 234 khẳng định.

 

Bên cạnh đó, với yêu cầu các dự án BOT đường bộ được tiếp tục thu để hoàn vốn, nhưng trạm thu phí phải đặt đúng tuyến đường BOT, Bộ Giao thông - Vận tải đã vi phạm nghiêm trọng các cam kết đã ký với nhà đầu tư. Được biết, với đa số các hợp đồng BOT đường bộ, đặc biệt là các dự án tuyến tránh quốc lộ, Bộ Giao thông - Vận tải đều cho phép nhà đầu tư được thu phí cả tuyến chính.

 

“Nếu phải dời trạm thu phí về các tuyến đường BOT, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ không bao giờ hoàn được vốn đầu tư, bởi chủ các phương tiện dĩ nhiên sẽ đi vào các tuyến chính để tránh phải trả phí 2 lần”, một nhà đầu tư dự án BOT cho biết.

 

Để Quỹ Bảo trì đường bộ khỏi bị “vỡ”, trong Văn bản số 5942, Bộ Giao thông – Vận tải đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép sớm hình thành Quỹ bằng cách chuyển toàn bộ nguồn phí xăng dầu kết hợp với nguồn thu phí đường bộ thông qua các trạm. Trong trường hợp không thể dành toàn bộ nguồn phí xăng dầu, Bộ đề nghị lùi thời gian hình thành Quỹ tới 5 -10 năm nữa, sau khi Bộ xử lý trong những vướng mắc trong việc mua lại quyền thu phí và xử lý các trạm thu phí BOT.

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM