You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Khởi công Khu tái định cư Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả

Email In

Chiều ngày 16/10/2010 tại Đèo Cả, thuộc địa phận 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà, đã diễn ra Lễ Khởi công Khu tái định cư Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả.

 

Tại buổi lễ, ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc khởi công xây dựng Khu tái định cư Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ giúp những người dân ở khu vực bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, giúp cho việc giải phóng mặt bằng nhanh chóng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng Hầm Đèo Cả tiến hành sớm hơn.

 

Theo ông Nghiêm Sỹ Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, Khu tái định cư Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả có diện tích khoảng 7,9 ha. được xây dựng cho hơn 200 hộ dân, mỗi hộ dân được bố trí khoảng 250m2. Khu tái định cư sẽ được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông,  hệ thống cấp điện, cấp nước sinh hoạt và hệ thống thoát nước thải sinh hoạt cùng với các công trình công cộng như: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trụ sở thôn, chợ....Thời gian thi công dự kiến khoảng 120 ngày.

Nằm trên Quốc lộ 1A, Đèo Cả  là một trong những con đèo lớn và nguy hiểm nhất tại miền Trung.  Mỗi ngày Đèo Cả tiếp nhận hàng ngàn lượt xe cộ qua lại và mỗi năm trên đèo thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

 

Với việc triển khai dự án Hầm Đường bộ qua Đèo Cả, các phương tiện sẽ giảm bớt được gần 1/2 quãng đường đi, thời gian qua đèo sẽ chỉ bằng 1/4 trước đây, giảm thiểu các chi phí hao mòn hư hỏng xe, ước tính mỗi năm có thể tiết kiệm được gần 5 triệu USD.

 

Nằm trong chiến lược phát triển hệ thống đường bộ Việt Nam tới năm 2020, Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả có ý nghĩa chiến lược cho mục tiêu phát triển lâu dài kết nối hai miền Nam Bắc, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho khu vực miền Trung mà đặc biệt là kết nối 2 Khu kinh tế trọng điểm là khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa).

 

Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả được đầu tư theo hình thức BT và BOT với tổng vốn đầu tư  dự kiến ban đầu là 9.518 tỷ đồng, thuộc địa phận 2 huyện Đông Hoà (Phú Yên) và Vạn Ninh (Khánh Hoà) với tổng chiều dài tuyến khoảng 11,125 km.

 

Sau khi hoàn thành, hầm đường bộ Đèo Cả dự kiến sẽ dài gần 6km gồm 2 đường hầm với 4 làn xe, 2 cầu, vận tốc thiết kế là 80km/h và có thể chịu được động đất cấp 7. Đồng bộ với công trình chính là các khu điều hành, chuyên gia, dân cư và nhiều công trình dân sinh khác.

 

Chủ đầu tư dự án là Công ty Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả được thành lập trên cơ sở góp vốn sự của các nhà đầu tư lớn là: Tổng Công ty xây dựng Hà Nội, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Thạch B.O.T, Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Á Châu để triển khai dự án. Hai Ngân hàng của Pháp là Ngân hàng Credit Agricole Corporeate & Investment (CA – CIB) và Ngân hàng Societe Generale đã ký kết tài trợ vốn cho toàn bộ Dự án, khoảng 500 triệu USD.

 

Dự kiến, tháng 12/2010 Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2014.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã tiến hành quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt. Ban tổ chức đã nhận được sự đóng góp của Công ty Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả (50 triệu đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Thạch (50 triệu đồng), Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (50 triệu đồng)... và nhiều tổ chức, cá nhân khác. Số tiền quyên góp được tải buổi lễ đã được trao cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hoà để chuyển đến Hội Chữ thập đỏ TW rồi trao đến tay bà con bị thiệt hại vùng lũ.

 

Các dự án BĐS phía Tây Hà Nội: Ngổn ngang thực địa

Email In

Việc hoàn thành xây dựng đường Láng – Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long) và nâng cấp Quốc lộ 32 được kỳ vọng là “lực đẩy” cho các dự án bất động sản (BĐS) phía Tây Hà Nội. Nhưng dù đường đã thông, mà hầu hết dự án vẫn ngổn ngang. Số ít “nhúc nhắc”

 

Một trong những dự án đã được được giới thiệu đình đám cách đây nhiều năm, dự báo sẽ trở thành tâm điểm trong chuỗi đô thị phía Tây Hà Nội là Khu đô thị Bắc An Khánh (đã đổi tên thành Dự án Splendora cách đây hơn 1 năm). Dự án này do Công ty Vinaconex và Tập đoàn Posco E & C làm chủ đầu tư, với số vốn hơn 2,5 tỷ USD, diện tích chiếm đất hơn 264 ha.

Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch. Ảnh: Q.H

Công trình được chính thức khởi công từ tháng 4/2007 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn diện tích Dự án vẫn chưa hoàn thành việc san lấp mặt bằng. Ngay cả trung tâm marketing và diện tích 50 ha trong giai đoạn I của dự án hiện vẫn trong quá trình xây dựng và san lấp mặt bằng.

 

Một dự án khu đô thị lớn khác, thậm chí được khởi công trước Khu đô thị Bắc An Khánh, là Khu đô thị Nam An Khánh, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư, với diện tích gần 300 ha. Tại dự án này, phần lớn diện tích đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và đã có đường giao thông, nhưng rất ít công trình nhà ở được triển khai theo tiến độ đã cam kết.

 

Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch, do Công ty cổ phần Thương mại Vietracimex làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 170 ha, cũng đã từng được giới đầu tư đất Hà Nội hết sức quan tâm khoảng 1 năm về trước. Đến thời điểm hiện tại, bên ngoài tường rào của Dự án đã được chủ đầu tư dựng biển giới thiệu về các hạng mục công trình, nhưng bên trong hầu như vẫn là khu đất hoang.

 

Ngược lại, có tiến độ xây dựng khả quan nhất trong số các dự án BĐS nằm trong khu vực phía Tây Hà Nội lại là 2 dự án khu đô thị không có nhiều “danh tiếng”. Đó là các dự án Khu đô thị mới Lideco (Thị trấn Trôi, huyện Hoài Đức) do Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư và Khu đô thị Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) do Công ty cổ phần Xây dựng Tuấn Quỳnh làm chủ đầu tư. Các công trình này đã cơ bản hoàn thiện phần xây thô.

 

Phần lớn “bất động”

Theo thống kê của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, chỉ tính riêng khu vực từ đường vành đai 2 đến vành đai xanh sông Nhuệ có tổng cộng 744 dự án, đồ án nằm trong diện phải rà soát quy hoạch. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thực hiện 244 dự án, đồ án, với diện tích chiếm đất khoảng 10.000 ha.

 

Trả lời câu hỏi về số phận các dự án nằm trong khu vực đường vành đai 4 và vành đai xanh sông Nhuệ, ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết, Thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng đã phối hợp lên danh sách cũng như đặt ra các tiêu chí, nguyên tắc rà soát. Tuy nhiên, do “đụng” tới nhiều đồ án, dự án có diện tích rất lớn, có khi lên tới hàng nghìn héc-ta nằm trong khu vực vành đai xanh (theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội), nên mức độ sàng lọc trong đợt 2 sẽ cao hơn, với các yêu cầu kiểm soát rất nghiêm ngặt.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, việc xử lý các dự án trong khu vực từ đường vành đai 4 đến vành đai xanh sông Nhuệ là hết sức khó khăn. “Quan điểm của Bộ Xây dựng là phải giải quyết rốt ráo, nhưng cần duy trì được trật tự quy hoạch, dựa trên các quy hoạch phân khu. Đa phần dự án còn lộn xộn, thậm chí có dự án còn chưa có đường vào. Việc cấp phép dự án trước đây có vấn đề”, ông Toàn nói.

 

Những huyện có số đồ án quy hoạch rất lớn là Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai (trong khu vực có dự án đường vành đai 4 chạy qua), với mỗi địa phương có hàng trăm dự án BĐS, chủ yếu là dự án nhà ở, khu đô thị. Trong số này, có thể kể đến những dự án có diện tích chiếm đất rất lớn, như Khu đô thị Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, 420 ha), Khu đô thị Bình Yên (huyện Thạch Thất, 211 ha), Khu đô thị Tuần Châu (huyện Quốc Oai, gần 200 ha), Khu đô thị Điện lực Dầu khí (huyện Thạch Thất, 196 ha), Khu du lịch sinh thái Cổ Đông (Ba Vì, 180 ha), Khu đô thị Vincon (huyện Hoài Đức, 150 ha). Hầu hết các dự án này vẫn chưa giải phóng mặt bằng, vì còn chờ phê duyệt quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội.

 

Thị trường đìu hiu vì “đói vốn”

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép thực hiện 244 dự án, đồ án từ đường vành đai 3 đến hành lang xanh sông Nhuệ, nhưng số lượng dự án triển khai rất ít. Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, ngoài nguyên nhân vướng quy hoạch, thì việc dự án chậm triển khai còn do thiếu vốn đầu tư. Theo ước tính của ông Võ, để hoàn thành các dự án BĐS khu vực phía Tây Hà Nội, với quy mô và số lượng dự án như hiện nay, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ tiêu tốn khoảng 70 tỷ USD vốn đầu tư. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “siết” dòng vốn cho vay BĐS của các ngân hàng thương mại và người dân cũng ngần ngại với đầu tư, góp vốn vào các dự án địa ốc. Thực tế này đang tạo nên “chiếc vòng kim cô” đối với thị trường BĐS Thủ đô.

 

Chỉ mới cách đây 1 năm, với kỳ vọng quá lớn vào thị trường, nhiều người đã phải bỏ ra số tiền chênh lệch tới cả tỷ đồng để sở hữu 1 nền đất tại các dự án Khu đô thị Bắc An Khánh, Xuân Phương, Nam An Khánh, Vân Canh, Kim Chung – Di Trạch… Nhưng đến thời điểm này, hầu hết các dự án đó vẫn là những cánh đồng hoang.

Căn hộ siêu nhỏ - giải pháp hiện tại và cho cả tương lai ?

Email In

Đầu tư căn hộ siêu nhỏ được nhận định là một xu hướng mới giúp giải quyết nhu cầu về nhà ở đang bức xúc tại khu vực đô thị. Tuy vậy vẫn có nhiều ý kiến lưu ý về mức độ phù hợp của loại hình căn hộ siêu nhỏ này tại Việt Nam.

 

Nghị định 71/2010/NĐ - CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 8/8/2010 chính thức hợp lthức hóa hoạt động xây dựng mua bán và đưa chung cư mini vào diện quản lý. Sau khi được pháp luật công nhận, làn sóng mua bán chung cư mini đã diễn ra rất sôi động.

 

Giải pháp cho hiện tại

Khoản 3 điều 43 Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở tại đô thị từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng có từ hai căn hộ

Ảnh minh họa

trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng) thì diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30m2 và phải đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại điều 70 của Luật Nhà ở”.

 

Khoản 5 điều 43 của Nghị định 71 quy định: “Đối với nhà ở có đủ điều kiện quy định tại khoản 3 điều này mà hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó”.

 

Theo đó, trong một căn nhà  có thể có nhiều căn hộ nhỏ khép kín và đây đích xác là một chung cư thu nhỏ hay chung cư mini.

Theo quy định, hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ để bán, cho thuê các căn hộ siêu nhỏ sẽ không bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch bất động sản nhưng phải công chứng hợp đồng.

 

Các hộ gia đình cá nhân chỉ được bán, cho thuê căn hộ khi đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Sau khi bán, chủ hộ phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho người mua theo hình thức đất sử dụng chung.

 

Như vậy, việc hợp thức hóa loại hình nhà ở mini – “siêu nhỏ” sẽ thúc đẩy nguồn cung loại hình nhà ở này trong tương lai, giải quyết kịp thời yêu cầu bức thiết của những người có thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị lớn.

 

Và cho cả tương lai ?

Tuy nhiên, việc phát triển loại hình này cần lưu ý nhiều vấn đề. Kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tp.HCM cho rằng căn hộ mini hiện được xem là xu hướng toàn cầu.

 

Nhằm đảm bảo nhu cầu về nhà ở cho người độc thân, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng những căn hộ siêu nhỏ hay còn gọi là “studio” với diện tích khoảng 20-30 m2.

Tuy vậy, ngoài việc lưu ý về mức độ phù hợp của loại hình căn hộ siêu nhỏ này tại Việt Nam, ông Phong còn nghi ngại về trình độ dân trí khi tiếp cận một môi trường sống mới. Loại nhà cho 1 người sẽ nhanh chóng thành “ổ chuột” khi phải chứa tới 4 người, bị cơi nới với nếp sống như những năm 80 của thế kỷ trước.

 

Ông Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) từng bày tỏ lo ngại về chất lượng của những căn hộ bị thu hẹp diện tích quá mức. Theo ông Hải, không phải vô cớ mà điều 40 của Luật Nhà ở về phát triển nhà ở thương mại có quy định tiêu chuẩn thiết kế nhà ở thương mại (dạng chung cư) phải có diện tích sàn xây dựng mỗi căn không thấp hơn 45m2 dành cho 4 người, bình quân mỗi người hơn 11m2, vì đó là giới hạn diện tích tối thiểu có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của mỗi người.

 

Bằng kinh nghiệm của một chuyên gia về quy hoạch, ông Hải cho rằng, kiểu căn hộ siêu nhỏ về lâu dài không phù hợp với sự phát triển của một thế giới hiện đại và sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu trong tương lai. Ngay cả những chung cư xây từ những năm 80 của thế kỷ trước với diện tích từ 30-45 m2 hiện nay đã lạc hậu, xuống cấp trầm trọng gây nhếch nhác bộ mặt đô thị.

 

Ông Lưu Đức Hải nhấn mạnh, luật cho phép xây dựng loại hình chung cư được nhiều người gọi là chung cư mini hay nhà siêu nhỏ như trên là đã xét đến góc độ cuộc sống khi nhu cầu nhà ở của người dân quá lớn mà nguồn cung không đáp ứng kịp.

"Nhưng cho phép xây những loại nhà siêu nhỏ như trên là điều không mong muốn của người làm quy hoạch. Cần phải cân nhắc thực tiễn rằng, những căn hộ siêu nhỏ phù hợp với ngày hôm nay nhưng 20-30 năm sau không ai dám chắc Nhà nước không phải bỏ ngân sách ra cải tạo lại, như vậy chúng ta suốt ngày phải đi giải quyết hậu quả của lịch sử”, ông Hải nói.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, để loại hình chung cư mini trên không phá vỡ quy hoạch đô thị, điều cần thiết phải quy hoạch xây dựng theo từng khu vực cụ thể và cần được kiểm soát chặt chẽ về số lượng và nhu cầu thực tế.

 

Ở một khía cạnh khác, Kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong cho rằng cần thay đổi quan niệm đối với loại nhà siêu nhỏ nêu trên. Nên coi đây là một mô hình ở để các nhà đầu tư khai thác cho thuê chứ không phải loại hình sở hữu nhà ở tương lai mà xã hội hướng đến, còn nếu để bán thì cần đặt nặng vai trò của nhà quản lý.

 

Cả ông Hải và ông Phong đều khẳng định điểm căn cơ để giải quyết bài toán nhà ở cho người nghèo mà vẫn đảm bảo bộ mặt đẹp cho đô thị là cần nhanh chóng có cơ chế hạ nhiệt giá đất và hỗ trợ về tài chính, phương thức mua nhà cho người dân, trong đó ngân hàng phải đóng vai trò quan trọng, từ đó những người dân dù có thu nhập thấp vẫn có quyền "mơ" tới một nơi ở tốt bằng cách thuê hoặc mua trả góp lâu dài.

Bất động sản Hà Nội: Găm hàng chờ lên giá?

Email In

Kết quả khảo sát thị trường bất động sản Hà Nội trong quý 3 của Công ty CBRE Việt Nam công bố ngày 12/10 cho thấy số căn hộ được tung ra thị trường trong quý 3/2010 tại Hà Nội đã giảm gần 60% so với 3 tháng trước đó.

 

 Hoạt động giao dịch ở phân khúc căn hộ để bán trong quý 3 tiếp tục trầm lắng, với ít căn hộ được chào bán hơn, đạt khoảng 1.950 căn. Trong khi đó, lượng căn hộ được các chủ đầu tư tung ra trong quý trước đó là khoảng 4.600 căn.

 

Ế cũng không muốn bán

Theo ông Richard Leech, Giám đốc CBRE Việt Nam, ngoài lý do mang tính thông lệ, đó là

Lượng căn hộ tung ra trong quý 3/2010 chỉ bằng 40% so với quý trước đó.

  tháng 7 âm lịch luôn là thời điểm kinh doanh nhà ở chững lại, thì nguyên nhân sụt giảm của cả cung và cầu trên thị trường chủ yếu do tác động từ Nghị định 71 của Chính phủ có hiệu lực hồi đầu tháng 8 vừa qua.

 

Nghị định này hạn chế tối đa 20% số căn hộ trong một dự án được bán thông qua hình thức hợp đồng góp vốn. Đây có thể là một điểm mở thông thoáng của nghị định, song đối với những dự án từ trước đến nay được chủ đầu tư bán chủ yếu qua hình thức này thì lại là một điều khoản siết chặt một hình thức mua bán tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhiều lợi thế nghiêng hẳn về bên bán.

 

Chính vì lý do trên nên nhiều chủ đầu tư đã quyết định lùi kế hoạch chào bán dự án của mình sang quý 4 hoặc đầu năm tới. Đặc biệt, với những chủ đầu tư của các dự án lớn, phần lớn đều hy vọng giá căn hộ hoặc đất liền kề sẽ tăng nhanh sau khi đồ án quy hoạch Thủ đô được thông qua trong những tháng cuối năm 2010.

 

Ông Vũ Tuấn Thiện, Phó giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Bắc Việt cho biết, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng giới thiệu, phân phối hơn 50 căn hộ dự án tại An Khánh cho một công ty bất động sản tại Hà Nội. Tuy nhiên, dù số người tìm hỏi mua rất ít nhưng theo yêu cầu của chủ đầu tư, phải sau tháng 10 này mới chính thức chào bán và ký hợp đồng với khách hàng nào mua số căn hộ trên.

 

Lý do được ông Thiện đưa ra đơn giản là vì chủ đầu tư kỳ vọng giá bán sẽ nhích lên vào dịp cuối năm, thay vì phải bán sản phẩm vào lúc thị trường ảm đạm. Chính vì thế, dù đang rất cần vốn quay vòng, song doanh nghiệp trên vẫn phải chấp nhận nằm phục theo kiểu “cố đấm ăn xôi” với một tình hình sáng sủa hơn vào cuối năm.

 

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó giám đốc phụ trách khối thị trường nhà ở của CBRE, việc nguồn cung sụt giảm trong quý 3 có thể là do sự giằng co về lợi ích giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Với chủ đầu tư dự án, sẽ có nhiều người không muốn làm đúng luật, trong khi khách hàng cũng không muốn phải chấp nhận rủi ro nên kết cục là nguồn cung đưa ra không nhiều và theo đó giao dịch cũng giảm hẳn.

 

Theo CBRE, mặc dù nguồn cung giảm mạnh trong thời gian qua, song trên thị trường thứ cấp, giá chào bán khá ổn định với mức tăng/giảm vào khoảng 1% - 2,5% so với quý trước.

Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có khoảng khoảng 3.000 căn hộ được tung ra thị trường, nâng tổng nguồn cung năm 2010 lên 16.000 căn. Tuy nhiên,  theo ông Richard Leech, việc Nghị định 71 có hiệu lực sẽ có ảnh hưởng tích cực lên thị trường mà cụ thể là sẽ tăng tính minh bạch, gây sức ép lên chủ đầu tư thiếu khả năng tài chính, giảm nguy cơ bong bóng giá, và hiệu ứng đầu cơ cũng có thể giảm theo.

 

Có “sóng” cuối năm?

Trái với dự báo của một số công ty nghiên cứu thị trường, phần lớn các nhà đầu tư bất động sản đều cho rằng, sau một thời gian trầm lắng khá dài, thị trường bất động sản sẽ có những cú bật khá mạnh vào những tháng cuối năm. Bởi lẽ, hiện bất động sản đang là kênh được nhiều nhà đầu tư quay lại sau một thời gian chật vật trên thị trường chứng khoán, vàng và các khoản đầu tư tài chính khác.

 

Trong một cuộc hội thảo về xu hướng đầu tư bất động sản phía Tây Hà Nội được tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, không ít nhà đầu tư được hỏi đều cho rằng sẽ sẵn sàng “ném” tiền vào những khu vực nóng của Hà Nội nếu như quy hoạch Thủ đô được thông qua trong tháng 10 hay 11 năm nay.

 

Theo lý giải của những nhà đầu tư này, với thị trường bất động sản thì từ giới đầu tư cho đến những người tìm mua nhà, đất để ở đều sợ nhất hai từ “quy hoạch”. Họ cho rằng, thị trường bất động sản Hà Nội trầm lắng suốt từ đầu năm đến nay chính là vì các nhà đầu tư lẫn khách hàng cùng “nín thở” chờ Quy hoạch Thủ đô.

 

Do đó, nếu quy hoạch này được Chính phủ phê duyệt thì không có lý do gì kênh bất động sản lại bị nhà đầu tư từ chối, bởi chắc chắn giá của hầu hết các phân khúc sẽ tăng mạnh do tâm lý muốn trở thành “những người đi trước” và ý đồ “hớt váng” của giới đầu cơ ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt.

 

Bà Dương Bích Hợp, một nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm cho hay, thị trường nhà đất ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng không có nhiều điều đến mức quá khó hiểu, bởi nó chịu ảnh hưởng khá lớn từ yếu tố tâm lý, cộng với một số tác động của chính sách từ cơ quan quản lý.

 

Chính vì thế, theo kinh nghiệm của bà, chuyện thị trường trầm lắng, sôi động, rồi lại trầm lắng gần như là một chu kỳ được lặp đi lặp lại nhiều năm liền và với những ai có chút kinh nghiệm cũng có thể kiếm được lợi nhuận, tất nhiên đi kèm với đó phải có một lượng vốn khá lớn.

 

“Động thái găm hàng của một số chủ đầu tư cho thấy họ kỳ vọng vào khoản lợi nhuận thu được trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, không chỉ là kỳ vọng, động thái đó báo hiệu sẽ có một đợt tăng giá, dù có thể là không nhiều vào cuối năm, và những ai làm bất động sản đều đã được học bài học vỡ lòng đó”, bà Hợp nói.

 

Còn theo ông Lê Trung Hùng, Chánh văn Phòng Công ty Tập đoàn Đất Việt, với diễn biến trên thị trường trong một vài tuần gần đây cho thấy, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ có “sóng” vào những tháng cuối năm nay bởi những tín hiệu từ chủ đầu tư và cả những chính sách là đã khá rõ.

 

“Thị trường bất động sản rất nhạy cảm, nó luôn chịu tác động từ các động thái của nhà quản lý, của chính sách. Do đó, với những thay đổi của các yếu tố này thì ngay lập tức trào lưu lướt sóng tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn sẽ xuất hiện. Cơ hội có thể mở ra, song nếu yếu tố tâm lý chiếm quá lớn trong các quyết định đầu tư thì cơ hội và rủi ro sẽ được chia đều”, vị này nhận định.

Thị trường Bất Động Sản-Trong “cơn bão” giá vàng

Email In

 

Giá vàng vào thời điểm 10/10, ngày Đại lễ chính thức của kỷ niệm 1.000 năm TL-HN đã lên đến trên 32 triệu/lượng vàng. Sáng 10/10, giá vàng bán ra tại Hà Nội đã xấp xỉ 32,6 triệu đồng. Khả năng giá vàng vượt ngưỡng 33 triệu, theo nhiều nguồn tin là rất có thể xảy ra. Với “cơn bão” giá vàng như vậy, thị trường Bất Động Sản(BĐS) có bị ảnh hưởng?

Về việc này hiện có 2 luồng dư luận trái chiều đang song hành. Một bên cho rằng, việc giá vàng tăng tất nhiên có những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS vốn đang ảm đạm, lại càng ảm đạm hơn. Những người bảo vệ cho ý kiến này dựa trên cơ sở các giao dịch BĐS xưa nay chủ yếu bằng vàng. Với tình trạng giá vàng khó xác định, không chỉ người bán e ngại mà cả người mua cũng rất thận trọng dẫn đến tình trạng “đóng băng” trong giao dịch BĐS. Trái với luồng ý kiến trên, nhiều nhà đầu tư BĐS lại tỏ ra bàng quan trước “cơn lốc” tăng giá vàng. Theo họ, thị trường BĐS chững lại không phải vì giá vàng tăng mà chủ yếu do ảnh hưởng của Nghị định 71/CP về nhà ở, đất ở, đặc biệt là quy định 20% số lượng nhà bán không qua sàn…

 

Giá vàng tăng, có sao đâu

Bà Dương Nguyên Thạch - GĐ Cty CP BĐS Thiên Cơ (Hà Nội) cho rằng: Các sàn giao dịch BĐS ở Hà Nội ít thanh toán bằng vàng mà chủ yếu bằng tiền mặt. Thêm nữa, sự điều tiết về giá cả thị trường vàng nhạy cảm hơn so với thị trường nhà đất. Do đó, việc rút đầu tư từ BĐS chuyển sang kinh doanh vàng là điều khá mạo hiểm. Nhu cầu mua nhà thực tế của người dân ở thời điểm này cao hơn hẳn so với nhu cầu đầu cơ của cá nhân hay chủ đầu tư và điều đó dẫn đến thực trạng giao dịch BĐS khá trầm lắng so với thời gian trước.

 

Ông Nguyễn Quang Điền - GĐ Sàn giao dịch BĐS Thăng Long cũng cho rằng việc giá vàng tăng không mấy tác động đến thị trường BĐS “giao dịch tại sàn có phần chững lại hơn so với trước. Nếu như mỗi tuần trước đây Cty bán được từ 15-20 căn nhà thì thời gian qua lượng bán giảm đến 70%. Song không phải do giá vàng tăng, bởi giao dịch của những căn hộ hoặc chung cư cao cấp vẫn được thanh toán bằng tiền mặt hoặc đô-la. Thực tế sự trầm lắng của thị trường BĐS hiện tại là do quy định siết chặt vốn vay của các ngân hàng, hơn nữa vấn đề suy thoái và lạm phát cũng làm nao núng các nhà đầu tư khiến họ thận trọng hơn trong các bước đầu tư”.

 

Thị trường BĐS sẽ sôi động hơn trong tháng 11, đó là nhận xét (hay kỳ vọng) của nhiều người. Lý do đưa ra có một phần do tâm lý người Việt ít ai muốn giao dịch chuyện nhà đất trong tháng 7 mưa ngâu. Đến tháng 8 (âm lịch) cùng với nhu cầu cưới hỏi, việc đầu tư cho thị trường BĐS sẽ có nhiều biến động hơn.

 

Ảnh hưởng trực tiếp và rất mạnh

Nhiều ý kiến lại cho rằng thị trường BĐS đang có cơ hội dần hồi phục đã bị “quật ngã” bởi giá vàng tăng chóng mặt. Ông Phạm Văn Thiệt - Phó TGĐ Ngân hàng Thương mại CP Á Châu (ACB) cho rằng: Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường BĐS ách tắc là do 2 bên mua bán nhà tiến hành giao dịch thanh toán bằng vàng. Trước tình trạng giá vàng tăng cao như hiện nay, việc rao bán, giao dịch rất thấp. Một số giao dịch đã đặt cọc vàng để mua nhà nhưng do biến động giá vàng nên giao dịch rơi vào tình trạng đổ vỡ. Hiện tại người mua nhà rất ngại tìm tới những căn nhà rao bán bằng vàng do sợ giá vàng tiếp tục tăng. Trong khi người bán lại muốn thanh toán bằng vàng để hưởng chênh lệch khi giá vàng tăng. Các căn nhà có sự giao dịch kiểu này tính thanh khoản gần như không có.

 

TS. Nguyễn Dũng Tiến - Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Địa chính khẳng định giá vàng tăng ảnh hưởng rất lớn đến thị trường BĐS bởi thói quen giao dịch nhà đất bằng vàng. Việc giá vàng tăng liên tục đã làm cho thị trường chung hoảng loạn, nhiễu thông tin và không thể định hướng. Người ta phải chờ đợi và tạm thời dừng các giao dịch BĐS. Sự thay đổi đột ngột tỷ giá giữa vàng và đồng đô-la sẽ tác động tới ngân hàng tín dụng, cụ thể là chu trình vay-nợ. Ở những nước có thị trường BĐS quan hệ chặt chẽ với các thị trường tiền tệ, thị trường vốn thì tác động này rất mạnh và trực tiếp. Thị trường BĐS Việt Nam cũng không ngoại lệ, dù quan hệ giữa thị trường này với các thị trường khác vẫn ở dạng đơn lẻ và chưa thành hệ thống. Cú sốc giá vàng làm đảo lộn việc mua bán, đầu tư, tích trữ. Đây cũng là nguyên nhân khiến người ta ít nghĩ đến việc đầu tư dài hơi hơn, mà đầu tư BĐS trong lúc này thì không thể nóng vội.

 

Chưa có câu trả lời

2 xu hướng, 2 luồng ý kiến đánh giá về thị trường BĐS trong “cơn bão” giá vàng tăng xem ra không phải là không có lý. Sự phân vùng khá rõ của thị trường BĐS Hà Nội và TP.HCM chính là nguyên cớ của 2 sự đánh giá. Hà Nội phần lớn việc mua bán nhà đất không còn gắn chặt vào giá vàng, trong khi việc giao dịch địa ốc qua vàng vẫn còn phổ biến tại TP.HCM. Hãy thử tưởng tượng một mét vuông đất ở khu “nóng nhất” tại Hà Nội có giá cả trăm cây vàng ta sẽ có một số tiền kinh khủng đến cỡ nào. Sự hoang mang của các nhà đầu tư BĐS trước tình trạng giá vàng tăng đột biến là điều tất nhiên. Thay đổi thói quen này rất khó và phải chờ đợi. Một khi đồng nội tệ chưa đủ độ tin cậy thì vàng và đô-la sẽ được người ta tìm đến - đó là điều tất yếu. Giao dịch BĐS bằng vàng vẫn tồn tại nhiều ở TP.HCM và theo ước tính chiếm đến 70% các giao dịch nhà đất. Trong khi ta phải nhập khẩu vàng đến 60 tấn/năm thì việc sử dụng vàng vào giao dịch này quả là một lãng phí nguồn lực đầu tư cho phát triển.

 

Khi chưa có một thống kê đầy đủ về thị trường BĐS thì cũng khó có cơ sở cho việc thay đổi một thói quen giao dịch bằng những văn bản pháp qui mang tính Nhà nước. Câu trả lời hãy chờ cũng đồng nghĩa với việc chưa thể có bất kỳ cách thức khả dĩ nào để điều chỉnh thói quen giao dịch của một thị trường vừa mới mẻ vừa truyền thống như thị trường BĐS Việt Nam.

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM