You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Đất phía Tây Hà Nội: Kẻ e dè, người vồ vập

Email In

Sau khi thành phố Hà Nội đột ngột thay đổi quan điểm xây trục Hồ Tây - Ba Vì, đang có những nhìn nhận và động thái trái chiều về cơ hội thu lời tại vùng phía Tây Hà Nội của giới đầu tư bất động sản.

 

Vốn được mệnh danh là những “đi trước quy hoạch”, giới đầu tư bất động sản đặc biệt quan tâm đến những nội dung hay chi tiết quan trọng của bất kỳ một quy hoạch nào. Với đồ án quy hoạch Thủ đô, một “đại quy hoach” lớn nhất từ trước đến nay, thì sự quan tâm sát sao của nhà đầu tư lại càng dễ hiểu.

 

Tuy nhiên, với một số nhà đầu tư, do những nội dung trong đồ án quy hoạch Thủ đô đến nay vẫn chưa rõ ràng, chi tiết bởi đồ án vẫn chưa được thông qua, hơn nữa đây mới là đồ án quy hoạch chung, thì việc “đồng tiền đi trước” sẽ cho kết quả ngược lại nếu không cẩn thận.

Nhiều lô đất dọc trục đường Láng - Hòa Lạc cũ đã được nhà đầu tư "ôm" hết.

Rục rịch đón đầu

Với kỳ vọng bỏ tiền vào một số dự án tại khu vực phía Tây Hà Nội tại thời điểm này sẽ thu lợi nhuận cao khi quy hoạch chính thức được thông qua, triển khai, không ít nhà đầu tư bất động sản đang dốc hầu bao cho những lô đất trị giá xung quanh các khu vực được cho là đắc địa tại khu vực phía Tây Hà Nội.

 

Đặc biệt cùng với sự đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, đường sá cùng với những dự tính quy hoạch phía Tây thành khu vực tập trung đầu tư phát triển các đô thị du lịch, đào tạo, công nghệ cao... thì nhiều người lại có lý do để tin rằng, đồng tiền ném vào đây sẽ mau chóng sinh lời.

 

Chị Lê Kim Oanh, một nhà đầu tư nhà đất tại Sàn giao dịch bất động sản FLC cho biết, ngay sau khi thông tin Hà Nội đồng thuận xây trục Hồ Tây - Ba Vì rậm rịch, chị cùng một số đồng nghiệp đã nhanh chân gom được một số lô đất tại các khu vực xung quanh các dự án lớn ở phía Tây như khu Bắc An Khánh, Kim Chung - Di Trạch và Tân Tây Đô, dọc trục Láng - Hòa Lạc cũ...

 

Theo chị Oanh, dù giá đất chia lô hay đất của các hộ dân bán hiện nay đã đắt hơn đầu năm từ 3 - 5 triệu đồng/m2, song nhà đầu tư này tin rằng, chỉ đợi sau khi đồ án quy hoạch Thủ đô được thông qua trong một vài tháng tới thì giá đất tại đây sẽ đắt gấp rưỡi, gấp đôi.

 

Trong khi đó, một số doanh nghiệp có đất và dự án tại đây cũng tỏ ra phấn khởi bởi số người tìm hỏi mua nhà, đất tại đây đã tăng nhanh sau một thời gian im lắng.

 

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Archi Land Nguyễn Thành Nam cho biết, những thông tin thay đổi trong đồ án quy hoạch chung Thủ đô đã có ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến trên thị trường địa ốc. Tại thời điểm những thông tin chính thống sắp được công bố, và cho dù trùng với ‘tháng cô hồn”, song doanh nghiệp này vẫn tiến hành được 4 giao dịch thành công tại khu vực phía Tây.

 

Tiếp đà khởi sắc đó, ông Nam cho biết công ty này đang đẩy nhanh tiến độ một số dự án tại khu vực Ba Vì, như dự án Yên Bài Villas 2B, dự án Greenvillas (giá bán là 1,5 - 1,7 triệu đồng/m2), dự án biệt thự Tản Viên (giá bán 4,5 - 6 triệu đồng/m2) để có thể hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

 

Còn theo ông Vũ Đăng Nam, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Gia Nam, từ một tháng nay, số người tìm đến hỏi mua đất khu vực phía Tây thành phố đã tăng đáng kể so với hai tháng trước. Chỉ trong vòng hai tuần nay, sàn giao dịch này đã hoàn tất được 6 vụ mua bán đất tại các khu vực thuộc Hoài Đức, Đan Phượng và khu vực trung tâm huyện Ba Vì.

 

Tuy nhiên, ông Nam nhận định, đây có thể chỉ là một đợt “sóng nhỏ” của một bộ phận trong giới đầu tư địa ốc toan tính “đón đầu”, hoặc cũng có thể chỉ là đầu tư a dua theo phong trào.

 

Mạo hiểm hay thận trọng?

Trái ngược với một bộ phận nhà đầu tư cho rằng, ném tiền vào khu phía Tây lúc này là hợp lý nhất, một số nhà đầu tư khác và các chuyên gia lại cho rằng, việc quá kỳ vọng vào khu vực phía Tây thành phố có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro và trở thành thất vọng cho nhà đầu tư nếu đồng tiền đó không được đặt đúng chỗ.

 

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cho đến thời điểm này quy hoạch của 5 đô thị phía Tây Hà Nội thực ra mới chỉ là định vị và phác thảo, chưa phải là quy hoạch thực sự có tính khả thi. Quy hoạch này còn phải bổ sung, phải có từng quy hoạch cụ thể thì mới có tính khả thi. Do đó, với nhiều nhà đầu tư, họ mới quan tâm đến tổng thể của Hà Nội chứ không phải từng cái cụ thể trong đó.

 

Cũng theo TS. Liêm, khu vực phía Tây dù sao cũng chỉ là các đô thị trong chùm đô thị của Hà Nội, nên chắc chắn sẽ có sự cạnh trang giữa các khu vực với nhau.  Hơn nữa, định hướng phát triển về kinh tế, chính trị, công nghiệp dịch vụ lại được định hướng là ở đô thị lõi và phía Đông thành phố. "Do đó, nếu nói về sinh lợi, chưa hẳn khu vực phía Tây đã là lựa chọn tối ưu", ông Liêm nói.

 

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho rằng trên thực tế nhiều nhà đầu tư đã vội vã rót tiền vào khu vực phía Tây là thiếu sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Theo ông Cường, rõ ràng, quy hoạch Thủ đô sắp tới có được Thủ tướng phê duyệt thì đó cũng mới chỉ là quy hoạch chung.

 

Trong khi đó, để đầu tư bất động sản hiệu quả, nhà đầu tư phải nắm chắc được khu vực mình đang bỏ vốn vào là khu vực nào, nó thuộc dự án cụ thể  nào và có nằm trong vùng quy hoạch hay không. “Thông thường một dự án lớn cũng chỉ  từ vài ba chục ha đến vài trăm ha, trong khi khu vực phía Tây hiện nay rộng hàng chục nghìn ha nên khó có thể biết được đâu là khu vực sinh lời nhất”, ông Cường nói.

 

Theo khảo sát của người viết, có rất nhiều doanh nghiệp bất động sản lẫn cá nhân đầu tư đơn lẻ đang dư thừa vốn, song họ không vội vàng ném tiền vào những khu vực mà nhiều người vẫn gọi là “trung tâm của quy hoạch”.

 

Ông Phan Minh Trường (Công ty Cổ phần Đông Âu), một doanh nghiệp khai khoáng được lập nên bởi một số Việt Kiều từ khu vực Đông Âu, cho rằng khu vực phía Tây Hà Nội được nhiều nhà đầu tư quan tâm vì được cho là có tiềm năng.

 

Tuy nhiên, theo ông, nếu chọn mua bất động sản để ở, ông sẽ chọn khu vực phía Đông với các khu vực như Long Biên, Việt Hưng... vì suy cho cùng nó sẽ gần trung tâm Hà Nội hơn, và đặc biệt là không bị làm giá.

 

Cũng chính vì lý do đó, ông Trường cho biết, đến thời điểm này, dù có ý định đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, song doanh nghiệp này vẫn đang “đứng ngoài” để nghe ngóng, chờ những động thái tiếp theo của các cơ quan quản lý cũng như các thời điểm mà quy hoạch chi tiết tại khu vực này được công bố.

 

Còn với một số nhà đầu tư khác lại có quan điểm rằng, nếu “lướt sóng” khu vực phía Tây vào thời điểm này sẽ tiềm ẩn những rủi ro bởi trong bối cảnh thị trường nhà đất ảm đạm như hiện nay, rất khó xác định được thời điểm khi nào thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Và trong trường hợp đó, nếu vốn bị “om” quá lâu tại đây thì chắc chắn cơ hội kiếm lời tại các dự án khác cũng sẽ theo đó mà trôi qua.

Khởi công tuyến đường BT lớn nhất tỉnh Thái Bình

Email In

Với tổng mức đầu tư lên tới 2.072 tỷ đồng, Dự án cải tạo nâng cấp Tỉnh lộ 39B là công trình thực hiện theo phương thức BT lớn nhất tỉnh Thái Bình.

 

 UBND tỉnh Thái Bình vừa khởi công Dự án Cải tạo nâng cấp Tỉnh lộ 39B do Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư  theo hình thức BT, Công ty cổ phần Tasco Nam Thái là doanh nghiệp dự án.

 

Tổng chiều dài tuyến đường thuộc Dự án là 28,9 km với  điểm đầu tuyến tại Km 13+250 Tỉnh lộ 39B thuộc  địa phận thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, điểm cuối là điểm giao cắt giữa tỉnh lộ 39B với Quốc lộ 39 tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Sau khi hoàn thành vào năm 2013, tuyến đường sẽ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, chiều rộng nền đường là 31 m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Tổng mức  đầu tư của Dự án là 2.072 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động và sẽ được hoàn trả cho nhà đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

 

Tỉnh lộ  39B từ Hưng Yên qua cầu Triều Dương, Hưng Hà, thị trấn Đông Hưng đến Diêm Điền là tuyến đường huyết mạch từ Thái Bình đi Hà Nội và các tỉnh phía Tây Bắc. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng.

Việc  đầu tư tuyến đường 39B đi qua trung tâm điện lực Thái Bình, nối liền 3 cụm khu công nghiệp của tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ phân bố dân cư khu công nghiệp, đô thị hóa của tỉnh và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thị trường đang vượt tầm kiểm soát

Email In

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đã có tín hiệu phục hồi, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập.

 

 Biểu hiện đầu tiên, theo ông Cao Lại Quang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, là giá hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. đây đang là thách thức lớn cho công tác quản lý thị trường, cũng như nỗ lực giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp.

 

Theo kết quả khảo sát thực tế, giá nhà đất tại các đô thị lớn hiện quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, vượt quá xa giá trị thực của bất động sản; giá bất động sản biến động không đồng đều giữa các địa phương. Nếu thị trường bất động

Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội không tăng, nhưng vẫn đứng ở mức cao. Ảnh: Đức Thanh

  sản ở Hà Nội và TP.HCM có biến động mạnh, thì thị trường bất động sản tại các thành phố khác không có biến động đáng kể. Ngay cả sự biến động của thị trường bất động sản tại hai thành phố lớn này cũng khác nhau.

 

Ví dụ, ở khu vực Hà Nội tại thời điểm quý II/2010, giá đất nền tăng trung bình 30% so với tháng 12/2009, đặc biệt là tại khu vực phía Tây (quận Hà Đông, huyện Hoài Đức), giá căn hộ chung cư không tăng, nhưng vẫn đứng ở mức cao. Trong khi đó, ở cùng thời điểm, giá bất động sản tại TP.HCM hầu như không tăng, giao dịch chậm.

 

Một thực trạng đáng chú ý khác là, cơ cấu hàng hoá bất động sản còn bất cập. Thị trường thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt là thiếu loại hình nhà ở cho thuê (theo thống kê, loại hình nhà ở cho thuê/mượn chỉ chiếm 6,5% tổng số nhà ở trong cả nước).

 

Một yếu tố khác được Bộ Xây dựng đánh giá là nguyên nhân khiến thị trường bất động sản thiếu ổn định là tiến độ triển khai các dự án chậm, làm giảm khả năng cung hàng hóa cho thị trường. Điều này, theo TS. Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản, đã dẫn tới tình trạng “thị trường của người bán” trên thị trường địa ốc. Mặc dù cơ chế chính sách đã được tháo gỡ, thủ tục hành chính được đơn giản hóa và công khai, nhưng tốc độ triển khai các dự án bất động sản vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là khâu đền bù giải phóng mặt bằng diễn ra chậm, do chính sách liên tục thay đổi.

 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, diện tích nhà ở xây mới năm 2009 của toàn Thành phố chỉ đạt 4,05 triệu m2, thấp hơn nhiều so với bình quân 6 triệu m2/năm của năm 2007 và 2008. Tại Hà Nội, rất ít dự án khu đô thị mới có quy mô lớn được khởi công xây dựng trong năm, do phải rà soát lại khi triển khai lập đồ án quy hoạch Hà Nội mở rộng.

 

Một tồn tại khách quan khác được Bộ Xây dựng nhận định là hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện. Chuyên gia tài chính Trần Đại Lai cho rằng, thị trường bất động sản phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng.

 

Điển hình là, trong quý I và đầu quý II/2009, cùng với việc giải ngân gói kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất 4%, một đợt tăng giá ngắn đã diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM ít biến động. Đến quý III/2009, việc chờ đợi có tiếp tục gói kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ 4% lãi suất hay không, đã khiến thị trường bất động sản gần như không có biến động về giao dịch và giá cả. Quý IV/2009, một số phân khúc thị trường bất động sản tại Hà Nội lại có biến động, nhưng không lớn, do không có tín hiệu hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng.

 

Đến quý III/2010, cùng với việc thắt chặt tín dụng, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu đình trệ về giao dịch. Dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị mới tại thời điểm 31/7/2010 tăng trưởng âm 2,35% so với tăng trưởng 10,2% của cả năm 2009; dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở chỉ tăng 5,47% so với 27,2% của cả năm 2009. Mặt khác, lãi suất cho vay ở mức cao, đa số ngân hàng đang áp dụng lãi suất 13%/năm, hoặc cao hơn. Điều này cũng cho thấy, nếu các yếu tố kinh tế vĩ mô không ổn định, lạm phát luôn đứng trước nguy cơ vượt ngưỡng cho phép, thì khó có thể tạo dựng được một thị trường bất động sản phát triển bền vững.

 

Ngoài những nguyên nhân trên, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn thừa nhận, hệ thống quản lý nhà nước về thị trường bất động sản còn nhiều bất cập; hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản thiếu tin cậy và chưa thống nhất. Mô hình tổ chức quản lý và năng lực của cán bộ trong lĩnh vực bất động sản và thị trường bất động sản từ Trung ương đến địa phương còn bất cập trước yêu cầu bức xúc của thực tiễn. Hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước đối với thị trường còn hạn chế, chưa phát huy vai trò định hướng, điều tiết vĩ mô và kiểm soát hoạt động của thị trường bất động sản. Đặc biệt, khi thị trường bất động sản có biến động lớn, Nhà nước chưa thể hiện được vai trò điều tiết, bình ổn thị trường.

TPHCM: Cư dân E.Home 1 “tố” chủ đầu tư

Email In

Hơn 200 cư dân chung cư E.Home Đông Sài Gòn 1 (E.Home 1) vừa đồng loạt ký tên “tố” chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển căn hộ Nam Long (Nam Long ADC) không tổ chức hội nghị nhà chung cư, kéo dài thời gian làm giấy chứng nhận sở hữu…

 

Theo Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư thì trong vòng 12 tháng kể từ ngày chung cư được đưa vào sử dụng và có 50% căn hộ được bán trở lên thì chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quan trị.

 

Nhiều nỗi bức xúc

Tuy nhiên, theo Ban đại diện lâm thời của tập thể cư dân E.Home 1 thì chung cư đã được bàn giao sử dụng

Chung cư E.Home Đông Sài Gòn 1 (Phước Long B, quận 9)

 từ tháng 7/2009, tính đến nay đã hơn 12 tháng và số dân sống tại đây tính đến tháng 7/2010 đã là 250 hộ trên tổng số 312 căn hộ (trên 50%) nhưng Nam Long ADC cố tình dây dưa, không chịu tổ chức đại hội cư dân, bầu ban quản trị để chuyển giao quyền quản lý chung cư cho tập thể cư dân.

 

Việc này khiến nhiều cư dân bất bình vì khi không hài lòng với các dịch vụ do Công ty Cổ phần Dịch vụ Nam Long (đơn vị do chủ đầu tư mời quản lý E.Home 1) cung cấp thì không biết can thiệp thế nào.

 

Bác Nguyễn Hữu Châu, chủ hộ B211 kể: “Khi chúng tôi đứng ra tổ chức trung thu cho các cháu, chúng tôi muốn nhờ bảo vệ chung cư giữ gìn trật tự cũng không biết làm thế nào. Liên hệ với bộ phận bảo vệ thì họ bảo không ai trả lương cho họ làm việc đó. Vậy là thế nào? Tiền dịch vụ chúng tôi đóng hàng tháng để làm gì?”.

 

Cư dân E.Home 1 còn bức xúc vì phía cung cấp dịch vụ cho chung cư liên tục đòi tăng giá dịch vụ, điện nước… Nhưng khi cư dân đòi minh bạch các khoản chi thu thì không giải thích thuyết phục.

 

Ngoài ra, theo hợp đồng thì Nam Long ADC phải cung cấp trung bình 2 chổ để xe máy cho mỗi căn hộ nhưng đến nay các bãi đậu xe đều chật cứng dù dân cư chưa vào ở hết. Anh Đỗ Tấn Sĩ, chủ hộ C423 cho biết: “Nếu ban đêm ai có việc phải đi thì không tài nào lấy xe ra được vì lối đi cũng chèn chặt xe. Vụ chập điện ở nhà xe cuối tháng 2 vừa rồi làm cháy mười mấy chiếc xe cũng vì nhà xe quá chật chội”.

 

Chưa hết, theo anh Sĩ thì bức xúc lớn nhất của cư dân là việc chủ đầu tư cố tình lần lữa không làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho cư dân dù hầu hết các hộ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2009.

 

Chị Đào Phong Lan, chủ hộ C202 cho biết: “Tôi đã đóng đủ 100% tiền mua căn hộ, nộp đủ hồ sơ cho Nam Long ADC từ cuối năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hề thấy giấy chứng nhận đâu”.

 

Chủ đầu tư chối quanh

Theo anh Bùi Danh Hường, chủ hộ A304 thì bực mình nhất là thái độ thiếu hợp tác của chủ đầu tư. Anh cho biết: “Cư dân E.home 1 đã 3 lần tổ chức họp dân cư với mục đích cùng Nam Long ADC khắc phục những sai sót trong khâu xây dựng, quản lý. Dù đã được mời đích danh 3 lần trong các cuộc họp này nhưng ban giám đốc của Nam Long ADC đều không có mặt”.

 

Từ tháng 5/2010, Ban đại diện cư dân cũng nhiều lần gửi khiếu nại lên Nam Long ADC nhưng không được giải quyết thấu đáo. Anh Hường cho hay: “Mãi đến khi chúng tôi gửi khiếu nại đến Công ty chính của Nam Long ADC, đến các nhà đầu tư lớn của dự án E.Home 1 thì ban giám đốc mới đồng ý gặp gỡ chúng tôi”.

 

Tuy nhiên, trong cuộc gặp ngày 26/9, ông Lê Huỳnh Cương Nghị, Tổng giám đốc Nam Long ADC vẫn khẳng định là Cty đã làm đúng theo như cam kết của Cty với khách hàng trong hợp đồng. Còn về dịch vụ quản lý thì đó không phải là việc của Nam Long ADC mà là của Cty Dịch vụ Nam Long.

 

Về nhà để xe, ông Nghị thừa nhận thiếu sót và hứa sẽ xây dựng thêm nhà để xe bên ngoài để đảm bảo cung cấp đủ 520 chỗ để xe máy cho 258 hộ tại các tầng trên (trừ 54 hộ tầng trệt). Còn chỗ để xe ô tô thì ông Nghị cho là trong brochure quảng cáo vẽ vậy thôi chứ trong hợp đồng Nam Long ADC không hứa cung cấp chỗ đậu ô tô với khách hàng.

 

Biết tranh chấp gay gắt không giải quyết được vấn đề, Ban đại diện cư dân E.Home 1 yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, trả quyền quản lý chung cư cho cư dân. Về điều này, ông Nghị hứa sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư vào ngày 17/10.

 

Còn nỗi bức xúc lớn nhất của cư dân là việc cấp giấy chủ quyền nhà ở thì ông Nghị đổ cho “nhà nước”. Theo Nam Long ADC thì Cty nhận đủ 175 hồ sơ làm giấy chủ quyền nhà ở của các hộ dân vào ngày 30/11/2009, đến ngày 30/12/2009 thì Cty đã nộp cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của Sở Tài nguyên Môi trường.

 

Dù Công ty nhiều lần hối thúc nhưng văn phòng này “om” hồ sơ của Nam Long ADC suốt 7 tháng. Đến ngày 19/7, Văn phòng này mới trả hồ sơ của Nam Long ADC về và hướng dẫn nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận 9 (nơi xây dựng chung cư) để giải quyết.

 

Ông Nghị cho biết là đến ngày 26/9, Nam Long ADC đã nộp hồ sơ của 237 hộ tại quận 9, đến cuối tháng 10 này có thể có giấy chủ quyền. Tuy nhiên, ông cũng thòng 1 câu: “Chúng tôi không hứa, thời gian còn tùy thuộc và các cơ quan nhà nước”.

Nhà thầu nội than khổ

Email In

Tên doanh nghiệp nội trở thành hiếm hoi trong danh sách đảm nhận các dự án khủng. Nhà thầu trong nước bị định vị yếu thế trên chính sân nhà và có nỗi khổ riêng ít ai thấu hiểu.

 

 Năm 2006, tòa nhà cao nhất Hà Nội 34T Trung Hòa Nhân Chính do Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), một công ty trong nước, triển khai. Vài năm sau, Hà Nội chuẩn bị mọc lên hàng loạt công trình chọc trời như dự án ứng cử công trình cao nhất Việt Nam Lotus, Tổ hợp công trình Vietinbank Tower nhưng chủ yếu do các nhà thầu ngoại đảm nhiệm. Tên nhà thầu nội trở nên hiếm hoi trong bảng danh sách đưa ra.

Tòa nhà 34T Trung Hòa Nhân Chính xếp vào hạng cao nhất Hà Nội vào năm 2006 do Vinaconex thi công. Ảnh: Hoàng Hà

Trong lĩnh vực xây dựng, các chuyên gia nhận định, nhà thầu nội có nguy cơ thua trên sân nhà và có nỗi khổ riêng ít ai biết đến. Một trong những vấn đề lớn nhất mà nhà thầu phụ phải đối mặt là bị o ép giá. Ông Nguyễn Thanh Sử, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông, (chủ đầu tư dự án Happyland) chia sẻ với VnExpress.net, chủ đầu tư trả khoản tiền kếch xù cho các tổng thầu là các đơn vị nước ngoài song họ chi cho nhà thầu phụ rất ít. Thêm vào đó, chính các nhà thầu phụ lại cạnh tranh với nhau, sẵn sàng chấp nhận giá thấp để được dự án.

 

Giám đốc của một công ty xây dựng tâm sự, theo quy định của Luật Đấu thầu, giá bỏ thầu của doanh nghiệp trúng thầu là giá thấp nhất và không cao hơn dự toán đã được chủ đầu tư phê duyệt. Để thắng thầu công ty ông đã phải "bấm bụng" bỏ giá thấp nhất trong số các đơn vị bỏ thầu song niềm vui chưa được bao lâu thì đối mặt với cơn bão giá vật liệu xây dựng.

 

Trong khi chi phí nguyên vật liệu của công trình chiếm 40-70% tổng dự toán, cả công ty ông đã phải chạy vạy khắp nơi để vay vốn ngân hàng và chịu gánh nặng lãi suất hơn một năm trời. Cố đeo bám hoàn thành đúng tiến độ nhưng cuối cùng công ty ông đã gần như không có lãi sau khi bàn giao hạng mục công trinh.

 

"Chúng tôi vẫn may mắn vì còn hòa được vốn. Nhiều nhà thầu bị lỗ nặng không thể tiếp tục thi công đành chấp nhận bị phạt", vị giám đốc chia sẻ.

 

Bỏ thầu giá thấp, doanh nghiệp nội lại có nguy cơ bị phạt nặng khi vi phạm các điều khoản trong hợp đồng nên đồng lãi chẳng đáng bao nhiêu. Tâm lý người Việt vốn không quen kiện tụng nên thường chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình triển khai dự án. Hợp đồng do các đối tác ngoại soạn thảo thường có các điều khoản rất chặt chẽ, tính hiệu lực cao. Nếu có các sai phạm, dù là rất nhỏ, chế tài của nhà thầu ngoại đưa ra sẽ rất nặng. Ngược lại, các nhà thầu nội thường linh động bỏ qua các lỗi nhỏ của nhà thầu ngoại vì không muốn thưa kiện.

 

"Nhà thầu Việt Nam rất du di các điều khoản và họ chủ yếu sử dụng phương pháp hòa giải. Ngược lại, khi có mâu thuẫn, nhà thầu ngoại căn cứ vào hợp đồng phạt nhà thầu trong nước rất nặng", ông Sử nói.

 

Ông Đỗ Công Hiển, Giám đốc ban xây dựng Tổng công ty cổ phần Vinaconex, bổ sung, nhân công lao động theo mùa vụ cũng là một trong những khó khăn đáng kể. Vào đợt mùa, lao động lại bỏ về quê làm ruộng bỏ mặc công trường loay hoay tìm người thay thế là thực tế nhiều dự án gặp phải. Dù biết đó là cách làm việc không chuyên nghiệp song các doanh nghiệp cũng đành "ngậm ngùi" vì thực tế công nhân của Việt Nam số đông xuất thân từ nhiều làng quê.

 

Thêm vào đó, các nhà thầu nội đang đối mặt với việc công nghệ chưa bắt kịp nước ngoài. Ông Hiển đưa ra minh họa, một số công ty lớn uy tín trong lĩnh vực xây dựng có thế mạnh về công nghệ nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với máy móc của nước ngoài. Thậm chí, chủ đầu tư có cả công ty chuyên về quản lý dự án, thiết bị sử dụng hệ thống trượt khung, trượt lõi và các đầu lắp ráp hiện đại vẫn chưa thể đạt tiến độ thi công 4-5 ngày một sàn như công trình Keangnam.

 

Ông Vũ Gia Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội nhà thầu Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận thực tế ở Việt Nam chưa có nhà thầu nào nổi hẳn lên xứng đáng làm kim mũi nhọn mặc dù lĩnh vực xây dựng của Việt Nam không kém. Nguyên nhân sâu xa, theo ông Quỳnh, là chính sách trong nước chưa hỗ trợ doanh nghiệp nội và họ khó có cơ hội vươn lên. Ông Quỳnh đưa ra minh họa, trong khi nhiều quốc gia có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nội với quy định bất cứ doanh nghiệp ngoại nào thắng thầu đều phải sử dụng nguyên vật liệu, nhân công của quốc gia đó thì Việt Nam lại chưa làm được.

 

Không có chính sách bảo hộ, nếu các dự án xây dựng thuộc về tay các nhà thầu Trung Quốc thì cơ hội làm thầu phụ cũng tuột khỏi tay các nhà thầu Việt bởi nước bạn đi đến đâu đều mang nhân công của mình đến đó. Cùng với chiến thuật "xuất khẩu công nhân thông qua xuất khẩu xây dựng", nửa triệu số công nhân của nước láng giềng này đang nằm rải rác ở các quốc gia. Trong đó, lao động Trung Quốc chiếm tỷ lệ không nhỏ ở Việt Nam. "Khi đó, cơ hội làm thầu phụ Việt Nam cũng không còn", ông Quỳnh lo ngại.

 

Một thực tế là cho dù nhiều dự án do các nhà thầu ngoại thiết kế thì đơn vị thi công vẫn là người Việt Nam đảm nhiệm. Ông Hiển cho rằng, đây chính là cơ hội để các nhà thầu nội nỗ lực vươn lên dành quyền chủ động trên sân nhà. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã rút ngắn khoảng cách giữa nhà thầu nội và ngoại. Cụ thể, ông Hiền dẫn chứng, phía công ty ông và Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đang phối hợp thực hiện dự án ở Bắc An Khánh. Nếu so sánh về chất lượng, tiến độ thi công hai bên đều như nhau.

 

Trước đây với công nghệ cũ, Vinaconex chỉ thi công được các tòa nhà khoảng 40 tầng nay công ty này đang tiếp thu công nghệ mới của Hàn Quốc và có thể triển khai những công trình không giới hạn chiều cao. "Trước mắt Vinaconex sẽ triển khai xây dựng công trình hơn 70 tầng ở Bắc An Khánh, và sắp tới sẽ là tòa nhà cao hơn nữa", ông Hiển tiết lộ.

 

Tuy nhiên, theo ông Hiển, không nên quá câu nệ về chuyện nhà thầu nội và ngoại. "Điều quan trọng là sản xuất ra cái gì và chất lượng ra sao chứ không phải mác nội hay ngoại gắn vào dự án", ông Hiển nhận định.

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM