Anh Minh
(baodautu.vn) Vốn ngân sách bố trí cho giao thông năm 2012 hạn chế, nên các dự án hạ tầng giao thông lớn đều dồn cả kỳ vọng vào nguồn vốn ngoại. Vốn nội: trước đã khó nay còn khó hơn Không ít chủ đầu tư ngành giao thông - vận tải (GTVT) đã thể hiện sự thất vọng, khi nhận được kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012. Thông tin từ Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, tổng vốn NSNN năm 2012 mà Chính phủ bố trí cho toàn ngành là 7.243 tỷ đồng, trong đó, vốn nước ngoài là 3.813 tỷ đồng. |
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 sử dụng vốn ODA nên vẫn đảm bảo tiến độ. Ảnh: Anh Minh |
Như vậy, sau khi dùng 2.500 tỷ đồng đối ứng cho công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án ODA, số vốn ngân sách mà Chính phủ bố trí cho gần một trăm đầu dự án giao thông trong nước do bộ này quản lý, thì cả năm 2012, ngành giao thông chỉ còn vỏn vẹn… 925 tỷ đồng!
Không chỉ có vậy, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư còn cho biết thêm: “Nếu dùng để trả nợ khối lượng các dự án đã hoàn thành và các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành năm 2012, toàn bộ gần một trăm dự án chuyển tiếp cấp bách khác sẽ không có vốn để triển khai tiếp, buộc phải kéo dài sang năm 2013 và những năm tiếp theo. Ông Hoằng còn đưa ra bình luận, năm 2012 thực sự là một năm “giáp hạt vốn”.
Nguồn vốn NSNN thì như vậy, nguồn trái phiếu chính phủ vốn là nguồn vốn được kỳ vọng mọi năm, thì năm nay, sự kỳ vọng đó lại có vẻ... hơi mơ hồ. Nguồn cơn của sự mơ hồ đó là bởi, hiện ngành GTVT chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng về phương án bố trí vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) cho 254 dự án, tiểu dự án năm 2012. Mặc dù, Bộ đã đề xuất nhu cầu 15.000 tỷ đồng vốn TPCP để trình Chính phủ kiến nghị Quốc hội thông qua.
Với “miếng bánh” vốn đã bé hơn so với năm 2011, Bộ GTVT dự kiến “cắt” 2.444 tỷ đồng để trả nợ quyết toán, trả nợ khối lượng hoàn thành 124 dự án, tiểu dự án; dành 1.413 tỷ đồng cho 11 dự án dự kiến giãn tiến độ sau năm 2015 để thi công đạt đến điểm dừng kỹ thuật. Khoảng 120 dự án, tiểu dự án còn lại gồm ba loại: dự án hoàn thành năm 2012, dự án trọng điểm, dự án dự kiến hoàn thành năm 2013 sẽ phải trông cả vào khoản tiền 11.040 tỷ đồng còn lại.
“Nếu chia bình quân, mỗi dự án được khoảng 100 tỷ đồng, đúng bằng quy mô của một gói thầu cỡ trung bình, nên khỏi phải nói, chúng tôi phấp phỏng chờ kế hoạch phân khai vốn cụ thể của Bộ GTVT như thế nào”, một nhà thầu tâm sự.
Trên thực tế, khoản tiền 15.000 tỷ đồng TPCP năm 2012 được xây dựng trên phương án thuận lợi nhất là, Quốc hội bố trí đủ 62.000 tỷ đồng kế hoạch 2012 – 2015 cho giao thông. “Nếu không bố trí đủ số vốn nói trên, sẽ có nhiều dự án buộc phải đưa ra khỏi danh sách đầu tư”, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho biết.
Kỳ vọng vào vốn ngoại
Vốn ngân sách bố trí cho giao thông năm nay gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn ngoại đang được coi như một cứu cánh. Sự kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở, bởi công tác thu xếp vốn cho những dự án giao thông lớn có khả năng khởi công trong năm nay “đang có những biểu hiện rất tích cực”.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nếu công tác chuẩn bị được thực hiện đúng tiến độ, Hiệp định vay vốn cho Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, sẽ được ký vào giữa năm 2012. Đây là một trong những công trình giao thông vượt biển lớn và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với tổng mức đầu tư xây dựng công trình lên tới 850 triệu USD dự kiến sẽ được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ bằng nguồn vốn STEP.
Thông tin từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, vốn cho tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 139 km, có tổng mức đầu tư 1,53 tỷ USD, dự kiến khởi công vào quý II/2012, cơ bản đã được thu xếp xong.
Cũng nằm trong tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 56 km, có tổng mức đầu tư lên tới 1,61 tỷ USD, dự kiến khởi công vào quý IV/2012, đã chính thức được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và JICA cam kết hỗ trợ vốn.
Với quy mô vốn lên tới 4 tỷ USD, ba dự án này sẽ góp phần giải quyết một lượng lớn công ăn, việc làm cho các doanh nghiệp nội, ngay cả khi họ tham gia xây dựng các công trình trên với vai trò là nhà thầu phụ.