Anh Minh
Việc sớm triển khai xây dựng Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Nghi Sơn – Bãi Vọt sẽ tiếp thêm động lực thu hút đầu tư cho khu vực Bắc Trung Bộ. Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), ông Ngô Thịnh Đức vừa cho biết, tiến độ lập Dự án Xây dựng đường cao tốc đoạn Nghi Sơn – Bãi Vọt (đoạn tuyến thứ tư của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông) đang được Bộ GTVT đẩy nhanh để làm cơ sở thu hút vốn đầu tư.
Theo Báo cáo đầu kỳ Dự án xây dựng Đường bộ cao tốc đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) do Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lập vừa được Bộ GTVT thông qua, đã có thể hình dung được những thông số cơ bản của tuyến đường cao tốc này.
Theo đó, điểm đầu tuyến của Dự án sẽ trùng với điểm cuối của đoạn đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nghi Sơn (Thanh Hóa) tại phía Bắc của hầm Mông Gà, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa); điểm cuối tuyến sẽ giao với Quốc lộ 8A tại khoảng Km 5+750 QL8A, xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Tổng chiều dài tuyến đường là 94,1 km, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h. Các đoạn khó khăn do cắt qua địa hình núi cao sẽ xây dựng công trình hầm. Quy mô tuyến đường sẽ từ 4 đến 6 làn xe.
Hiện tại, đơn vị tư vấn đưa ra hai phương án đầu tư.
Phương án thứ nhất là đầu tư hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe; phương án 2 đầu tư giai đoạn I đường cao tốc 4 làn xe, công trình cầu đặc biệt lớn, hầm nghiên cứu xây dựng ngay 6 làn xe. Ước tính, kinh phí để đầu tư tuyến cao tốc này sẽ khoảng hơn 19.850 tỷ đồng.
Ông Cao Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong tuần này, Bộ GTVT sẽ tổ chức đoàn khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh để có cơ sở lựa chọn phương án đầu tư.
“Đầu tư xây dựng đường cao tốc Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) là hết sức cấp thiết, bởi đoạn tuyến này nằm trong quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã được Chính phủ phê duyệt và là động lực quan trọng cho cả vùng kinh tế Bắc Trung Bộ. Vấn đề quan trọng nhất quyết định đến việc triển khai dự án sớm hay muộn phụ thuộc chủ yếu vào việc tìm vốn đầu tư”, ông Đức cho biết.
Theo ông Hồ Viết Khang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để có thể nhanh chóng triển khai đầu tư dự án trên thì quan trọng nhất lúc này là Bộ GTVT phải xác định được hình thức đầu tư. Được biết, Bộ GTVT hướng tới việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho dự án này và đương nhiên, hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế sẽ được áp dụng để triển khai dự án trong tương lai.
Cũng theo ông Khang, hiện Việt Nam có 3 nhà tài trợ lớn có khả năng tham gia đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc tại Việt Nam là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nếu dự án khả thi và hoàn tất thủ tục sớm, thì việc tìm vốn triển khai không quá khó khăn, bởi WB và ADB có thể dành nhiều tỷ USD trong kế hoạch những năm tới đây để hỗ trợ vốn cho Việt Nam, trong đó ưu tiên đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc.
Trong khi chờ phản hồi của ADB, vào đầu tháng 8/2010, Bộ GTVT đã văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký Dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông được sử dụng vốn vay WB giai đoạn 2011 – 2014.