You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Quy hoạch trung tâm đô thị mới

Email In

Với vị trí cửa ngõ phía tây bắc thành phố, quận Liên Chiểu đang được xác định sẽ là trung tâm đô thị mới. Về phía đông nam, việc khớp nối quy hoạch và khơi thông sông Cổ Cò hứa hẹn tạo ra bước đột phá về quy hoạch không gian đô thị Đà Nẵng.

Khu đô thị Thien Park tại quận Liên Chiểu vừa được nhà đầu tư Nhật Bản ký kết hợp tác đầu tư phát triển đô thị.
Khu đô thị Thien Park tại quận Liên Chiểu vừa được nhà đầu tư Nhật Bản ký kết hợp tác đầu tư phát triển đô thị.

Đô thị mới tây bắc

Thực hiện nghiên cứu quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, UBND thành phố đã mời bà Kathrin Moore - kiến trúc sư và chuyên gia đô thị hàng đầu của Mỹ - xây dựng ý tưởng quy hoạch đô thị. Được biết, bà Kathrin Moore đã có 37 năm kinh nghiệm tư vấn quy hoạch và tham gia quản lý nhiều dự án quy hoạch đô thị quan trọng tại nhiều nước trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu quy hoạch mới trình UBND thành phố xem xét, đã xác định quận Liên Chiểu là trung tâm đô thị mới của thành phố. Điểm nhấn là nhà ga đường sắt mới tạo xúc tác cho các khu công nghiệp (KCN) và các khu dân cư mới phát triển.

 

Quận Liên Chiểu sẽ xây dựng các nhà chung cư cao tầng, trung tâm mua sắm vừa và nhỏ, khu dân cư và các khu biệt thự. Cụ thể, các tòa nhà chung cư phục vụ nơi ở cho công nhân KCN, các tòa nhà văn phòng phát triển dọc hai bên tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Sinh Sắc và các tuyến đường song song với tuyến đường sắt mới. Quy mô xây dựng các tòa nhà từ 6-15 tầng theo mật độ dân cư từ 1.000-2.000 người/ha, chiếm tỷ trọng lớn trong diện tích đất xây dựng nhà ở tương lai tại quận Liên Chiểu để hình thành cụm dân cư có mật độ dân cư cao. Khu vực có mật độ dân cư vừa và nhỏ phát triển dọc theo hướng đông bắc của quận Liên Chiểu. Trong phân khu này chủ yếu phát triển các tòa nhà đa mục đích với các loại hình kinh doanh mua sắm, bán lẻ, dịch vụ; có các hạ tầng đô thị công viên vừa và nhỏ kết hợp với không gian mở ở phía biển. Quy mô phát triển nhà ở có nhà ở liền kề, chung cư cao từ 3-6 tầng với mật độ dân số từ 300 - 1.000 người/ha. Khu mật độ dân cư thấp với 100 người/ha được hình thành bởi các dự án đô thị sinh thái vùng hạ lưu sông Cu Đê.

 

Trên địa bàn Liên Chiểu cũng hướng đến việc kết nối 4 đầm và hồ hiện trạng với nhau theo các kênh nhân tạo để hình thành tổng thể không gian xanh kết nối các khu vực dân cư.

 

Kết nối về phía đông nam

Đầu tháng 6-2012, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng thành phố liên hệ Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn tỉnh Quảng Nam hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết sử dụng đất ven sông Cổ Cò từ ranh giới thành phố Đà Nẵng vào Hội An theo hướng bề rộng lòng sông tối thiểu là 90m trên nguyên tắc bám theo hiện trạng mặt cắt lòng sông, trình UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt trong tháng 6-2012 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Theo đó, bố trí hai tuyến đường ven sông có bề rộng lòng đường 10,5m, chiều rộng vỉa hè phía sông khoảng 20m, chiều rộng vỉa hè phía còn lại khoảng 9m (trừ các dự án đã triển khai thi công) và vệt khai thác quỹ đất dọc hai bên bờ sông khoảng 200m. Ngoài ra, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có quy hoạch chi tiết và đang triển khai nạo vét 9km đoạn chảy qua Đà Nẵng. Riêng việc đầu tư 2 cây cầu bắc qua sông Cổ Cò ở Đà Nẵng cũng đã được phê duyệt với kinh phí trên 420 tỷ đồng.

 

Trước đó, tại buổi ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư, khai thác sông Cổ Cò giữa tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng đây là một dự án lớn, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho hai địa phương, nhất là khai thác du lịch, dịch vụ dọc theo hai bên bờ con sông này. Ngoài ra, sông Cổ Cò còn có thêm nhiệm vụ tiêu thoát lũ trong mùa mưa. Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thông tin thêm UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan hai bên sông Cổ Cò từ huyện Điện Bàn đến thành phố Hội An trên diện tích 2.600ha và giao cho một công ty thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - khai thác). Theo ông Đinh Văn Thu, riêng kinh phí dành cho nạo vét đoạn sông qua Quảng Nam đã lên trên 700 tỷ đồng, chưa kể kinh phí đền bù, xây dựng hạ tầng hai bên bờ sông...

(Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG www.baodanang.vn )

.

Hoàn thành đoạn vòm thép đầu tiên của cầu Rồng

Email In

Công ty CP Cơ điện miền Trung vừa hoàn thành và vận chuyển thành công đoạn vòm đầu tiên nặng 32 tấn về công trình cầu Rồng. Theo thiết kế, mỗi đoạn vòm thép được tạo thành từ 5 ống thép, mỗi ống có đường kính 1.200mm, dày 19mm, các ống thép liên kết với nhau qua các mặt bích. Tại các vị trí mặt bích liên kết này sẽ bố trí hệ cáp treo đỡ hệ dầm cầu thép liên hợp. Các đoạn vòm thép có khẩu độ từ 90-160 mét, vòm có bán kính cong theo đường sin từ 80-130 mét. Đây là công nghệ rất phức tạp đòi hỏi sự chính xác cao và lần đầu tiên được các đơn vị cơ khí của Việt Nam đảm nhận.

Vận chuyển đoạn vòm thép đầu tiên về đến công trình cầu Rồng.

Để bảo đảm cung cấp các đoạn vòm thép kịp thời phục vụ thi công, nhà thầu CIENCO 1 đã hợp đồng thêm hai đơn vị sản xuất vòm thép là Công ty gia công cơ khí 121 và Công ty CP Sông Đà SAMECO. Toàn bộ công trình cầu Rồng sử dụng 38 đoạn vòm thép với tổng trọng lượng 2.100 tấn.

 

Tin và ảnh: T.S (baodanang.vn)

Địa ốc mừng ngắn, lo dài

Email In

Theo Hà Quang

(baodautu.vn) Giới đầu tư địa ốc mới mừng thầm khi các ngân hàng mở hầu bao cho các khoản vay bất động sản, thì lại đối mặt với nỗi lo lãi suất dài hạn tăng cao.

Cùng với việc điều chỉnh trần lãi suất huy động về 9%/năm với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng, từ ngày 12/6, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tự định đoạt lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng để cân đối cung - cầu nguồn vốn. Từ đây, lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng của nhiều ngân hàng đã tịnh tiến từ mức 12%/năm đến 12,6% rồi 12,8%, 13%, và đỉnh điểm là mức 14%/năm cho kỳ hạn 13 tháng tại Ngân hàng Phương Tây (Western Bank).

Việc lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng liên tiếp lập đỉnh sẽ là mối lo với khách hàng có nhu cầu tín dụng cho bất động sản. Các gói cho vay ưu đãi áp dụng cho khách hàng vay mua nhà của các ngân hàng phổ biến ở mức 14,5% đến 16%. Tuy nhiên, mức lãi suất này thường chỉ kéo dài trong khoảng 3-6 tháng kể từ ngày giải ngân, nên chỉ mang ý nghĩa “câu kéo” tâm lý khách hàng, hơn là giá trị thực sự mà nó mang lại cho người có nhu cầu vay vốn.


Việc lãi suất huy động tăng chắc chắn sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng lên sau khi thời gian khuyến mại lãi suất của các hợp đồng vay vốn kết thúc. 3 - 6 tháng không phải là khoảng thời gian đáng kể so với thời gian của các khoản vay bất động sản thường từ 3 đến 5 năm và có thể kéo dài đến hơn 10 năm.


Điểm mặt các gói tín dụng ưu đãi cho bất động sản, thời gian “khuyến mại lãi suất” kéo dài nhất đang thuộc về các khách hàng mua căn hộ Dự án Nam Đô Complex (Hoàng Mai, Hà Nội) của Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn cầu. Chủ đầu tư đã có hợp đồng với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để hỗ trợ khách hàng với mức lãi vay 16%/năm, chủ đầu tư hỗ trợ 6% trong 1 năm, nên mức lãi suất mà khách hàng thực trả chỉ là 10% cho 12 tháng vay đầu tiên.


Tại Dự án Vincom Village (phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội), Vingroup - chủ đầu tư dự án đã bắt tay với Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) để ngân hàng này mở hầu bao cho khách hàng mua biệt thự tại đây, với mức lãi suất thực trả là 10%/năm trong thời gian 6 tháng đầu và giảm 5% so với biểu lãi suất của MBBank trong thời gian 6 tháng tiếp theo.


Có phần dè dặt hơn, chủ đầu tư Dự án chung cư cao cấp FLC Landmark Tower (đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) - Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Ninh Bắc  - cũng hỗ trợ khách hàng mua căn hộ dự án này vay tối đa 70% giá trị căn hộ tại MBBank, với lãi suất ưu đãi 15 - 16% trong năm đầu tiên, thời gian vay từ 10 đến 20 năm.


Tại khu vực phía Nam, Công ty cổ phần Đức Khải và Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) chi nhánh số 8 cũng liên kết hỗ trợ vốn vay cho khách hàng mua sản phẩm Dự án The Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM). Theo đó, Vietinbank cam kết cho khách hàng của Đức Khải vay vốn để thanh toán tiền mua căn hộ The Era Town, hiện đã hoàn tất phần thô. Tỷ lệ được vay tối đa là 70% giá trị căn hộ (là tài sản thế chấp). Vietinbank cũng cam kết dành cho công ty này một khoản tín dụng lên tới 1.200 tỷ đồng để phục vụ việc triển khai dự án.


Động thái điều chỉnh trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước tạo nên những phản ứng khác nhau từ phía thị trường địa ốc và cơ quan quản lý. Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc đưa lãi suất ngân hàng giảm xuống còn 9% với kỳ hạn dưới 12 tháng khiến kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn người dân. Trong khi đó, kênh đầu tư vàng và ngoại tệ cũng đang khiến nhà đầu tư phải cân nhắc khi chúng không được coi là phương tiện thanh toán. Trên cơ sở đó, có thể dự báo dòng tiền sẽ quay lại với thị trường địa ốc sau thời gian nhà đầu tư tạm dời bỏ thị trường này.


Tuy vậy, với tư cách là chủ đầu tư dự án, ông Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) không lạc quan như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam. Theo ông Quang, trong điều kiện nguồn cung bất động sản đã vượt cầu nhiều lần, mức lãi suất 15 – 17% cho các khoản vay bất động sản như hiện tại vẫn là một thách thức với doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã kiệt sức vì các khoản vay lãi suất cao. Nếu lãi suất huy động dài hạn lên cao, doanh nghiệp bất động sản sẽ khó lòng xoay sở.


Trong tháng 4 và 5/2012, việc các ngân hàng thương mại thực hiện giải ngân cho các dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kích thích thị trường địa ốc phục hồi. Tuy nhiên, diễn biến tăng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng có thể khiến thị trường đóng băng trở lại, bởi gánh nặng nợ nần của cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư cá nhân vẫn phủ bóng đen lên thị trường có tỷ lệ dư nợ tín dụng cả tốt và xấu đều thuộc loại “hàng khủng” này.

Không xây dựng sàn vọng cảnh trên đỉnh tháp cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý

Email In

Theo thiết kế ban đầu, cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý có trụ tháp bằng bê-tông hình chữ V, nghiêng 12 độ về phía tây, cao 145 mét và nhỏ dần về đỉnh, trên đỉnh tháp sẽ có sàn vọng cảnh rộng 40m2. Trên thân trụ sẽ lắp đặt thang máy để phục vụ du khách ngắm toàn cảnh thành phố từ trên cao.

Công nhân đang thi công tháp trụ.
Công nhân đang thi công tháp trụ.

Tuy nhiên, qua sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn, UBND thành phố đã quyết định không xây sàn vọng cảnh trên đỉnh tháp vì sức gió quá lớn. Mặc dù vậy, trên thân trụ vẫn lắp đặt thang máy nhằm phục vụ công tác bảo trì, bảo quản tháp trụ.

Tin và ảnh: T.S (baodanang.vn)

Bảo đảm tiến độ xây dựng các cầu

Email In

Chiều 15-6, đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã đến thăm và kiểm tra tiến độ các công trình cầu Rồng, Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý và Nguyễn Tri Phương.

Đồng chí Trần Thọ (giữa) nghe Ban Quản lý dự án cầu Rồng báo cáo tiến độ thi công. Ảnh: T.S
Đồng chí Trần Thọ (giữa) nghe Ban Quản lý dự án cầu Rồng báo cáo tiến độ thi công. Ảnh: T.S

Theo báo cáo của các nhà thầu thi công, để hoàn thành và đưa vào sử dụng cả 3 chiếc cầu trên vào ngày 29-3-2013, thời gian qua, các đơn vị đều tăng cường nguồn nhân lực, thiết bị, duy trì làm việc 3 ca/ngày. Dự án cầu Rồng có 3 gói thầu chính, bao gồm gói thầu hạ bộ (1A), gói thầu thượng bộ (1B) và gói thầu tổ chức nút giao thông hai đầu cầu. Đến nay, gói thầu 1A đã hoàn thành, gói thầu 1B đã hoàn thành 65% khối lượng công trình, gói thầu nút giao thông hai đầu cầu hoàn tất hồ sơ từ ngày 28-4, từ ngày 10-6 đã chính thức triển khai. Hiện nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 đang gặp khó khăn trong việc sản xuất vòm thép do yêu cầu kỹ thuật cao và đây là lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam nên tiến độ bị chậm so với kế hoạch. Nhà thầu cam kết sẽ khắc phục khó khăn để kịp thời cung cấp đủ số lượng và chất lượng vòm thép phục vụ thi công.

 

Dự án cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc, các phần còn lại như hạng mục trụ tháp sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8-2012, ngày 30-1-2013 sẽ hợp long cầu, 14-2-2013 hoàn tất việc cân chỉnh dây văng; 30-12-2012 hoàn thành đường dẫn hai đầu cầu; 30-9-2012 lắp đặt thang máy cho tháp trụ chính. Theo đại diện nhà thầu (Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1), với tiến độ như hiện nay, công trình sẽ hoàn thành trước ngày 29-3-2013.

 

Báo cáo của nhà thầu dự án cầu Nguyễn Tri Phương cũng cho biết đã hoàn thành 67% khối lượng công việc. Trong tháng 7 sẽ hoàn tất phần hạ bộ để ngày 15-8 tiến hành lắp nhịp chính giữa sông và trước Tết Nguyên đán tới sẽ hợp long cầu. Nhà thầu đưa ra mục tiêu phấn đấu công trình hoàn thành trước mốc thời gian 29-3-2013 từ 1 tháng đến 1,5 tháng.

 

Phát biểu tại buổi làm việc với các nhà thầu, đồng chí Trần Thọ hoan nghênh sự nỗ lực của các đơn vị đã khắc phục khó khăn, tăng cường nguồn nhân lực, thiết bị để bảo đảm tiến độ. Đồng chí cũng lưu ý quỹ thời gian còn lại để thi công cả 3 chiếc cầu tương đối ít, trong khi mùa mưa bão sắp đến. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải tranh thủ thời tiết tốt đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt phải có phương án thi công ngay trong mùa mưa bão để bảo đảm tiến độ chung cũng như mỹ thuật, chất lượng công trình, chú ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động.

Theo T.S báo Đà Nẵng

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM