Giá vàng vào thời điểm 10/10, ngày Đại lễ chính thức của kỷ niệm 1.000 năm TL-HN đã lên đến trên 32 triệu/lượng vàng. Sáng 10/10, giá vàng bán ra tại Hà Nội đã xấp xỉ 32,6 triệu đồng. Khả năng giá vàng vượt ngưỡng 33 triệu, theo nhiều nguồn tin là rất có thể xảy ra. Với “cơn bão” giá vàng như vậy, thị trường Bất Động Sản(BĐS) có bị ảnh hưởng?
Về việc này hiện có 2 luồng dư luận trái chiều đang song hành. Một bên cho rằng, việc giá vàng tăng tất nhiên có những ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS vốn đang ảm đạm, lại càng ảm đạm hơn. Những người bảo vệ cho ý kiến này dựa trên cơ sở các giao dịch BĐS xưa nay chủ yếu bằng vàng. Với tình trạng giá vàng khó xác định, không chỉ người bán e ngại mà cả người mua cũng rất thận trọng dẫn đến tình trạng “đóng băng” trong giao dịch BĐS. Trái với luồng ý kiến trên, nhiều nhà đầu tư BĐS lại tỏ ra bàng quan trước “cơn lốc” tăng giá vàng. Theo họ, thị trường BĐS chững lại không phải vì giá vàng tăng mà chủ yếu do ảnh hưởng của Nghị định 71/CP về nhà ở, đất ở, đặc biệt là quy định 20% số lượng nhà bán không qua sàn…
Giá vàng tăng, có sao đâu
Bà Dương Nguyên Thạch - GĐ Cty CP BĐS Thiên Cơ (Hà Nội) cho rằng: Các sàn giao dịch BĐS ở Hà Nội ít thanh toán bằng vàng mà chủ yếu bằng tiền mặt. Thêm nữa, sự điều tiết về giá cả thị trường vàng nhạy cảm hơn so với thị trường nhà đất. Do đó, việc rút đầu tư từ BĐS chuyển sang kinh doanh vàng là điều khá mạo hiểm. Nhu cầu mua nhà thực tế của người dân ở thời điểm này cao hơn hẳn so với nhu cầu đầu cơ của cá nhân hay chủ đầu tư và điều đó dẫn đến thực trạng giao dịch BĐS khá trầm lắng so với thời gian trước.
Ông Nguyễn Quang Điền - GĐ Sàn giao dịch BĐS Thăng Long cũng cho rằng việc giá vàng tăng không mấy tác động đến thị trường BĐS “giao dịch tại sàn có phần chững lại hơn so với trước. Nếu như mỗi tuần trước đây Cty bán được từ 15-20 căn nhà thì thời gian qua lượng bán giảm đến 70%. Song không phải do giá vàng tăng, bởi giao dịch của những căn hộ hoặc chung cư cao cấp vẫn được thanh toán bằng tiền mặt hoặc đô-la. Thực tế sự trầm lắng của thị trường BĐS hiện tại là do quy định siết chặt vốn vay của các ngân hàng, hơn nữa vấn đề suy thoái và lạm phát cũng làm nao núng các nhà đầu tư khiến họ thận trọng hơn trong các bước đầu tư”.
Thị trường BĐS sẽ sôi động hơn trong tháng 11, đó là nhận xét (hay kỳ vọng) của nhiều người. Lý do đưa ra có một phần do tâm lý người Việt ít ai muốn giao dịch chuyện nhà đất trong tháng 7 mưa ngâu. Đến tháng 8 (âm lịch) cùng với nhu cầu cưới hỏi, việc đầu tư cho thị trường BĐS sẽ có nhiều biến động hơn.
Ảnh hưởng trực tiếp và rất mạnh
Nhiều ý kiến lại cho rằng thị trường BĐS đang có cơ hội dần hồi phục đã bị “quật ngã” bởi giá vàng tăng chóng mặt. Ông Phạm Văn Thiệt - Phó TGĐ Ngân hàng Thương mại CP Á Châu (ACB) cho rằng: Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường BĐS ách tắc là do 2 bên mua bán nhà tiến hành giao dịch thanh toán bằng vàng. Trước tình trạng giá vàng tăng cao như hiện nay, việc rao bán, giao dịch rất thấp. Một số giao dịch đã đặt cọc vàng để mua nhà nhưng do biến động giá vàng nên giao dịch rơi vào tình trạng đổ vỡ. Hiện tại người mua nhà rất ngại tìm tới những căn nhà rao bán bằng vàng do sợ giá vàng tiếp tục tăng. Trong khi người bán lại muốn thanh toán bằng vàng để hưởng chênh lệch khi giá vàng tăng. Các căn nhà có sự giao dịch kiểu này tính thanh khoản gần như không có.
TS. Nguyễn Dũng Tiến - Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Địa chính khẳng định giá vàng tăng ảnh hưởng rất lớn đến thị trường BĐS bởi thói quen giao dịch nhà đất bằng vàng. Việc giá vàng tăng liên tục đã làm cho thị trường chung hoảng loạn, nhiễu thông tin và không thể định hướng. Người ta phải chờ đợi và tạm thời dừng các giao dịch BĐS. Sự thay đổi đột ngột tỷ giá giữa vàng và đồng đô-la sẽ tác động tới ngân hàng tín dụng, cụ thể là chu trình vay-nợ. Ở những nước có thị trường BĐS quan hệ chặt chẽ với các thị trường tiền tệ, thị trường vốn thì tác động này rất mạnh và trực tiếp. Thị trường BĐS Việt Nam cũng không ngoại lệ, dù quan hệ giữa thị trường này với các thị trường khác vẫn ở dạng đơn lẻ và chưa thành hệ thống. Cú sốc giá vàng làm đảo lộn việc mua bán, đầu tư, tích trữ. Đây cũng là nguyên nhân khiến người ta ít nghĩ đến việc đầu tư dài hơi hơn, mà đầu tư BĐS trong lúc này thì không thể nóng vội.
Chưa có câu trả lời
2 xu hướng, 2 luồng ý kiến đánh giá về thị trường BĐS trong “cơn bão” giá vàng tăng xem ra không phải là không có lý. Sự phân vùng khá rõ của thị trường BĐS Hà Nội và TP.HCM chính là nguyên cớ của 2 sự đánh giá. Hà Nội phần lớn việc mua bán nhà đất không còn gắn chặt vào giá vàng, trong khi việc giao dịch địa ốc qua vàng vẫn còn phổ biến tại TP.HCM. Hãy thử tưởng tượng một mét vuông đất ở khu “nóng nhất” tại Hà Nội có giá cả trăm cây vàng ta sẽ có một số tiền kinh khủng đến cỡ nào. Sự hoang mang của các nhà đầu tư BĐS trước tình trạng giá vàng tăng đột biến là điều tất nhiên. Thay đổi thói quen này rất khó và phải chờ đợi. Một khi đồng nội tệ chưa đủ độ tin cậy thì vàng và đô-la sẽ được người ta tìm đến - đó là điều tất yếu. Giao dịch BĐS bằng vàng vẫn tồn tại nhiều ở TP.HCM và theo ước tính chiếm đến 70% các giao dịch nhà đất. Trong khi ta phải nhập khẩu vàng đến 60 tấn/năm thì việc sử dụng vàng vào giao dịch này quả là một lãng phí nguồn lực đầu tư cho phát triển.
Khi chưa có một thống kê đầy đủ về thị trường BĐS thì cũng khó có cơ sở cho việc thay đổi một thói quen giao dịch bằng những văn bản pháp qui mang tính Nhà nước. Câu trả lời hãy chờ cũng đồng nghĩa với việc chưa thể có bất kỳ cách thức khả dĩ nào để điều chỉnh thói quen giao dịch của một thị trường vừa mới mẻ vừa truyền thống như thị trường BĐS Việt Nam.