You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Địa ốc Bình Dương tăng hấp lực

Email In

Linh Giang

baodautu.vn) Cùng với chính sách không bán đất nền, các ưu đãi về thanh toán đang hút những người có nhu cầu đến với Thành phố mới Bình Dương.
Những ưu đãi mà Becamex TDC áp dụng đối với Dự án Uni Town đã gây tò mò xen chút nghi ngờ đối với hầu hết khách hàng Hà Nội. Theo đó, chỉ cần đóng 4-10% đợt đầu tiên, người mua sẽ được nhận nhà trong năm 2012 và chỉ cần đóng 20% sẽ được nhận ngay nhà. Thậm chí, khi chuyển ngay đến ở thì người mua cũng chưa phải đóng toàn bộ tiền như tất cả các dự án khác, vì Becamex TDC đưa ra ưu đãi chưa từng có trên thị trường là kéo dài thời hạn thanh toán cho khách hàng lên tới 4,5 năm và chia thời hạn thanh toán làm 29 đợt. Chủ đầu tư còn cam kết, trong thời gian thanh toán, giá nhà sẽ không bị điều chỉnh, dù thị trường biến động.

Dự án Uni Town gây sốc cho khách hàng Hà Nội với những ưu đãi chưa từng có

Thông tin trên thực sự gây sốc đối với thị trường Hà Nội, nơi mà người mua đã quen với hiện tượng đóng đến 70% giá trị hợp đồng mà một vài năm sau mới có thể chuyển đến ở. Không ít người đặt câu hỏi: Phải chăng chủ đầu tư không bán được nhà, nên mới đưa ưu đãi lớn để câu khách? Hay chủ đầu tư đã nâng giá quá cao để bù đắp cho thời hạn thanh toán kéo dài?


Ông Phan Thanh Vũ, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản My Land xoá tan những nghi vấn trên khi cho biết, không riêng Dự án Uni Town, mà một số dự án khác ở Thành phố mới Bình Dương cũng áp dụng chính sách tương tự. Ví dụ, người mua căn hộ TDC Plaza có thể chuyển đến ở vào tháng 6 năm sau, nhưng tiến độ thanh toán có thể kéo dài tới 8 năm. Những ưu đãi mà các dự án này đưa ra nhằm phục vụ mục tiêu lớn hơn theo chính sách chung của tỉnh Bình Dương là thu hút dân cư để gây dựng một thành phố mới.


Uni Town là một hợp phần trong Dự án Phát triển Thành phố mới Bình Dương, một dự án đô thị trọng điểm rộng 1.000 ha của tỉnh Bình Dương được quy hoạch và xây dựng mới hoàn toàn. Mục tiêu của Bình Dương là xây dựng một trung tâm đô thị năng động, hiện đại và bền vững, đáp ứng nhu cầu của 125.000 người định cư lâu dài và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc, học tập.


Theo ông Lê Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Becamex TDC, toàn bộ hạ tầng (như đường nội bộ, hệ thống công nghệ - thông tin…) của Thành phố mới Bình Dương đã cơ bản hoàn thành. Chính sách của dự án hợp phần trong Thành phố mới Bình Dương là không bán đất nền, mà bán nhà xây sẵn, đồng thời, phát triển đồng bộ các hệ thống hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, tôn giáo nhằm thu hút dân cư về ở.

Ông Tâm cho biết, bên cạnh Trường quốc tế KinderWorld và Trường Đại học quốc tế miền Đông đã đưa vào sử dụng giai đoạn I, thì cách đây hơn một tuần, Trường THCS Ngô Thời Nhiệm cũng được khởi công xây dựng. Trong khi rất nhiều dự án ở Việt Nam gây không ít khó khăn cho người dân khi chuyển đến ở mà không có hạ tầng, thì ở Thành phố mới Bình Dương, sau 2 năm khởi công xây dựng, các công trình như khu hành chính, công viên, chùa chiền, nhà thờ đã và đang hoàn thành, sẵn sàng phục vụ người dân đến sinh sống.

Nhận xét về mục tiêu thu hút gần 1 triệu dân đến sinh sống và làm việc của Bình Dương, ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Cen Group cho rằng, đây là mục tiêu rất tham vọng. Vì vậy, địa phương này cần có những chính sách ưu đãi với những người mua nhà đầu tiên. Còn một vài năm sau, khi lượng dân cư về đông hơn, thì các dự án bất động sản ở đây chưa chắc đã cần đến những chính sách ưu đãi như vậy.


Theo ông Hưng, mức giá mà Becamex TDC áp cho Dự án Uni Town cũng khá hợp lý xét trong bối cảnh thị trường bất động sản tại Bình Dương. Theo đó, một căn nhà liền kề 2 mặt phố (trong đó một mặt dành cho kinh doanh), diện tích đất khoảng 100 m2, xây dựng 4 tầng, có giá bán khoảng 5 tỷ đồng. So với giá chào bán của một số dự án đất nền ở địa phương này (khoảng 400-500 triệu đồng/nền), mức giá trên khá cao, nhưng xét theo vị trí, thì chỉ ở mức trung bình.

Ông Hưng giải thích, các dự án đất nền giá rẻ chỉ có ở vùng ven Bình Dương và phần lớn chưa đầy đủ cơ sở hạ tầng. Còn Uni Town nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thành phố mới Bình Dương, đối diện Khu công nghiệp VSIP II rộng 1.000 ha đã lấp đầy và liền kề Khu công nghệ cao Mapple Tree, Trường quốc tế KinderWorld. Thậm chí, với những dự án ở trung tâm Thành phố mới Bình Dương như Khu biệt thự Sun Flower, giá bán lên đến hàng chục tỷ đồng/căn biệt thự. Chính sách của Thành phố mới Bình Dương là tạo ra một cấu trúc dân cư đa dạng, từ công nhân, sinh viên, đến hộ kinh doanh, đội ngũ trí thức, chuyên gia nước ngoài…, nên giá các loại bất động sản cũng rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng.

Dự án bất động sản tại TP.HCM: Trăm kiểu... tắc

Email In

Quang Duy

(baodautu.vn) Nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM đã bị “tắc” hàng chục năm trời vì những lý do như giá đền bù bất nhất, văn bản tréo ngoe của chính quyền địa phương.Giá đền bù bất nhất


Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (quận 9, TPHCM) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001. Công ty cổ phần Địa ốc 10 (Res 10 JSC) là chủ đầu tư chính, được giao 78,5 ha để xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong vùng quy hoạch dự án này có 438 hộ ở phường Phước Long A và Phước Bình phải đền bù giải tỏa.

Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc đã bị “tắc” nhiều năm. Ảnh: Quang Duy

Theo báo cáo của Ban Thanh tra nhân dân phường Phước Bình, tiến trình đền bù Dự án có nhiều bất cập, khiến các hộ dân trong khu vực giải tỏa không đồng ý giao đất và Dự án đã “tắc” nhiều năm. Bên cạnh đó, sau khi được giao đất, Res 10 JSC đã chuyển nhượng quyền đầu tư cho 8 doanh nghiệp khác. Những nhà đầu tư thứ cấp này không chịu bồi thường dứt điểm, chỉ san lấp sơ sài và tiếp tục chuyển nhượng đất của Dự án cho nhiều đơn vị, cá nhân khác dưới hình thức “huy động vốn”.


Ông Trương Văn Quyền, Giám đốc Xí nghiệp Thương mại – Xây dựng – Dịch vụ vận tải (thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải ô tô 6) -  một nhà đầu tư thứ cấp cho biết: “Đến nay, chỉ có Res 10 JSC với tư cách nhà đầu tư trục chính chịu trách nhiệm tái định cư, nên UBND TP.HCM ưu tiên cấp quyền sử dụng đất khu vực Phước Long A để đơn vị có cơ sở tách đất cho các hộ tái định cư theo diện ưu tiên chính sách thu hồi hồi đất. Còn 8 nhà đầu tư thứ cấp do chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa làm xong hạ tầng nội bộ, nên việc xem xét cấp quyền sử dụng đất vẫn còn phải chờ”.


Nhiều hộ dân đã mua đất trong Khu dân cư đang rất bức xúc vì phải sống trong cảnh không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất. Cách làm này của chủ đầu tư cũng đã bộc lộ biểu hiện làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vì trong văn bản chấp thuận đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Sau khi xây dựng xong phần kỹ thuật trục chính Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, Res 10 JSC phải bàn giao lại toàn bộ diện tích đất cho UBND TP.HCM để Thành phố tiến hành thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các nhà đầu tư thứ cấp theo quy định của Luật Đất đai”.


Tắc vì văn bản... tréo ngoe

Cùng hoàn cảnh với Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc là Dự án Khu nhà phân lô hộ lẻ phường Phú Hữu (quận 9). Năm 2001, thực hiện chủ trương của UBND TP.HCM về việc phát triển nhà ở quy mô nhỏ, ông Phạm Trọng Thuần cùng 10 hộ dân tại phường Phú Hữu góp vốn, đất xây dựng dự án khu dân cư phân lô hộ lẻ, diện tích 4,5 ha. Tháng 8/2001, Dự án được Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP.HCM (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) ký Quyết định 2482-KTST-DB2 phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ xây dựng 1/500.

Sau khi thỏa thuận đền bù 32.079 m2 đất ruộng và 12.885 m2 đất công (đất ven kênh rạch chưa hoán đổi), ông Phạm Trọng Thuần đã tiến hành san lấp mặt bằng, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng vào năm 2004 và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ. Năm 2005, Dự án đã được UBND quận 9 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ diện tích.


Đang triển khai thuận lợi, cuối năm 2005, rắc rối phát sinh với chủ đầu tư, khiến Dự án chững lại. Khi đó, UBND quận 9 có văn bản đề nghị được kiểm định thửa đất của bà Trương Thị Mới nằm trong khuôn viên Dự án với lý do “sót thửa”. Đến năm 2007, UBND quận 9 ra Quyết định 205/QĐ-UBND thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Thuần và các cổ đông của ông, với lý do ông Thuần không thỏa thuận được với bà Mới phần diện tích 1.080 m2 đất ven kênh rạch. Lý giải trên có hợp lý, khi trước đó 6 tháng, chính UBND quận 9 đã thu hồi thửa đất của bà Mới tại Quyết định 1439/QĐ-UBND-TNMT ngày 1/7/2005 và vào tháng 9/2006, bà Mới cũng đã bị xử phạt vì đã “tự ý dựng một bộ phận công trình hàng rào trên các thửa đất đã được cấp sổ đỏ năm 2005 cho Dự án”...


Sự việc tưởng chừng không khó xử lý, nhưng đã hơn 5 năm qua, chính quyền địa phương không có động thái nào hỗ trợ nhà đầu tư. Khu đất dự án bây giờ trở thành bãi đất hoang. Hàng chục tỷ đồng đầu tư vào các công trình đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng... sau thời gian dài không sử dụng, duy tu, đã xuống cấp nghiêm trọng.

“Quá trình giải quyết kéo dài đã khiến dự án tê liệt vì cổ đông mất niềm tin, không đóng góp kinh phí. Chính quyền địa phương cần thu hồi các văn bản phi lý và hỗ trợ chúng tôi hoàn thành dự án”, ông Thuần kiến nghị

Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý bất động sản

Email In

Ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 2196/CT-TTg về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Thủ tướng yêu cầu phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, thẩm định, cho phép đầu tư các dự án phát triển nhà ở, đầu tư kinh doanh bất động sản.


Để đạt được những mục tiêu trên, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp về nhà ở và kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành Trung ương trong việc quản lý thống nhất về phát triển nhà ở và hoạt động kinh doanh bất động

 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

sản; xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn các địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quản lý về cơ cấu hàng hóa bất động sản nhà ở (kể cả nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị).


Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trọng điểm có nhiều dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, rà soát các dự án; kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở triển khai thực hiện nghiêm chỉnh quy định dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án để xây dựng nhà ở xã hội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát, kiểm tra trong quý 1/2012.

Đồng thời, Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh các chương trình xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và nhà ở thu nhập thấp tại khu đô thị và các chương trình mục tiêu hỗ trợ nhà ở tại khu vực nông thôn; nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ trong quý 1/2012 Đề án nhà ở cho thuê, trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội để cho thuê và Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở.


Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Chính phủ trong quý 2/2011 về thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, bất động sản; nghiên cứu, sửa đổi quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời, Bộ Tài chính trình Chính phủ trong quý 1/2012 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó điều chỉnh mô hình quỹ đầu tư bất động sản nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường thông qua kênh thị trường chứng khoán. Hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh bất động sản.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, bảo đảm tín dụng bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung.

Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.


Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu để có hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách tín dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trường bất động sản; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở.

Trước mắt hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án bất động sản cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh bất động sản.

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, tiếp tục cho vay đối với các dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012.

Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng bất động sản của các tổ chức tín dụng, phát hiện và xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải rà soát, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, có biện pháp đảm bảo các dự án được triển khai đồng bộ hệ thống hệ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kiên quyết thu hồi hoặc dừng các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.


Tùy theo tình hình và điều kiện của các địa phương, cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở thương mại sang phục vụ cho mục đích tái định cư và các loại hình nhà ở xã hội để cho thuê giá rẻ nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại hình nhà ở này của địa phương; cho phép điều chỉnh cơ cấu sản phẩm của từng dự án nhà ở thương mại, nhà ở thu nhập thấp cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.


Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản, kịp thời xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh và dự án đầu tư hoặc đề nghị các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; tăng cường công tác quản lý hoạt động của thị trường, của các sàn giao dịch bất động sản, bảo đảm yêu cầu về tính công khai, minh bạch của thị trường bất động sản.

cico501.vn theo TTXVN/Vietnam+

Công bố quy hoạch điều chỉnh đất giãn dân phố cổ

Email In

Phan Long

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp UBND quận Long Biên và Hoàn Kiếm vừa công bố và bàn giao hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch các ô đất trong Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Việt Hưng tỷ lệ 1/500, phục vụ dự án nhà ở giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Khu giãn dân gồm 7 ô đất, từ CT-04 đến CT-08 và BT-01, BT-02 có diện tích hơn 100ha nằm trên địa bàn phường Việt Hưng (Thượng Thanh, Đức Giang, quận Long Biên). Theo quy hoạch mới, quy mô dân số các ô đất trên tăng từ hơn 4.700 lên 7.900 dân.

Ngoài ra, các ô đất từ CT-04 đến CT-07, đều giữ nguyên chức năng nhà ở chung cư cao tầng (trung bình cao từ 8-9 tầng) kết hợp dịch vụ thương mại. Toàn bộ tầng một dùng làm kiốt bán hàng. Hai ô đất BT-01 và BT-02 đổi chức năng lên nhà ở cao tầng và để dành đất làm nhà trẻ. Riêng ô CT-08 giữ nguyên diện tích ô đất theo quy hoạch được duyệt, trong đó có diện tích đất thuộc quyền sử dụng của Công ty Tiến Thành; ô đất của Công ty Tiến Thành được điều chỉnh chức năng thành đất hỗn hợp (chung cư, công cộng, dịch vụ, thương mại...) sẽ được xây dựng 15 tầng, là điểm nhấn của khu đô thị này…


Quy hoạch điều chỉnh cũng bổ sung đường nội bộ để đảm bảo tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hợp lý, tăng diện tích cửa hàng tầng 1 của các tòa nhà. Sau khi hoàn thành, khu nhà ở này sẽ đón khoảng 1.800 hộ dân ở khu phố cổ đến định cư, trong khi đó theo Đề án Giãn dân phố cổ, tổng số hộ dân phố cổ phải di dời khoảng 6.550 hộ (tương đương 2,6 vạn dân).

Giá nhà đất, nhìn từ các “suất ngoại giao”

Email In

Thị trường bất động sản Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung từ đầu năm đến nay rơi vào trạng thái trầm lắng, tính thanh khoản lẫn giá cả hầu hết các phân khúc đều sụt giảm mạnh.

 

Hầu hết các dự án chung cư, đất nền liền kề, biệt thự tại các khu vực như Mỹ Đình, Hà Đông, Vân Canh, Mê Linh... gần như là án binh bất động, vì không có người hỏi mua.

Đơn cử như giá chung cư tại Văn Khê (Hà Đông), Trung Văn, Từ Liêm... chỉ khoảng 3 tháng trước vẫn được các sàn và chủ nhân rao bán 34 triệu/m2. Thế nhưng, khảo sát của người viết hồi cuối tuần trước giá chỉ còn khoảng 26 -28 triệu/m2, giảm khoảng 15%.

 

Cơ quan quản lý thừa nhận không thể kiểm soát được giá thành sản phẩm tại các dự án bất động sản - Ảnh: Từ Nguyên.

Trong khi đó, các lô đất liền kề ở dự án Geleximco, cuối năm 2010 vẫn ở mức trên 60 triệu đồng/m2, nhưng nay đã được khách hàng gửi bán tại các sàn với giá chỉ khoảng 47 triệu đồng/m2. Còn ở dự án Vân Canh, Nam An Khánh (Hoài Đức), trước Tết Nguyên đán, giá đất liền kề ở đây cũng trên 45 triệu đồng/m2, nay phần lớn được rao bán ở mức 35 triệu đồng/m2 nhưng cũng không có khách mua.

Thế nhưng, thật bất ngờ, trong bối cảnh thị trường trầm lắng đó, người viết vô tình biết được một thông tin mà nghe qua có thể sẽ khiến không mấy người tin nổi: vẫn có những lô đất (theo kiểu chia lô bán nền) được chủ nhân rao bán với mức chênh lên tới cả chục tỷ đồng. Ngay cả khi có khách hàng chịu chi đến 8 tỷ tiền chênh thì chủ nhân vẫn chưa buồn bán.

 

Thực ra, lúc được giám đốc một sàn giao dịch bất động sản chia sẻ thông tin này, bản thân người viết vẫn bán tín bán nghi bởi, trong khi cả thị trường đang gần như ngủ đông suốt cả năm, giá nhà đất liên tục rớt thảm thì không cớ gì một ai đó dễ dàng chịu bỏ ra cả chục tỷ đồng tiền chênh để mua một lô đất ở ngoại thành Hà Nội.

Tuy nhiên, khi vị giám đốc này đưa nguyên cả quyển sổ ghi chép làm ăn của sàn này cho người viết xem vị trí lô đất, giá gốc, số điện thoại người bán, số điện thoại của người đã trả đến 8 tỷ đồng tiền chênh, thì quả thật mới thấy được hết sự trớ trêu của thị trường bất động sản - một thị trường vốn vẫn được gán với cụm từ “thiếu minh bạch”.

 

Lô đất nói trên thuộc dự án khu đô thị Splendora (Bắc An Khánh) – khu đô thị vốn được cho là đẹp nhất Việt Nam do một doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Vinaconex liên doanh với một đối tác Hàn Quốc đầu tư. Còn lô đất được rao bán trên là đất phân lô để đất xây biệt thự nên có diện tích lên tới hàng trăm m2 và cũng là một trong những ô đẹp, thuộc “suất ngoại giao”.

Chuyện chênh cả chục tỷ đồng cho một lô đất trong lúc thị trường đang trầm lắng có thể là khó tin, nhưng chênh 10 – 20 triệu đồng/m2 cho một lô đất cách trung tâm Hà Nội trên 20 km cũng không phải là chuyện quá xa lạ với giới đầu tư, buôn bán bất động sản.

 

Giá đất liền kề tại khu đô thị đầy “tai tiếng” Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) do Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư hiện được rao bán trên thị trường với giá từ 40 – 60 triệu đồng/m2.

Thế nhưng, theo đại diện hầu hết các sàn giao dịch khu vực phía Tây Hà Nội hiện đang “có hàng” ở khu đô thị này cho hay, giá gốc đối với đất liền kề và đất biệt thự ở Vân Canh được bán với giá gốc chỉ khoảng 23 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, hầu hết các lô đất được bán dưới dạng “ngoại giao” hiện đều đang nằm trong sổ của các sàn giao dịch bất động sản trên khắp thành phố.

 

Những ví dụ trên chỉ là một vài trường hợp điển hình trong vô số trường hợp mua nhà nhà, đất phải trả tiền chênh trên địa bàn Hà Nội. Và khi mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn là những “đầu tàu” trong lĩnh vực bất động sản với vô vàn những đặc ân, đặc lợi từ đất đai đến thủ tục, giấy phép, thuế... thì chuyện bán nhà đất với giá rẻ tràn lan cho các “suất ngoại giao” sẽ khó mà tiêu biến được.

Theo quy định của Bộ Xây dựng, từ gần hai năm nay, tất cả các chủ đầu tư dự án bất động sản, khu đô thị khi tiến hành mở bán sản phẩm thì được phép bán 20% không phải qua sàn giao dịch.

 

Lý giải cho việc ban hành quy định này, khi đó Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, đó là một chính sách có phần ưu ái cho các chủ đầu tư nhằm giúp họ “giữ quan hệ” với các đối tác... đã giúp đỡ chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án.

Và tất nhiên, giá cả của 20% không bán qua sàn đó khỏi cần phải nói ai cũng hiểu là nó “rẻ đến mức nào”, thậm chí có thể chỉ là “cho không, biếu không” bởi xưa nay, các doanh nghiệp, các chủ đầu tư vẫn xem đó như là một chút “lại quả” cho các mối quan hệ của mình.

 

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, quy định của Bộ là mỗi doanh nghiệp chỉ được bán 20% không qua sàn, song trên thực tế có những dự án mà chủ đầu tư đã thỏa thuận bán gần hết căn hộ cho các đối tượng thân quen, sau đó chỉ dùng sàn giao dịch bất động sản để làm thủ tục hợp thức hóa.

Và mặc dù biết là có những doanh nghiệp đã “lách luật”, làm trái quy định như trên, song khi được hỏi về chuyện giá thành và chuyện “tiền chênh” tại các dự án, lãnh đạo Bộ Xây dựng lại cho rằng, chuyện mua bán như thế nào, giá cả bao nhiêu cơ quan quản lý không thể nắm hết được và cũng không được quyền can thiệp.

 

Theo ông Nam, hiện nay, các quan hệ mua bán trên thị trường đều phụ thuộc quy luật cung - cầu, giá trị sử dụng. Do đó, khách hàng thời nay phần lớn không quan tâm đến việc doanh nghiệp làm ra sản phẩm đó mất bao tiền (thậm chí nhiều khi đó là bí mật không được biết). Họ chỉ quan tâm giá thành sản phẩm đó có hợp lý và họ có chấp nhận hay không. Do đó, chênh nhiều hay chênh ít là câu chuyện của thị trường.

Chia sẻ với VnEconomy, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng chuyện mất hàng chục tỷ đồng tiền chênh cho một lô đất là có thật. Và nguyên nhân khiến cho giá bất động sản bị đẩy lên quá cao như hiện nay xuất phát từ việc nó được bán quá rẻ bởi một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng là một thực tế.

 

Cũng theo ông Nghĩa, thực tế này chỉ tồn tại ở thị trường Hà Nội, nơi vốn có khá nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang giữ thị phần chi phối trên thị trường bất động sản. Còn ở Tp.HCM, hiện tượng đó rất hạn hữu bởi thị trường này thuộc về các doanh nghiệp tư nhân, liên doanh là chủ yếu.

“Không ít doanh nghiệp bất động sản xưa nay ra đời không theo cơ chế thị trường mà theo quan hệ xã hội nên chuyện định giá có nhiều bất ổn và chuyện khách hàng là người dân phải trả tiền chênh cũng là điều dễ hiểu”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Theo Từ Nguyên - VnEconomy

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM