You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Đau đầu vì trót mua nhà trên giấy

Email In

Hà quang

 

Chấp nhận bỏ tiền mua nhà trên giấy với hy vọng có được mức giá thấp, nhưng thực tế thời gian qua, hầu hết khách hàng đều phải trả thêm khá nhiều tiền mới có thể nhận nhà và kèm theo đó là những nỗi bức xúc vì chủ đầu tư đã không giữ lời hứa ban đầu.

Đến hẹn lại… tăng giá

 

Theo hợp đồng góp vốn ký năm 2007 giữa ông Trần Văn Tuân với Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Xây dựng 126, thì căn hộ rộng 76 m2 của ông Tuân tại Chung cư CT3 Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) có giá trị gần 400 triệu đồng. Theo quy định, khoản tiền mua nhà được thanh toán làm 4 đợt. Tính đến giữa năm 2010, ông Tuân đã đóng tổng số 380 triệu đồng cho căn hộ này.

Không ít nhà đầu tư “vỡ mộng” vì lỡ mua nhà trên giấy. Ảnh: Đức Thanh

Tuy nhiên, sau khi cơ bản hoàn tất nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư và chuyển hợp đồng góp vốn thành hợp đồng mua bán căn hộ, thì ông Tuân nhận được giấy của Công ty 126 yêu cầu đóng thêm gần 60 triệu đồng nữa (tương đương 15% giá trị căn hộ), với lý do đơn giá xây dựng được điều chỉnh.

 

Thắc mắc việc này, chủ đầu tư giải thích rằng, họ đã thực hiện đúng theo hợp đồng. Theo Điều 2 của Hợp đồng góp vốn, đơn giá xây dựng căn hộ được tính tại thời điểm tháng 6/2007; nếu giá thành xây dựng có biến động không quá 20%, thì giá chuyển nhượng căn hộ được điều chỉnh không quá 15% giá trị hợp đồng.

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Xây dựng 126), từ năm 2007 đến hết quý IV/2009, giá nguyên vật liệu đã tăng 32,5%, nên Công ty buộc phải điều chỉnh hợp đồng.

 

Thực tế, việc chủ đầu tư tự ý tăng giá bán căn hộ diễn ra ở hầu hết các dự án nhà ở trong thời gian qua. Một chủ đầu tư dự án bất động sản tại Hà Nội tiết lộ, việc chủ động tăng giá bán là cách bán hàng nhanh và hiệu quả nhất trong kinh doanh bất động sản. Ngay cả khi thị trường “đóng băng”, nhiều công ty bất động sản vẫn cứ vài tháng lại tăng giá bán một lần. “Chiêu” này sẽ làm các nhà đầu tư cảm giác rằng, cứ đầu tư vào bất động sản là có lợi, nên thu hút nhiều người “ôm hàng”.

 

Vô tư điều chỉnh quy hoạch

 

Ngoài việc thường xuyên nhận được yêu cầu tăng giá bán căn hộ từ phía chủ đầu tư, người mua nhà trên giấy còn phải đối mặt với tình trạng chủ đầu tư bớt xén giá trị của bất động sản bằng cách tự ý thay đổi chỉ tiêu quy hoạch và mật độ xây dựng.

 

Kết quả thanh tra của Sở Xây dựng Hà Nội đối với một số dự án khu đô thị trên địa bàn Thủ đô mới đây cho thấy, trong quá trình triển khai dự án, phần lớn chủ đầu tư có điều chỉnh chức năng sử dụng, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc so với quy hoạch ban đầu (quy hoạch chi tiết 1/500). Việc điều chỉnh quy hoạch chủ yếu là tăng mật độ xây dựng, tăng chiều cao công trình… Tại các khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư), khu đô thị mới Văn Quán – Yên Phúc (do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị làm chủ đầu tư), Khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng (do Vinaconex làm chủ đầu tư)…, quy hoạch đã được điều chỉnh nhiều lần.

 

Đặc biệt, chủ đầu tư Khu đô thị mới Văn Quán – Yên Phúc đã nhiều lần điều chỉnh cả chức năng lẫn quy hoạch, với mức điều chỉnh rất lớn, như ô CQ1 và CC2 có chiều cao theo quy hoạch là 6 tầng, nhưng sau đó điều chỉnh lên 27 và 36 tầng, trong khi diện tích cây xanh bị thu hẹp. Việc điều chỉnh này tuy không làm giảm diện tích của từng căn hộ cụ thể, nhưng sẽ làm giảm chất lượng sống của người dân trong tương lai.

 

Thực tế khác xa cam kết

 

Khi ra mắt dự án nhà ở, chủ đầu tư bao giờ cũng tìm được những lời “có cánh” để khuếch trương nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, khi nhận nhà (thường là chậm 1 – 3 năm), khách hàng mới tá hoả vì chất lượng nhà ở không như cam kết.

 

Theo các cư dân sinh sống tại Chung cư Golden Westlake (số 151 - Hoàng Hoa Thám, Hà Nội – một trong những khu chung cư được giới thiệu là “đẳng cấp” quốc tế tại Hà Nội), ban đầu, chủ đầu tư giới thiệu dự án có hàng loạt tiện ích hấp dẫn đi kèm như nhà trẻ, khu vui chơi giải trí, chỗ đỗ xe... Thế nhưng, khi thực hiện thì chủ đầu tư đã không đưa những hạng mục này vào tiện ích chung của khu nhà. Người dân muốn sử dụng các dịch vụ này phải đóng thêm tiền. Chẳng hạn, để có chỗ đỗ ô tô, khách hàng phải mua với mức giá từ 800 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/chỗ.

 

Khi khách hàng vào ở, hàng loạt bất cập đã bộc lộ, như căn hộ không có phòng sấy quần áo như giới thiệu ban đầu, hệ thống gas trung tâm, điều hoà… thường xuyên có vấn đề...

 

Như vậy, với các hợp đồng mua nhà trên giấy, không ít khách hàng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi với giao dịch kiểu này, họ luôn “nắm dao... đằng lưỡi”.

Hội thảo chính sách và phát triển kinh nghiệm điện gió

Email In

Nguyên Vũ

Sáng 19/8, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cùng với Bộ Công thương tổ chức Hội thảo cơ chế, chính sách và kinh nghiệm phát triển điện gió. Đại diện Viện năng lượng, Tập đoàn điện lực quốc gia (EVN) và hiệp hội điện gió Bình thuận đã tham dự.

 

 Bà Angelika Wasielke, Cố vấn trưởng dự án năng lượng gió đã báo cáo tình hình triển khai dự án xây dựng khung chính sách cho phát triển điện gió nối lưới tại Việt Nam. Trong tham luận của Tiến sĩ Timmy Tong, Giám đốc nghiên cứu phát triển năng lượng Avantis (HongKong), bên cạnh điều kiện tự nhiên ,Việt Nam nên cho nhà đầu tư thấy được thị trường điện gió cạnh tranh quốc tế và chi phí thấp. Theo tiến sĩ Tong, Việt Nam có một lợi thế rất lớn chính là hệ thống truyền tải Bắc Nam, chỉ cần đấu nối lưới điện là điện gió sẽ phục vụ cả nước ngay.

Nhà máy điện gió Tuy Phong đang hoạt động

Hội thảo cũng đã nghe những kinh nghiệm thi công dự án phong điện của Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt nam, đơn vị đã và đang khai thác dự án điện gió Tuy Phong; nghe Công ty quản lý nguồn carbon tại Hà Nội giới thiệu chức năng quản lý nguồn carbon và xây dựng dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) tại Việt Nam.

 

Theo ông Đinh Huy Hiệp, phó giám đốc Sở Công thương, hiện Bình Thuận có 12 dự án điện gió với tổng diện tích khảo sát là 14.468 héc ta và đều nằm trong vùng tiềm năng gió quy hoạch. Được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn nhất nước với diện tích 75.468 héc ta (vận tốc gió lớn hơn 6,0m/s), quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2010-2015 có xét đến năm 2020 của Bình Thuận có công suất nguồn quy hoạch là khoảng 3.000MW.

Hà Nội: Áp dụng mức giá đền bù cao nhất cho dự án đường Lê Văn Lương kéo dài

Email In

UBND TP Hà Nội vừa cho phép quận Thanh Xuân áp dụng giá đất theo quy định của thành phố nhân với hệ số bằng 1,2 lần đối với các vị trí đất thuộc đường Khuất Duy Tiến, phố Vũ Hữu, đường Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân) để làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ đất ở khi Nhà nước thu hồi xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài.

Theo UBND TP, đây đã là mức giá được áp dụng hệ số cao nhất có thể trong thẩm quyền của UBND TP Hà Nội. Về chính sách tái định cư, thành phố Hà Nội cho phép các trường hợp bị thu hồi đất đủ điều kiện được bồi thường, hỗ trợ, có diện tích thu hồi lớn hơn 10m2, diện tích còn lại nhỏ hơn 40m2 và các điều kiện khác thì được mua 1 căn hộ có diện tích nhỏ nhất (45m2) theo chính sách giá quy định tại Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND TP Hà Nội.

Thu hồi hai dự án thủy điện Tà Lương và Thượng Lộ

Email In

Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hôm nay 20-8 cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã thu hồi chủ trương đầu tư hai dự án thủy điện Tà Lương (huyện A Lưới) và Thượng Lộ (huyện Nam Đông) do triển khai chậm và giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh có quyết định thu hồi hai dự án trên.

 

Dự án thủy điện Tà Lương do Tổng công ty Điện Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất dự kiến 2,5MW, được cấp giấy phép đầu tư gần ba năm. Dự án thủy điện Thượng Lộ có công suất dự kiến 5MW, do Công ty cổ phần Trường Sơn làm chủ đầu tư, được cấp giấy phép đầu tư hơn một năm. Từ khi được tỉnh cấp giấy phép đầu tư đến nay, cả hai dự án trên không hoạt động.

 

Cũng tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng: hiện đa số các dự án thủy điện đều triển khai chậm so với tiến độ cam kết; nhiều dự án chậm tiến độ trên một năm so với cam kết; có dự án được thống nhất chủ trương từ năm 2004, đến nay vẫn chưa thực hiện. Công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn vốn kéo dài; năng lực của một số nhà đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu...

TP Hạ Long: Nhiều khu đô thị "dính sẹo" do buông lỏng quy hoạch

Email In
Quy hoạch đô thị được xác định là phần việc quan trọng nhất để TP Hạ Long phát triển xứng tầm là thủ phủ của Quảng Ninh, "tỉnh lớn" về công nghiệp, du lịch dịch vụ cảng biển, kinh tế cửa khẩu.
  
Nhưng sau nhiều năm thực hiện, ở một số khu đô thị trên địa bàn đã thể hiện sự yếu kém về chất lượng của đồ án quy hoạch, năng lực của chủ đầu tư; sự vắng bóng hoặc buông lỏng vai trò quản lý của các cơ quan chức năng.
 
 
Vi phạm hàng loạt

Một trong những khu đô thị tại TP Hạ Long vừa quy hoạch xong đã bị dính đầy... "sẹo". 

 Theo kết quả kiểm tra về tình trạng xây dựng của TP Hạ Long tại 3 khu quy hoạch đô thị của các khu vực dự án "Đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng đô thị" từ Cột 3 đến Cột 8, thuộc phường Hồng Hải và Hồng Hà cho thấy, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng của các chủ đầu tư thứ cấp đang ở mức độ nghiêm trọng. Khu Quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chi tiết sử dụng đất đai tỷ lệ 1/500 khu nhà ở giáp đường bao biển tại khu 14, phường Hồng Hải do Công ty Licogi số 2 làm chủ đầu tư là một ví dụ điển hình.

 

Theo hồ sơ quy hoạch, công trình xây dựng được duyệt có tổng số 57 lô đất xây dựng nhà ở dạng biệt thự đơn lập với quy mô từ 2-3 tầng. Đến thời điểm này đã có 13 căn nhà xây dựng (9 căn nhà đã hoàn thành và 4 đang triển khai) nhưng tất cả đều không có giấy phép xây dựng.

 

Đối với Quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/1.000 khu đô thị mở rộng lấn biển Cột 8 cũng do Licogi 2 làm chủ đầu tư, trong quy hoạch có tổng số 743 lô đất thì đã có 22 trường hợp xây dựng và cả 22 trường hợp này vi phạm một trong các lỗi hoặc không có giấy phép xây dựng, hoặc vượt mật độ cho phép, vi phạm về chỉ giới, vi phạm về chức năng sử dụng…

 

Ông Trần Quốc Bảo, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Hạ Long cho rằng: "Thực tế các xử lý về quy hoạch của chủ đầu tư dự án và của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước đã không đáp ứng kịp thời và thiếu thích ứng với nhu cầu phát triển của xã hội". Ông Bảo đã viện dẫn những minh chứng cụ thể đó là trong khu quy hoạch thuộc Công ty Licogi 2, diện tích phổ biến của các lô đất xây dựng biệt thự khoảng 300m2 với mật độ xây dựng quy định không quá 30% tức là khoảng 90m2. Như vậy, diện tích xây dựng quy định trong quy hoạch quá nhỏ so với nhu cầu xây dựng của nhà đầu tư thứ cấp và nhỏ hơn nhiều so với quy định tại Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng năm 2008 (cho phép xây dựng khoảng 60%)…

 

Tìm cách "xóa sẹo" cho thành phố

Trước tình hình trên, TP Hạ Long đã có văn bản báo cáo trình UBND tỉnh và trên cơ sở đó UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 62, ngày 11/2/2010 chỉ đạo về việc xử lý tình trạng đã xây dựng tại 3 khu quy hoạch này. Theo đó, đã yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thiện các hồ sơ còn thiếu của đồ án đồng thời khảo sát, cập nhận tình trạng đã xây dựng; cập nhật các chỉ đạo của UBND tỉnh về điều chỉnh một số khu chức năng. Đồng thời tập hợp các nguyện vọng của các nhà đầu tư thứ cấp để lập và trình duyệt quy hoạch điều chỉnh.

 

Có thể coi chỉ đạo trên đây là giải pháp hợp lý vào lúc này. Song, bất kỳ ai cũng thấy rằng, để xóa được "sẹo", trang điểm lại cho Hạ Long thực sự không phải dễ. Vì, muốn giải quyết những bất cập để đổi lại kiến trúc hài hòa của TP Hạ Long sẽ phải bắt đầu từ việc điều chỉnh quy hoạch. Nếu phải điều chỉnh, có lẽ tất cả các quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố đều phải động "dao kéo". Lúc đó, những khu đô thị do các chủ đầu tư tự điều chỉnh quy hoạch vô hình trung được hợp thức hóa. Ngược lại, có rất nhiều công trình trị giá tiền tấn buộc phải tiến hành cưỡng chế tháo dỡ để tuân thủ quy hoạch hàng tỷ đồng sẽ buộc phải dỡ bỏ.

 

Trong khi đó, người dân TP Hạ Long cho biết, nhiều năm qua, mặc dù cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và trật tự đô thị, song hầu như chưa hề có động tĩnh nào thể hiện sự cứng rắn, nghiêm minh trong xử lý các hành vi vi phạm.

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, dư luận quần chúng tại Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung mong mỏi các cấp chính quyền cần kiên quyết, mẫu mực hơn nữa trong công tác quản lý quy hoạch. Trong công tác xử lý sai phạm, cần phân tích rõ đâu là sai phạm cố ý, lợi dụng sự sơ hở của pháp luật và đâu là sai sót ngẫu nhiên, vi phạm chỉ giới chỉ vì nhà nước điều chỉnh quy hoạch khi các dự án đã triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó đưa ra các phán quyết công bằng, bảo đảm các lợi ích hài hòa như quyền lợi của các nhà đầu tư, giữ nghiêm kỷ cương trật tự trong quy hoạch và xây dựng đô thị.

 

Theo Minh Triết - Bá Khang - CAND

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM