You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Bất động sản: Vài điểm sáng trong đám mây màu xám

Email In

Có thể nói, dấu ấn để lại đối với bất động sản trong năm 2010 chính là những chính sách được ban hành nhằm đúng vào những lúc cả khách hàng lẫn chủ đầu tư đều cần đến một khuôn khổ pháp lý mang tính đột phá.Nghị định 71 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở được xem như một điểm sáng về chính sách để phần nào hạn chế được khái niệm mà xưa nay nhiều người vẫn dùng và đổ tội “do cơ chế”.

(Ảnh: Trần Việt/TTXVN)


Với nhiều điều khoản mới và đột phá như: xóa bỏ hình thức huy động vốn thông qua hợp đồng viết tay, chấp nhận tính pháp lý của chung cư mini, cho phép 20% giao dịch không qua sàn, quy định chi tiết các vấn đề và đối tượng được mua nhà ở xã hội... Nghị định 71 được xem như một lời giải góp phần đưa thị trường tiệm cận với hai từ: chuyên nghiệp.

Chính sách “đột phá” thị trường

Thế nhưng, với không ít chủ đầu tư, đặc biệt là chủ của những dự án căn hộ chung cư, Nghị định 71 cũng vô tình siết lại các mối làm ăn vốn đã mang lại tính thanh khoản cao cũng như những khoản lợi nhuận kếch xù cho họ trong nhiều năm qua. Đó là việc sàng lọc các nhà đầu tư thứ cấp - lực lượng đóng vai trò chính trong việc làm tăng hay giảm tỷ lệ giao dịch trên thị trường. 

Nghị định 71 ra đời coi như đã “tịch thu” mất cần câu cơm của họ bởi không cho phép nhà đầu tư thứ cấp ký hợp đồng mua bán với khách hàng. Huân chương nào cũng có hai mặt, và viễn cảnh thị trường vẫn ảm đạm trong những tháng cuối năm được xem là có nguyên nhân không nhỏ từ điều khoản trên.

Một quy định khác của Nghị định 71 cũng gây không ít tranh cãi, đó chính là việc quy định chủ đầu tư được phép bán 20% số căn hộ của một dự án mà không phải qua sàn giao dịch. Giới chuyên môn nhận định, đây là quy định “mở” của cơ quan quản lý nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tìm kiếm và theo đuổi các dự án ngày càng khó khăn. 20% không phải qua sàn cũng được xem như chút ưu ái cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, đồng thời nó cũng được xem như một chút “của để dành”, sử dụng cho những lúc cần thiết, ngoại giao...

Thế nhưng, chỉ có điều những gì diễn ra trên thực tế lại đi quá xa so với những quy định trên giấy. Trong một lần nói về kết quả triển khai điều khoản trên cách đây chưa lâu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, qua kiểm tra, cơ quan này phát hiện có đến 80% các doanh nghiệp vi phạm về tỷ lệ giao dịch qua sàn.

Thậm chí, lãnh đạo Bộ còn “tiết lộ”, có doanh nghiệp mang tiếng bán qua sàn đúng 80% theo quy định nhưng thực tế toàn bộ trong số đó lại bán cho những “địa chỉ” đã được xác định trước, sàn chỉ là nơi hợp thức hóa giao dịch mà thôi.

Ngoài ra, còn một số chính sách được cơ quan quản lý ban hành trong năm qua như “cấm sử dụng chung cư làm văn phòng”, “quy định chi tiết về đối tượng mua nhà ở xã hội”, “thừa nhận sở hữu chung cư mini”... cũng ít nhiều tạo được dấu ấn trên thị trường BĐS cũng như đối với nền kinh tế, dư luận xã hội, trong đó bao gồm cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực.

Điểm sáng và những kỳ vọng

Có một thực tế dù không muốn nhưng vẫn phải thừa nhận, đó là trong khi những tín hiệu về nền kinh tế đang được cải thiện dần trong suốt cả năm qua thì thị trường bất động sản lại càng trở nên kém sôi động hơn, ngay cả so với năm 2009 – năm kinh tế thế giới và trong nước rơi vào khó khăn, suy giảm. Thực tế đó đã đi ngược lại với những khái niệm vốn vẫn được các chuyên gia đưa ra – “bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế”.

Thế nhưng, trong một đám mây màu xám đó, người ta vẫn thấy lộ ra một vài điểm sáng từ những ngôi sao dù nó chỉ là bé nhỏ. Những ngôi sao đó không gì khác chính là những dự án vẫn bán chạy, những doanh nghiệp địa ốc vẫn có tăng trưởng vượt mục tiêu từ ngành nghề chính.

Những dự án mà có thể do “tiếng tăm”, do vị trí, thiết kế hay đơn giản chỉ là do cách bán hàng, tiếp thị của chủ đầu tư... nên lượng giao dịch tưởng chừng như không bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của nền kinh tế hay sự khó tính của khách hàng.

Trong một lần chia sẻ với người viết, đại diện tập đoàn Indochina Land cho hay, trong suốt thời gian thị trường trầm lắng thì công ty này vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng ở tất cả các dự án bán căn hộ, đồng thời kỳ vọng doanh thu sẽ đạt khoảng 40 triệu USD trong năm nay.

Ngay cả với những dự án bán lẻ, văn phòng, resort và căn hộ dịch vụ mà công ty này đang vận hành, tỉ lệ lấp đầy, công suất thuê vẫn ở mức tốt, nhiều hợp đồng mới được ký kết, nhiều khách thuê cũ có nhu cầu mở rộng địa điểm, các dự án resort luôn có tỉ lệ lấp đầy phòng cao.

Kết thúc năm 2010, Indochina Land vẫn “kiếm” được 21,5 triệu USD từ việc bán tất cả các dự án chỉ trong vòng 2 quý cuối năm. Riêng đối với dự án Indochina Plaza Hà Nội, nếu tính cả 2 tháng mở bán cuối năm 2009, chỉ với 390 căn hộ, dự án này đã mang về cho tập đoàn này hơn 65 triệu USD.

Trước những thành công vượt ngoài mong đợi của lĩnh vực bất động sản, Tổng giám đốc Indochina Capiatal, Peter Rider cho biết cuối tháng 11/2010, tập đoàn này vừa quyết định rót thêm 180 triệu USD vào bất động sản bằng việc công bố đóng Quỹ bất động sản thứ 3 của tập đoàn.

Không chỉ Indochina Capital thành công trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm vì vắng bóng người mua. Trong hai tháng cuối năm 2010, dường như những ai quan tâm đến bất động sản cũng đều biết đến “hiện tượng Nam Cường” tái xuất tại dự án Lê Văn Lương Residentials thuộc khu đô thị mới Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội do tập đoàn này làm chủ đầu tư.

Vào cuối tháng 10/2010, trong lần mở bán thứ nhất hơn 100 căn hộ CT7D, chỉ sau 3 giờ mở bán, 100% căn hộ đã được bán hết trong sự tiếc nuối của những người đăng ký từ sớm nhưng không mua được.

Rồi đến hai lần mở bán tiếp theo trong tháng 11, do số người đăng ký lớn hơn nhiều số căn hộ bán ra, tập đoàn này đã phải áp dụng lại chiêu thức “bốc thăm quyền mua căn hộ”.

“Thành công vượt cả ngoài mong đợi chính là minh chứng rõ ràng nhất phản bác lại những tin đồn ác ý của dư luận cho rằng Nam Cường sắp phá sản sau sự ra đi của vị chủ tịch một năm trước”, Tổng giám đốc Trần Oanh của Tập đoàn Nam Cường tâm sự.

Ngoài những dự án, doanh nghiệp kể trên còn có một số doanh nghiệp bất động sản khác vẫn đứng vững và gặt hái được thành công trong bối cảnh thị trường trầm lắng suốt cả năm. Dẫu không nhiều nhưng những thành công đó cũng là điều khiến cho các doanh nghiệp khác phải xem xét, suy nghĩ.

Còn xét trên bình diện kinh tế và xu hướng thị trường, những điểm sáng về bán hàng và lợi nhuận của một số doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là trong khoảng thời gian cuối năm 2010, có thể được xem như những tín hiệu tốt lành trên thị trường trong năm 2011. Nhưng cũng cần lưu ý, trong bối cảnh mà thể chế và chính sách quản lý cũng như những hoạt động trên thị trường bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế, thì kỳ vọng về một thị trường ổn định, bền vững và minh bạch mới vẫn là điều mà cả xã hội đang hướng tới.

Theo Từ Nguyên - VnEconomy

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tham gia Tết trồng cây và phát lệnh khởi công Khu đô thị mới Đặng Xá II

Email In

Sáng 30/1/2012, Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Đồng chí Nguyễn Thế Thảo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị Ủy viên DK Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cùng lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm, Tập đoàn HUD, Tổng Công ty VIGLACERA long trọng tổ chức Lễ trồng cây và khởi công xây dựng Khu đô thị mới Đặng Xá II. Đây là Dự án BĐS lớn đầu tiên được khởi công tại Hà Nội đầu năm 2012 thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định.


Lễ khởi công Dự án Khu đô thị mới Đặng Xá II

Trong điều kiện thị trường BĐS đóng băng, việc huy động nguồn vốn gặp nhiều khó khăn, khởi công Dự án với mục tiêu bên cạnh những căn hộ thương mại theo cơ chế thị trường, dành 1000 căn hộ cho người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách ( nhà ở phi hàng hóa) đã thể hiện rõ quyết tâm của chủ đầu tư VIGLACERA trong vai trò chủ đạo của doanh nghiệp ngành Xây dựng trong việc phát triển đô thị, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, xanh, sạch, đẹp.


Bộ trưởng Trịnh Đình D
ũng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trồng cây tại Công viên Khu đô thị mới Đặng Xá II

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng: việc khởi công Khu đô thị Đặng Xá II khẳng định quyết tâm của ngành Xây dựng, của UBND Thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm, Tập đoàn HUD, Tổng Công ty VIGLACERA và những người làm xây dưng quyết tâm thực hiện bằng được Chiến lược nhà ở để góp phần phát triển nhà ở, trong đó hết sức trú trọng phát triển nhà ở cho những người thu nhập thấp…Với sự hỗ trợ của Nhà nước, khu vực này sẽ tạo ra một khu đô thị mới văn minh, có những điều kiện sống ngày càng tốt hơn, đảm bảo cho người dân đến đây sống hạnh phúc với giá cả phù hợp khả năng thu nhập…

Dự án Khu đô thị mới Đặng Xá II với quy mô 39,02ha, tổng mức đầu tư 2.490 tỷ đồng được khởi công xây dựng và khi hoàn thành (năm 2016) sẽ cung cấp 352.598m2 sàn cho quỹ nhà ở Thành phố với các phân khu chức năng hợp lý từ khu nhà ở cao tầng, khu nhà ở thấp tầng, các công trình hỗn hợp đến các công trình hạ tầng xã hội, khớp nối hạ tầng với Khu đô thị mới Đặng Xá I tạo nên Tổng thể một Khu đô thị hiện đại, đồng bộ, tạo điểm nhấn tại cửa ngõ phía Đông Bắc Thủ đô, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 15.000 cư dân, góp phần thực hiện thành công chương trình phát triển nhà ở của Hà nội đến năm 2020. Có thể nói khi hoàn thiện, Khu đô thị Đặng Xá hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành nơi an cư lý tưởng cho mọi gia đình.

Là Khu đô thị có quy hoạch hoàn chỉnh: bên cạnh những khu nhà ở thì các công trình công cộng, dịch vụ cũng được phát triển đồng bộ như nhà trẻ, trường học, siêu thị, trung tâm thương mại cùng các khu thể thao trong và ngoài trời. Đây chính là nền tảng tạo nên một môi trường sống đầy đủ, bền vững và ổn định cho cư dân đô thị.

Là Khu đô thị có kiến trúc hiện đại: Từ những khu nhà cao tầng được thiết kế pha trộn giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống, kết hợp hài hòa với khu biệt thự, nhà phố mang phong cách kiến trúc Châu Âu sang trọng và ấn tượng.

Là Khu đô thị xanh và yên bình:Với việc dành hơn 85.000m2 cho đất cây xanh được bố trí thành các khu cây xanh tập trung, khuôn viên cây xanh trong khu ở và dọc các tuyến đường nội bộ khu đô thị, bên cạnh đó với lợi thế vị trí dự án thừa hưởng khí khậu trong lành từ sông Hồng và sông Đuống sẽ tạo nên một không gian đô thị xanh và yên bình

Khu đô thị mới Đặng Xá có Quy hoạch tổng thể diện tích 68,67ha tọa lạc về phía Đông Bắc Thủ đô Hà Nội cách trung tâm Thành phố 12km, là khu đô thị đầu tiên trên địa bàn huyện Gia Lâm, phát triển dọc theo Quốc lộ 5 thuộc địa phận các xã Cổ Bi - Trâu Quỳ - Đặng Xá - Phú Thị. Với các tuyến đường giao thông quan trọng xung quanh rất thuận tiện cho đi lại như quốc lộ 5 đi Hải Phòng, quốc lộ 1 mới đi Lạng Sơn; những cây cầu mới như Cầu Vĩnh Tuy (cách khu đô thị 4km), Cầu Thanh Trì (cách khu đô thị 2km), tạo mạng lưới giao thông liên hoàn từ Khu đô thị mới Đặng Xá đến trung tâm Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó là sự phát triển của các khu công nghiệp tập trung vừa và nhỏ trên địa bàn huyện Gia Lâm, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thu hút về một lượng lớn nguồn nhân lực phục vụ sản xuất kinh doanh đã tạo nên một lượng cầu rất lớn về nhà ở. Do đó Khu đô thị mới Đặng Xá có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển thành một khu dân cư đô thị mang tính thương mại hiện đại.


Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội

“Thay mặt Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, tôi hoan nghênh việc tổ chức Lễ khởi công Khu đô thị mới Đặng Xá II ngay từ ngày làm việc đầu tiên của năm Nhâm Thìn trong điều kiện nền kinh tế của chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc dành một quỹ nhà ở rất lớn cho người thu nhập thấp, những đối tượng khó khăn, đã thể hiện rõ quyết tâm của Tổng Công ty VIGLACERA cùng Thành phố giải quyết khó khăn về nhà ở cho nhân dân….”


Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Lãnh đạo Tập đoàn HUD thăm Khu đô thị mới Đặng Xá I đang hoàn thiện.


Thay mặt Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo tặng quà cho Tổng Công ty VIGLACERA


Khu đô thị mới Đặng Xá đang hoàn thiện đón những công dân đầu tiên đến sinh sống

Hải Đăng(baoxaydung.com.vn)

Thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội: Sôi động trong ngắn hạn

Email In

Hữu Tuấn

Trong tương lai gần, phân khúc căn hộ dịch vụ sẽ hoạt động tốt với hiệu suất cho thuê cao, giá tăng.

Trong khi các phân khúc khác của thị trường bất động sản, như căn hộ để bán, nhà đất biệt thự liền kề, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ, khách sạn đang gặp nhiều khó khăn, thì phân khúc căn hộ dịch vụ vẫn hoạt động khá ổn định, dù giá thuê và hiệu suất có dấu hiệu giảm nhẹ.

Theo Báo cáo thị trường của Công ty Savills Việt Nam, hiện thị trường căn hộ dịch vụ Hà Nội có tổng cộng 2.900 căn từ 45 tòa nhà. Quý IV/2011, Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower (huyện Từ Liêm) bắt đầu cho thuê 378 căn hộ dịch vụ hạng A dưới tên Calidas Landmark72 cùng việc gia nhập thị trường của 19 căn hộ hạng C từ Tòa nhà Mayflower (quận Hai Bà Trưng), đưa tổng nguồn cung của thị trường tăng thêm 16% so với quý III/2011.

Sự cạnh tranh mạnh với căn hộ mua để cho thuê của các dự án mới sẽ làm hiệu suất của các dự án giảm trong quý I/2012

Giá thuê trung bình quý IV/2011 đạt 570.000 đồng/m2/tháng, giảm 0,4% so với quý trước đó. Hiệu suất cho thuê trung bình của thị trường trong quý IV/2011 là 76%, giảm 11 điểm phần trăm so với quý III/2011.


Giá thuê trung bình của cả hạng A và hạng B đều giảm so với quý III/2011. Cụ thể, hạng A giảm 4,7% và hạng B giảm 4,9%. Riêng giá thuê căn hộ dịch vụ hạng C tăng 2,6% so với quý III/2011.

Báo cáo thị trường bất động sản quý IV/2011 của Công ty CB Richard Ellis Vietnam (CBRE) cũng ghi nhận, tỷ lệ trống trong quý IV/2011 là 11,42%, tăng hơn 3% so với quý trước đó (trừ 4 dự án mới khai trương gần đây là Grand Plaza, Hòa Bình Green, Crowne Plaza và Mê Linh Plaza). Tỷ lệ trống tăng chủ yếu do sự cạnh tranh từ các dự án mua để cho thuê và do hoạt động chào thuê trước khai trương của Calidas Landmark72.


Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam nhận định, trong ngắn hạn, thị trường căn hộ dịch vụ sẽ sôi động, do bước vào cao điểm mùa du lịch và lượng chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp sắp đến làm việc tại Việt Nam. “Mùa du lịch cao điểm từ tháng 12/2011 đến tháng 4/2012 sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội năm 2011 đạt 1,9 triệu lượt, tăng 11% so với năm 2010. Nhiều khách trong số này đã thuê căn hộ dịch vụ để ở ngắn ngày, thay vì thuê khách sạn, từ đó tạo thêm nguồn cầu cho thị trường căn hộ dịch vụ. Mặt khác, Nhật Bản đã cam kết cung cấp số vốn ODA kỷ lục 1,9 tỷ USD cho Việt Nam trong năm 2012, hứa hẹn triển vọng về lượng chuyên gia người Nhật sang Việt Nam”.


Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE cho rằng, Calidas Landmark72 đi vào hoạt động chủ yếu nhắm vào khách thuê là người Hàn Quốc. Dự kiến, chủ đầu tư của dự án này sẽ sử dụng chính sách giá cạnh tranh nhằm lấp đầy nguồn cung lớn. Sự cạnh tranh mạnh với căn hộ mua để cho thuê của các dự án mới sẽ làm hiệu suất của các dự án giảm trong quý I/2012. Các dự án ở khu vực phía Tây, đặc biệt là trên đường Phạm Hùng sẽ thu hút khách thuê đang làm việc ở các khu công nghiệp khi đường vành đai 3 được hoàn thành.


Hiện tại, do thấy được sự hấp dẫn của phân khúc căn hộ cho thuê và sự khó khăn trong việc thanh khoản căn hộ để bán, nên nhiều chủ đầu tư đang có kế hoạch chuyển đổi căn hộ để bán sang căn hộ cho thuê. Giải pháp này cho phép chủ đầu tư có thu nhập từ việc cho thuê, mà vẫn giữ được quyền sở hữu; và khi thị trường nhà ở khởi sắc, chủ đầu tư lại có thể tiếp tục bán căn hộ. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, sẽ có nhiều thách thức cho chủ đầu tư trong việc chuyển hướng kinh doanh sang mô hình này. Thực tế cho thấy, những dự án căn hộ cho thuê hút khách trên thị trường hiện nay đều gắn với thương hiệu của công ty quản lý dịch vụ nước ngoài, như The Ascott, Norfolk Group hay InterContinental Hotel Group… Mặt khác, phân khúc này đang ngày càng cạnh tranh với nguồn cung dồi dào từ các căn hộ mua để cho thuê của các nhà đầu tư cá nhân

Thời điểm mua nhà đã đến

Email In

Hà Quang

(baodautu.vn) Thị trường nhà ở đang ở mức giá hấp dẫn, thích hợp cho đối tượng có nhu cầu ở thực.

 

Hàng loạt vụ kiện cáo của khách hàng với chủ đầu tư dự án bất động sản, như Dự án Chung cư EuroLand của Công ty TSQ tại Hà Đông, hay Khu đô thị Xuân Phương của Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Viglacera tại Từ Liêm kéo dài từ những ngày cuối năm 2011 sang những ngày đầu năm 2012 cho thấy sự khó khăn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ nói riêng và thị trường địa ốc nói chung.


Vào thời điểm này, khách hàng, nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng kiện chủ đầu tư để trì hoãn việc đóng tiền

Thị trường nhà, đất đang quay lại với giá trị thực

theo tiến độ xây dựng. Lý do đưa ra có thể là việc niêm yết giá bằng đồng USD được xem là hành vi bị cấm từ cuối năm 2010 (cho dù hợp đồng được lập từ những năm 2008 - 2009 với đầy đủ ý kiến đồng thuận của khách hàng như tại Dự án Chung cư EuroLand); hoặc việc tố cáo chủ đầu tư bán giá cao (dù trước đây chưa có hợp đồng mua bán, mà chỉ là hợp đồng góp vốn với mức giá tạm tính). Thực tế có thể nhìn thấy được qua các vụ tranh chấp, là nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã “cạn” vốn, còn thị trường địa ốc thì mất thanh khoản trầm trọng. Hệ lụy có thể tiên đoán là, giá chuyển nhượng bất động sản trên thị trường thứ cấp sẽ tiếp tục giảm trong quý I/2012, khi người dân phải chi một lượng tiền mặt lớn cho nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2012.


Ở thời điểm này, khách mua chung cư không phải trả tiền chênh lệch cho môi giới , thậm chí còn được môi giới khuyến mãi thêm 5 - 10% trên tổng giá trị hợp đồng. Các dự án tung hàng đợt sau thấp hơn đợt trước, mặt bằng giá chung cư liên tục “xuyên thủng” các ngưỡng hỗ trợ vốn được coi là “giá gốc” do chủ dự án đưa ra.

Chẳng hạn, tại sàn giao dịch bất động sản Vũ Gia Land, Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính (Hà Nội) đang nhận ký gửi hàng loạt căn hộ tại Dự án Times City với mức chiết khấu 8 - 10%.


Báo cáo tổng kết thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng công bố mới đây cho thấy, đến thời điểm tháng 10/2011, giá căn hộ chung cư giảm trung bình 3 - 10% so với cuối năm 2010. Cụ thể, giá căn hộ chung cư khu vực quận Hà Đông (Hà Nội) trung bình là 20-22 triệu đồng/m2; tại huyện Từ Liêm trung bình 30-35 triệu đồng/m2. Một số dự án chung cư đưa ra nhiều khuyến mãi, như tặng quà, cho thêm mặt bằng thương mại để khuyến khích người mua nộp tiền. Một số dự án mới khởi công, được bán ra giá ban đầu thấp hơn 5-10% giá của chung cư cùng loại.


Bản báo cáo cũng ghi nhận, từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2010, giá đất nền khu vực phía Tây Hà Nội tăng 60-70%, có dự án giá tăng gấp đôi. Nhưng đến thời điểm tháng 10/2011, giá đất nền của hầu hết các dự án đều giảm 10 - 20% so với tháng 12/2010, cá biệt có dự án giảm hơn 20%. Thế nhưng, việc giảm giá căn hộ có giúp chủ đầu tư bán được hàng hay không, thì còn chờ thời gian kiểm chứng, bởi theo báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam, thanh khoản của bất động sản tại các thành phố lớn của Việt Nam cuối năm 2011 chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2010.

Dự báo về giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM năm 2012, Quỹ đầu tư VinaCapital cho rằng, giá căn hộ chung cư tại 2 thành phố này sẽ giảm thêm 10 - 15%. Ông David Blackhall, Phó giám đốc điều hành tại VinaCapital nhận xét: “Thời điểm mua nhà tốt hơn bất kỳ lúc nào qua đã đến”.


Thị trường sẽ tiếp tục trả giá cho những đợt làm giá của đội ngũ môi giới bất động sản thời gian qua. Từ chỗ hoạt động nhỏ lẻ, đội ngũ môi giới đã từng bước liên kết hoạt động và thường xuyên tạo ra những “cơn sốt” ảo trên thị trường Hà Nội những năm gần đây. Sau khi nhiều tỷ đồng của người dân được “găm” vào các dự án, “cơn  sốt” chấm dứt và “cò” rút đi, thị trường mất thanh khoản, các dự án lại trở nên hoang phế do không đáp ứng nhu cầu về nhà ở thực sự của người dân đô thị.

Mua bán, sáp nhập BĐS 2012: Động lực là nhà đầu tư nội

Email In

Hữu Tuấn

(baodautu.vn) Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong năm 2012 là một cuộc đua không cân sức giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư Việt Nam.Tương quan lực lượng giữa khối nội và khối ngoại trong năm 2011 khá cân bằng, thể hiện qua nhiều thương vụ hoán đổi giữa nhà đầu tư ngoại cho nhà đầu tư nội và ngược lại.


Nhưng nổi bật hơn cả, là việc chuyển nhượng dự án giữa các nhà đầu tư nội diễn ra sôi động với việc Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4 chuyển nhượng Dự án Cao ốc căn hộ Thủy lợi 4 (Bình Thạnh) cho Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản thủy lợi 4A; Công ty cổ phần Bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam chuyển nhượng Dự án Diamond Tower (Nam An Khánh, Hà Nội) cho Công ty Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico với giá hơn 207 tỷ đồng; Tập đoàn Archi mua lại 67% cổ phần của Công ty Du lịch Hồ Sông Đà (Sudito) và mua đứt Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Kim Bôi; Tập đoàn FPT bán lại cổ phần trong Dự án Tòa nhà FPT (89 - Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội); Tập đoàn Vincom chuyển nhượng cổ phần tại Dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở trên khu đất tại địa chỉ 233B - 235, đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho Tập đoàn Sun Group và Vingroup chuyển nhượng toàn bộ tháp B khối văn phòng của toà nhà Vincom Center Hà Nội (phố Bà Triệu) cho Techcombank…

 

Ông Neil MacGregor, Phó giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam nhận xét, trước kia, các hoạt động M&A chất lượng phần lớn do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Nhưng gần đây, các nhà đầu tư Việt Nam năng động hơn trong việc mua lại các dự án bất động sản.

Còn TS. Lê Đình Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Luật SmiC, cố vấn cao cấp của Tập đoàn EIG Hoa Kỳ cho rằng, sự tham gia của luồng vốn ngoại vào thị trường M&A thời gian qua còn “khiêm tốn” hơn sự trông đợi. Thậm chí, số lượng nhà đầu tư nước ngoài (đa phần là quỹ đầu tư) đang tìm cách thoái vốn khỏi thị trường bất động sản còn áp đảo so với các nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn vào lĩnh vực này. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy sự hụt hơi của thị trường Việt Nam và tỏ ra mất kiên nhẫn.

 

Điều này khá hợp lý khi nhìn vào động thái M&A sắp được diễn ra trong năm 2012.

Hàng loạt thương vụ M&A khác đang được lên kế hoạch đều là những dự án được chuyển nhượng “nội bộ” trong nước. Động thái này được thể hiện bằng việc Công ty cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) công bố sẽ thâu tóm Dự án Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ tại số 9 - Lê Thánh Tông (Hà Nội) từ Công ty cổ phần Đại Dương; Công ty cổ phần Kinh Đô loan báo chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn góp trong Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương, chủ đầu tư tòa cao ốc SJC Tower tại trung tâm TP.HCM, cho một doanh nghiệp khác của Việt Nam; Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình lên kế hoạch chuyển nhượng các dự án khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, du lịch…; Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã thông qua chủ trương bán một số dự án cho đối tác Việt Nam.

 

Việc nhà đầu tư nước ngoài thờ ơ với lời chào mời tham gia M&A các dự án tại Việt Nam cho thấy, ở thời điểm này, việc tham gia thị trường bất động sản Việt Nam của họ là khá mờ mịt. Các quỹ đầu tư ở Việt Nam đang có sự điều chỉnh danh mục đầu tư. Thay vì đầu tư vào bất động sản, tài chính, một số quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang thay đổi chiến lược đầu tư để tập trung vào lĩnh vực khác.

 

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, dẫn dắt thị trường M&A năm 2012 vẫn là các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là sự lên tiếng của các “đại gia chiếu trên”. Việc sáp nhập các tập đoàn lớn (như Tập đoàn Vincom và Tập đoàn Vingroup vừa qua) là một tín hiệu lạc quan nhằm gia tăng nội lực, khả năng tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam và tăng tính khả thi cho các dự án. Xu hướng này trong năm 2012 sẽ gia tăng mạnh mẽ. Còn sự tham gia của khối ngoại vào thị trường M&A sẽ vẫn là một nhân tố quan trọng, nhưng khó trở thành động lực dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM