You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Giá bất động sản sẽ được kéo xuống

Email In
Trái với lo ngại về nguy cơ giá bất động sản (BĐS) sẽ bị đẩy lên, ông Nguyễn Quốc Chiến - trưởng Ban vật giá Sở Tài chính TP.HCM - khẳng định việc áp giá thị trường để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất (nghị định 69NĐ/2009-CP) về lâu dài sẽ kéo giá BĐS xuống. Ông Chiến nói: 
 
 Thật ra, “giá thị trường” là căn cứ để xác định tổng doanh thu của dự án, nên chỉ tính với tổng diện tích thương phẩm (diện tích kinh doanh thực tế) chứ không phải cho toàn bộ diện tích dự án như một số doanh nghiệp đã hiểu.
 
Theo phương pháp thặng dư xác định tiền sử dụng đất (SDĐ), phần chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí của dự án (tiền đền bù giải tỏa, suất đầu tư, lãi ngân hàng, lợi nhuận

Giá thị trường căn hộ được kỳ vọng sẽ ổn định (ảnh chụp tại một dự án ở Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: CTV

 của doanh nghiệp...) chính là tiền SDĐ. Chẳng hạn một dự án xây dựng căn hộ có tổng diện tích là 20.000m2, trong đó diện tích thương phẩm theo chỉ tiêu quy hoạch là 6.000m2 và giả định giá thị trường tại khu vực dự án là 20 triệu đồng/m2.

 

Tổng doanh thu của dự án sẽ là 120 tỉ đồng (6.000m2 thương phẩm x 20 triệu đồng). Sau khi cộng tất cả chi phí đầu tư và lợi nhuận dự kiến cho toàn bộ 20.000m2 của dự án, giả định con số này là 80 tỉ đồng. Như vậy, khoản tiền SDĐ mà doanh nghiệp phải nộp là 40 tỉ đồng, tính ra tiền SDĐ trên mỗi mét vuông đất được giao chỉ có 2 triệu đồng.

 

Với cách tính này, cùng một địa điểm và diện tích bằng nhau, chi phí đền bù và suất đầu tư như nhau, dự án nào có diện tích thương phẩm ít (mật độ và hệ số xây dựng thấp) sẽ nộp tiền SDĐ ít hơn và ngược lại.

 

Một trong những vướng mắc hiện nay là xác định chi phí để khấu trừ, đặc biệt là chi phí đền bù giải tỏa, các khoản chi hợp lý nhưng không hợp lệ phát sinh khá lớn. Gỡ việc này như thế nào, thưa ông?

 

Hầu hết những trường hợp vướng mắc đều thuộc các dự án chuyển đổi từ đất nông nghiệp. Trước đây, khi tiền SDĐ còn được tính theo khung giá có sẵn và các dự án BĐS đem lại siêu lợi nhuận, các doanh nghiệp sẵn sàng bồi thường đất nông nghiệp bằng mọi giá, vượt xa khung giá và các khoản hỗ trợ theo quy định.

 

Với các chi phí được cho là hợp lý (nhưng không hợp lệ) khá lớn, nhiều chủ đầu tư không tránh khỏi thiệt hại nếu chỉ khấu trừ các chi phí hợp lệ. Căn cứ vào quy định cho phép thỏa thuận giá bồi thường với người dân (nghị định 84), nhiều doanh nghiệp kiến nghị phải tính cả khoản bồi thường hợp lệ và hợp lý vào chi phí đầu tư để được khấu trừ.

 

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, việc đẩy giá đất nông nghiệp lên cao, thậm chí vượt xa giá đất dân cư giao dịch thực tế trong khu vực, thì lỗi trước hết là của doanh nghiệp. Khi nâng giá bồi thường vô tội vạ, chính doanh nghiệp đã góp phần tạo ra những cơn sốt đất, làm phát sinh nạn đầu cơ đất dự án trong khu vực đất nông nghiệp. Trong rất nhiều trường hợp, tiền bồi thường rơi vào túi giới đầu cơ chứ không phải là người dân có đất thật sự.

 

Với việc thu tiền SDĐ theo quy định mới, thưa ông, nạn đầu cơ đất cũng như thao túng giá BĐS đã có phương thuốc “đặc trị”?

Có thể nói như vậy. Dù vẫn đảm bảo lợi nhuận, nhưng các chủ dự án sẽ không còn thu được siêu lợi nhuận như trước. Nếu có đẩy giá bán sản phẩm lên cao, chủ đầu tư cũng không được lợi lộc gì, do phần chênh lệch (giữa doanh thu và chi phí + tỉ suất lợi nhuận cố định) là tiền SDĐ, phải nộp lại cho Nhà nước.

 

Không thu được siêu lợi nhuận, doanh nghiệp cũng sẽ cẩn trọng hơn trong việc tính toán giá đền bù và hỗ trợ một cách phù hợp, không gom bằng mọi giá, hoạt động đầu cơ đất dự án do vậy cũng không còn đất dụng võ. Một khi giá đất ổn định và doanh nghiệp cũng thu một mức lợi nhuận ổn định đối với các dự án, mặt bằng giá trên thị trường BĐS sẽ bị kéo xuống và ổn định hơn.

Theo Hải Đăng - TT

 

Dấu ấn “Thủy lợi 4” tại miền Trung

Email In

Hoàng Anh

 

Tháng 8/2010 đánh dấu tròn 10 năm ra đời của Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 tại miền Trung (Hyco 4 miền Trung). Thời gian đó đã in đậm dấu ấn của thương hiệu Hyco 4 trên những công trình thủy lợi, thủy điện miền Trung.

 

Cột mốc ghi nhận sự ra đời của Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 tại miền Trung gắn liền với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, khi Tổng công ty chính thức phân công Chi nhánh miền Trung đảm nhận thi công 20 km mặt đường Hồ Chí Minh. Những người thợ đầu tiên của Hyco 4 miền Trung đã gắn liền cuộc sống của mình với núi rừng hiểm trở và cũng khởi đầu với những công trình gắn liền với dãy Trường Sơn, những công trình thủy điện quy mô lớn. 

Đập tràn ngăn dòng sông Tranh, do Hyco 4 miền Trung thi công, đang đổ những lớp bê tông cuối cùng

 

Với pháp nhân là Ci nhánh miền Trung, nhưng kế thừa truyền thống của người thợ thủy lợi nổi tiếng một thời mang thương hiệu “Thuỷ lợi 4”, một thời là đơn vị chủ lực của Bộ Thủy lợi, đảm nhận thi công các công trình thủy lợi, thủy điện của ngành thủy lợi, thủy điện... trên khắp mọi miền đất nước, Hyco 4 miền Trung đã được lãnh đạo Tổng công ty, chủ đầu tư nhiều dự án tin tưởng giao thi công các công trình trọng điểm quốc gia có quy mô lớn tại miền Trung, như Thủy điện A Vương, tổng thầu xây lắp các công trình thủy điện Sông Tranh 2, Sông Bung 4 A, ...

 

Thử thách đầu tiên đối với cán bộ, công nhân viên Hyco 4 miền Trung là được Tổng công ty giao thi công Công trình Thủy điện A Vương. Đây là dự án thủy điện lớn đầu tiên tại Quảng Nam, do Công ty cổ phần Thủy điện A Vương (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ đồng. Dự án nằm trên sông A Vương và sông Bung, có công suất 210 MW, trong đó công suất mỗi tổ máy là 105 MW, với sản lượng điện hàng năm 815 triệu kWh, được xây dựng tại huyện Tây Giang và Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.

 

Đây là dự án thuỷ điện quy mô lớn tiên phong tại Quảng Nam, nên các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và cả chủ đầu tư đều mong muốn các nhà thầu, trong đó cho Hyco 4 miền Trung, triển khai đúng tiến độ, đảm bảo đạt chất lượng tốt. Đây cũng là dự án thuỷ điện đầu tiên do nhà thầu trong nước đảm nhận thi công những hạng mục quan trọng - một thách thức không nhỏ với Tổng công ty.

 

Thách thức càng lớn, bản chất người thợ “Thuỷ lợi 4” của cán bộ, công nhân Hyco 4 miền Trung càng được phát huy. Lãnh đạo Hyco 4 miền Trung đã tập trung nguồn nhân lực tổ chức thực hiện đúng tiến độ đã đề ra theo yêu cầu của chủ đầu tư; chủ động cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm về dây chuyền sản xuất bê tông đầm lăn (RCC), công nghệ thi công tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, vừa tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, vừa đảm bảo chất lượng, cũng như tiến độ thi công luôn vượt kế hoạch đề ra.

 

Bên cạnh đó, Hyco 4 đã điều động cán bộ, kỹ sư vượt qua hàng trăm km đường rừng, đồi núi để đến các công trình, nhằm đảm bảo hiệu quả công việc cao nhất… Chính những nỗ lực không mệt mỏi đó đã mang lại những kết quả ngoài mong đợi, góp phần quan trọng trong việc đưa tiến độ xây dựng Nhà máy A Vương vượt tiến độ gần 1 năm, được lãnh đạo trung ương, địa phương và chủ đầu tư đánh giá rất cao.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện A Vương cho biết, sự thành công của A Vương có sự đóng góp vượt bậc của các nhà thầu, trong đó Hyco 4 miền Trung là đơn vị trực tiếp thi công hạng mục đập bê tông đầm lăn. Trong thi công A Vương, Hyco 4 miền Trung đã linh hoạt, chủ động ứng dụng những công nghệ thi công tốt nhất, với những giải pháp thi công phù hợp. Trong đó, đáng chú ý, Thủy điện A Vương là công trình thủy điện đầu tiên trên cả nước hoàn thành đập bê tông RCC vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật công trình.

 

“A Vương là dự án thủy điện có quy mô lớn đầu tiên lại Quảng Nam đã đưa vào vận hành vượt tiến độ Chính phủ phê duyệt gần 1 năm, góp phần quan trọng trong việc ổn định nguồn điện quốc gia. Thành công này có sự đóng góp rất lớn của cách điều hành của chủ đầu tư, các đơn vị thi công, trong đó có Hyco 4 miền Trung. Công ty cổ phần A Vương lựa chọn Hyco 4 bởi đây là đơn vị có uy tín trong ngành xây dựng, đã được khẳng định trong lĩnh vực xây dựng thủy lợi, thủy điện với chất lượng thi công đảm bảo. Đóng vai trò là đơn vị thi công chính hệ thống đập thủy điện A Vương, Hyco 4 đã mạnh dạn áp dụng những công nghệ thi công mới lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Công trình hoàn thành theo đúng tiến độ và các thông số kỹ thuật đã được nghiệm thu, được các chuyên gia đánh giá cao”,  ông Lê nói.

 

Sự thành công của A Vương đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao uy tín của Hyco 4 tại miền Trung thông qua việc EVN - chủ đầu tư Dự án Thuỷ điện Sông Tranh 2 trực tiếp giao “đoàn quân Thủy lợi 4” tại miền Trung thi công tất cả hạng mục chính, từ đập dâng, đập tràn, đập phụ, cửa nhận nước..., của Dự án Sông Tranh 2 (Quảng Nam). Dự án có tổng công suất lắp máy 190 MW, điện lượng trung bình hằng năm 679,6 triệu kWh, đặt tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

 

Đây cũng là một trong những dự án thuỷ điện có quy mô lớn tại Quảng Nam, có điều kiện thi công khắc nghiệt không kém gì Thuỷ điện A Vương. Nhưng với kinh nghiệm đúc kết từ A Vương, cán bộ, công nhân Hyco 4 tự tin đảm nhận nhiệm vụ và triển khai công việc thành công ngoài mong đợi.

 

Theo thông tin từ Ban quản lý Thuỷ điện 3, đơn vị đại diện EVN trực tiếp quản lý đầu tư Dự án Sông Tranh 2, Dự án đang bước vào giai đoạn quan trọng, các hạng mục liên quan đến đập phải hoàn thành đúng tiến độ tích nước vào quý III/2010 và phát điện vào đầu năm 2011. Với cao trình đập 90 m, đập tràn ngăn dòng sông Tranh, do chính Hyco 4 miền Trung thi công, đang bước vào những lớp bê tông cuối cùng. Nhìn công trình đập, mới thấy được năng lực cũng như công nghệ thi công của những người thợ Hyco 4.

 

Hướng về công trình đập chính đang thi công, đại diện Ban quản lý Thủy điện 3 thừa nhận, chủ đầu tư tuyệt đối tin tưởng vào năng lực của Hyco 4. Đây là nhà thầu hội đủ kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ thi công các công trình thủy điện lớn, nhất là đã hoàn thành tốt tiến độ Dự án A Vương, là cơ sở giúp Dự án Sông Tranh hoàn thành tiến độ đã đề ra, đảm bảo phát điện tổ máy số 1 cuối năm 2010.

 

Đại diện Hyco 4 miền Trung tại công trình Sông Tranh tiết lộ, bí quyết thành công của Hyco 4 xuất phát từ sự đoàn kết từ trên xuống dưới, khuyến khích những ý tưởng sáng tạo trong sản xuất… Cán bộ công nhân viên Hyco 4 luôn có những sáng kiến ứng dụng cao, như sáng kiến về thiết kế sản xuất lắp đặt hệ thống máng áp suất âm; sáng kiến về chế tạo ra phễu xả bê tông không bị phân tầng, đảm bảo tiến độ, giá thành hạ; sáng kiến về chế tạo và lắp đặt giàn cốp-pha treo phục vụ suốt quá trình thi công bê tông đầm lăn. Những sáng kiến này đã tiết kiệm về thời gian thi công và giá trị hàng tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án và góp phần đáng kể đưa tiến độ thi công hoàn thành theo đúng cam kết.

 

Những dự án thủy điện miền Trung rồi sẽ hoàn thành và điều trăn trở nhất hiện nay không chỉ đối với Tổng công ty, mà cả Hyco miền Trung chính là tiếp tục tìm những công trình mới để tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Đối với Hyco 4, những người thợ công trình là quan trọng nhất, đảm bảo cuộc sống cho họ chính là đảm bảo cho sự phát triển của Công ty, vì vậy, lãnh đạo Tổng công ty đang tiếp tục đa dạng hoá các ngành, nghề, để tìm ra những cơ hội kinh doanh mới. Đối với Hyco 4 miền Trung, ngoài đảm bảo tiến độ thi công 2 dự án thủy điện quan trọng là Sông Tranh 2 và Sông Bung 4A, lãnh đạo Chi nhánh đang đàm phán và tham gia những dự án thủy điện mới, như tham gia đấu thầu thi công dự án Sông Bung 2 và nhiều dự án khác…, tạo nên chuỗi hoạt động liên hoàn.

 

10 năm nhìn lại, tiếp nối truyền thống cũng như những thành công của thương hiệu “Thuỷ lợi 4”, Hyco 4 miền Trung đã thật sự trưởng thành, lớn mạnh và có thể đảm nhận những công trình có quy mô và độ khó lớn hơn. Quan trọng hơn, qua sự vươn lên của Hyco 4 nói chung và Hyco 4 miền Trung nói riêng, đất nước ta có thể tự hào về sự phát triển của những nhà thầu trong nước. Họ có thể tự tin làm chủ công nghệ, đảm nhận những công trình lớn mà trước đây Việt Nam chỉ kỳ vọng vào nhà thầu quốc tế.

Khởi công xây dựng Dự án Thủy điện Sông Bung 2 vào quý I/2011

Email In

Huỳnh Anh

 

Mọi công tác chuẩn bị tiền khởi công đã hoàn tất, Dự án Thủy điện Sông Bung 2 sẽ chính thức khởi công vào quý I/2011. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Quản lý Dự án Sông Bung 2 (Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN).

 

Đến thời điểm hiện tại, Dự án Sông Bung 2 đã hoàn tất các thủ tục, đáp ứng đủ điều kiện để bước vào giai đoạn khởi công xây dựng, như thu xếp nguồn vốn, lựa chọn nhà thầu, thi công các hạng mục phụ trợ như giao thông, đường điện... Tuy nhiên, đây là dự án đầu nguồn thuộc chuỗi 8 dự án của hệ thống sông Bung, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, núi non hiểm trở, nên chủ đầu tư lựa chọn phương án qua mùa mưa mới tiến hành khởi công.

 

Dự án Thủy điện Sông Bung 2 nằm trong Tổng sơ đồ Quy hoạch điện VI, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công trình được xây dựng trên sông Bung, thuộc hệ thống bậc thang Sông Vu Gia - Thu Bồn, tại địa bàn 2 xã Laêê và xã Zuôil, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Dự án do EVN làm chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án Sông Bung 2 trực tiếp quản lý.

 

Ông Nguyễn Sơn cho biết, Dự án Sông Bung 2 có tổng vốn đầu tư 3.661 tỷ đồng, công suất lắp máy 100 MW, điện lượng bình quân hàng năm 425,57 triệu KWh, dung tích hồ chứa 93,3 triệu m3,  độ dài đường hầm dẫn nước hơn 9km, thời gian hoàn thành và phát điện vào năm 2014.

 

Theo ông Sơn, Dự án Sông Bung 2 là một trong những dự án thuộc hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, được Chính Phủ phê duyệt đầu tiên, trên nguyên tắc là một trong những dự án được triển khai đầu tiên. Tuy nhiên, vị trí dự án nằm ở đầu nguồn và sát biên giới nước bạn Lào, nên công tác triển khai vô cùng khó khăn. Chính vì lý do đó nên nhiều nhà đầu tư khác trong lĩnh vực thủy điện e ngại về hiệu quả đầu tư dự án.

 

“EVN với vai trò là tập đoàn kinh tế nhà nước chủ lực trong ngành điện quyết định đầu tư dự án một phần đảm bảo khai thác hiệu quả tiềm năng năng lượng của Dự án, mặt khác đảm bảo được nhiệm vụ chính trị khu vực này”, ông Sơn nói và cho biết, nhiệm vụ khó khăn nhất của Dự án chính là công tác thu xếp nguồn vốn đầu tư.

 

Đến thời điểm hiện tại, công tác thu xếp vốn đã được EVN triển khai tốt và tạo nên bước ngoặt mới cho Dự án. Theo đó, EVN cùng với đối tác là các ngân hàng: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Société Générale và BNP Paribas đã ký kết Hợp đồng tín dụng thu xếp vốn cho Dự án Thủy điện Sông Bung 2. Trong đó, vốn do các ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), BNP PariBas, Société Générale cho EVN vay là 80 triệu USD và 8,8 tỷ yên Nhật (JPY), chiếm 80% tổng vốn đầu tư dự án.

 

Ông Sơn cho biết, hiện nay, công trình đang triển khai đồng bộ các hoạt động khảo sát, thiết kế, xây dựng hệ thống hạ tầng điện, đường vào công trình. Công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ thi công. Các thủ tục pháp lý, như: cấp giấy phép xây dựng, quy hoạch tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã được các cấp chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam thỏa thuận, phối hợp để sớm triển khai xây dựng dự án.

 

Ban quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2 có nhiệm vụ thay mặt EVN quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2 và các dự án khác do Tập đoàn giao; chuẩn bị sản xuất cho các dự án thủy điện; thực hiện tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát thi công, tư vấn thẩm tra dự toán và tổng dự toán, tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá thầu các công trình thủy điện và các công trình lưới điện đồng bộ. Ban quản lý đã tập trung xây dựng bộ máy tổ chức đồng bộ, tinh gọn, quy tụ được những kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, từng kinh qua những vị trí quan trọng trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện tại miền Trung như: Sê san 3, Sê san 3A, Ialy, A Vương, Sông Tranh 2, Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Drây Hlinh 1-2, Đăk Pône, H’Chan, H’Mun, Bắc Bình, …

 

Việc thi công Dự án Sông Bung 2 không làm ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, cũng như nhà dân trong khu vực, do đặc điểm địa hình nơi đây hầu hết là núi cao, dốc lớn, thung lũng hẹp, xa khu dân cư. Đất đai bị ảnh hưởng chủ yếu là đất rừng, đồi núi và một phần nhỏ đất sản xuất mới khai hoang. Ngoài cung cấp điện năng lên lưới điện quốc gia, Thuỷ điện Sông Bung 2 còn có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất vào mùa kiệt, điều tiết lũ cho hạ lưu; cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật cho địa phương, thúc đẩy sự đầu tư từ các ngành có liên quan...

 

Ông Sơn cho biết, để hoàn thành Công trình Thủy điện Sông Bung 2 kịp tiến độ, Ban quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2 phải vượt qua rất nhiều khó khăn, từ việc huy động nguồn vốn đầu tư trong thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu đến những khó khăn do địa hình công trình hiểm trở, xa xôi. Những khó khăn khi chinh phục dòng Sông Bung như thách thức đòi hỏi tập thể kỹ sư tại Ban quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2, những con người đã dành trọn đời mình đi chinh phục những dòng sông, phải đoàn kết, chung sức vượt qua thử thách.

 

Mục tiêu của Ban quản lý là xây dựng các dự án do EVN giao, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, đem lại hiệu quả đầu tư cao; phát triển nhanh, bền vững, sẵn sàng cho cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc sứ mệnh: khơi nguồn đất nước, thắp sáng tương lai.

Phê duyệt quy hoạch giao thông Hà Nội đến 2030

Email In

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

 

Quy hoạch được lập trong phạm vi hành chính thủ đô Hà Nội với tổng diện tích hơn 3.344km2 và dân số khoảng 6,23 triệu người (2008) và vùng phụ cận của Hà Nội.

 

Quy hoạch được xây dựng trên quan điểm phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

 

Theo quy hoạch, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông sẽ được phát triển đồng bộ, bền vững, hiện đại và dịch vụ vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và sử dụng thuận tiện; đáp ứng

Nút giao thông lập thể nam cầu Chương Dương. (Ảnh: Minh Đông/TTXVN).

được các yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài. Ngoài ra, việc phát triển giao thông công cộng, nhất là loại hình vận tải có khối lượng trung bình cần được ưu tiên, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

 

Quy hoạch này sẽ làm cơ sở cho việc lập dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

 

Trên cơ sở định hướng khung về giao thông vận tải trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lập quy hoạch theo 3 nhóm.

 

Nhóm thứ nhất lập quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông gồm giao thông đối ngoại (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không); giao thông đô thị (đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh) và giao thông nông thôn.

 

Nhóm thứ hai lập quy hoạch giao thông vận tải hành khách công cộng (bao gồm đô thị trung tâm và liên kết đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và các khu vực dân cư tập trung trên địa bàn thủ đô Hà Nội).

 

Nhóm thứ ba lập quy hoạch hệ thống bến, bãi đỗ xe (trên mặt đất, trên cao, dưới ngầm).

 

Bên cạnh đó, cần xác định quỹ đất cho phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội và đề xuất các giải pháp tổ chức quản lý giao thông và các cơ chế chính sách thu hút đầu tư xây dựng.

 

Thủ tướng giao Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ đầu tư lập quy hoạch, Bộ Xây dựng là cơ quan thẩm định và trình duyệt quy hoạch.

Theo TTXVN/Vietnam+

Bộ Xây dựng bảo lưu đề xuất trục Hồ Tây - Ba Vì

Email In

Hữu Tuấn

 

Đầu tuần này, tại buổi họp báo công bố cập nhật thông tin mới về Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, UBND TP. Hà Nội có công văn phản đối việc đưa trục Hồ Tây - Ba Vì vào Đồ án. Ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cung cấp thêm thông tin về vấn đề trên. Ý tưởng về trục Hồ Tây - Ba Vì xuất hiện từ khi nào, thưa ông?

Thực ra, ý tưởng về trục giao thông rộng trên hành lang phía Tây của Thủ đô đã được đề cập từ Quy hoạch 108 (phê duyệt năm 1998) để phát triển phía Tây của tỉnh Hà Tây. Theo tính toán hồi đó, ngoài mục tiêu kinh tế xã – hội, trục Hồ Tây - Ba Vì còn phục vụ quốc phòng (khi cần, có thể biến thành đường băng cho máy bay). Sau đó, ý tưởng này không được đưa vào Quy hoạch 108, thay vào đó là trục Láng - Hòa Lạc. Trong báo cáo của Chính phủ với Quốc hội tháng 6 vừa qua, Quy hoạch chung Hà Nội vẫn có trục Hồ Tây - Ba Vì.

Ông Nguyễn Đình Toàn. Nguồn: internet
 

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đề xuất không cần thực hiện trục Hồ Tây - Ba Vì. Ý kiến của ông về vấn đề này?

 

Tôi cho rằng, quy hoạch trục Hồ Tây - Ba Vì là tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô. Điều này là cần thiết, bởi lưu lượng giao thông ra phía Tây Hà Nội rất lớn.

 

Quan trọng hơn, trong tương lai, Hà Nội đô thị lõi được mở rộng ra ngoại đô, kết nối với các đô thị Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc ở phía Tây Hà Nội. Tổng quy mô dân số của các đô thị này hiện khoảng 210.000 người và đến năm 2030 dự kiến lên tới 1 triệu dân, cộng với đô thị trung tâm (quy mô dân số hiện 2,7 triệu người, dự kiến đến năm 2030 là 4,6 triệu người), thì rất cần có trục kết nối Đông - Tây. Áp lực lưu thông đang dồn lên Quốc lộ 32 và trục Láng - Hòa Lạc (nay là đại lộ Thăng Long), có nguy cơ gây ách tắc nội đô trong tương lai gần. Bên cạnh Quốc lộ 32, có trục Tây Thăng Long (chuẩn bị được triển khai), Quốc lộ 6 có tuyến Hà Nội - Miếu Môn, vậy thì bên cạnh Láng - Hòa Lạc sao lại không cần trục Hồ Tây - Ba Vì? Nếu thêm một tuyến đường này, tôi e rằng, vẫn chưa đủ.

 

Có ý kiến cho rằng, việc theo đuổi ý tưởng trục Hồ Tây - Ba Vì là nhằm phục vụ một nhóm lợi ích nào đó?

 

Với tư cách là nhà quản lý, vừa là nhà làm quy hoạch, tôi có thể khẳng định là hoàn toàn không có một đơn vị nào có dự án bám theo trục Hồ Tây - Ba Vì. Như chúng ta thấy, hầu hết các dự án lớn đều bám theo Đại lộ Thăng Long. Tôi đã ký quyết định cử các đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng và kết quả là không có dự án nào nằm “ăn theo” trục đường này.

 

Thậm chí, trục đường này đã gây bất lợi đến một số dự án triển khai trước đó, trong đó có những dự án của một số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng như: trục đường cắt xuyên qua một dự án của Tập đoàn HUD làm mất 9 ha đất, Dự án Kim Chung - Di Trạch đang san ủi mặt bằng và Dự án Vân Canh giai đoạn 2… đang phải tạm dừng chờ phê duyệt quy hoạch.

 

Nếu trục Hồ Tây - Ba Vì không được chấp thuận và đồ án không được phê duyệt như dự kiến, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tiến độ triển khai, thưa ông?

 

Chuyện có hay không có trục Hồ Tây - Ba Vì, thì còn phải bàn tiếp trước Hội đồng Thẩm định nhà nước với sự tham gia của nhiều nhà khoa học của các bộ, ngành và cả các nhà tư vấn nước ngoài. Nếu đồ án chậm lại, thì đương nhiên, sẽ có ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch chi tiết, phân khu sau này.

 

Dự kiến, cuối tháng 8, hoặc đầu tháng 9/2010, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước sẽ họp phiên thẩm định Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM