You are here: Tin tức Tin tức chuyên ngành
 
 

Tin tức chuyên ngành

Cổ phiếu bất động sản dồn dập sóng

Email In

Theo Chí Tín

(baodautu.vn) Được xem là nhóm dẫn dắt xu hướng thị trường thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu bất động sản đang được nhà đầu tư lướt sóng dõi theo từng ngày. Điều này khiến nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ còn có những đợt sóng lớn.


Trong thời gian từ ngày 10/5 trở về trước, sự tăng giá mạnh của các cổ phiếu bất động sản giúp thị trường có một giai đoạn tăng điểm khá ấn tượng. Trong một số phiên giao dịch gần đây, thị trường lại đổ dốc mạnh, mà nguyên nhân chính là trào lưu xả hàng từ nhóm cổ phiếu bất động sản.


Sự chuyên nghiệp hơn của DN địa ốc sẽ có tác động tích cực tới giá cổ phiếu bất động sản về dài hạn. Ảnh: An Thư

Rất nhiều cổ phiếu bất động sản đã có chu kỳ tăng giá mạnh, nhưng sau đó đã rớt giá thê thảm chỉ trong vài phiên giữa tháng 5.


Từ đầu tháng 4, cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã tăng đều từ khoảng 24.000 đồng/cổ phiếu lên 32.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã tuột dốc trong mấy phiên vừa qua và hiện dao động quanh 28.000 đồng/cổ phiếu.


Thông tin liên quan đến cổ phiếu HAG là mới đây, Công ty cổ phần Khoáng sản Hoàng Anh Gia Lai (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai), đã ký hợp đồng bán 100.000 tấn tinh quặng sắt cho Tập đoàn Hoà Phát với tổng trị giá trên 171 tỷ đồng. Thời gian giao hàng đến hết năm 2012. Năm 2012, HAG sẽ tập trung khai thác và chế biến quặng sắt tại mỏ Kbang ở Gia Lai và mỏ Môrai ở Kontum. Dự kiến, sản lượng năm 2012 là 300.000 tấn quặng tinh. Ngoài ra, HAG lắp đặt thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa mỏ tại Lào vào khai thác trong quý IV năm nay.


Cổ phiếu CII của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM cũng là một trong những cổ phiếu tăng nhanh, nhưng giảm cũng sâu. Từ đầu tháng 4, CII đã tăng từ mốc 28.000 đồng/cổ phiếu lên đỉnh 42.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ giữa tháng 5, cổ phiếu này rơi thẳng đứng, xuống chỉ còn 35.000 đồng/cổ phiếu.


Mới đây, CII vừa ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Tổng giá trị cấp tín dụng tối đa là 375 tỷ đồng. Số tiền này được CII vay để góp vốn vào Công ty cổ phần Xây dựng Cầu Sài Gòn, để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Cầu Sài Gòn 2. Thời hạn cấp tín dụng tối đa 7 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên. Lãi suất cho vay bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả lãi sau của VCB + 3,6%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay không thấp hơn lãi suất cho vay ngắn hạn của VCB.


Cổ phiếu D2D của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 cũng có một kịch bản tăng rất nhanh, mà giảm cũng rất mạnh. Chỉ từ đầu tháng 5, D2D đã tăng giá từ 17.000 đồng/cổ phiếu lên trên 21.000 đồng/cổ phiếu và sau đó tuột trở lại mốc 19.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong khoảng 3 phiên giao dịch gần đây. Ngày 30/5 tới, D2D sẽ thực hiện việc chia cổ tức cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.


Nhận định về diễn biến giá cổ phiếu bất động sản thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, một số thông tin vĩ mô tích cực giúp dòng tiền dồn vào nhóm cổ phiếu, nhưng sau đó, một số nhà đầu tư đã “no nê” sau một chu kỳ tăng giá khá nóng, nên đã xả hàng để chốt lời.


Giai đoạn trước, một số thông tin vĩ mô hỗ trợ như lãi suất, thanh khoản ngân hàng, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp... đã có tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu bất động sản.


Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Tuấn Đương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Licogi 13 cho biết, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nhu cầu phát triển bất động sản vẫn rất lớn và sẽ sớm sôi động trở lại. Tuy nhiên, theo ông Đương, thời gian tới, thị trường sẽ có một số thay đổi, hướng đến người có nhu cầu nhà ở thực sự. Theo đó, các phân khúc nhà cho công nhân, nhà chính sách, nhà cho người thu nhập thấp và trung bình… sẽ phát triển. Ngoài ra, phân khúc nhà cho thuê cũng có nhiều tiềm năng.


Xu hướng này sẽ giúp doanh nghiệp bất động sản hoạt động chuyên nghiệp hơn. Doanh nghiệp sẽ phải tính phân khúc thị trường phù hợp, nâng cao trình độ quản lý, cải tiến công nghệ thi công, nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu mới, năng lực quản lý tiến độ tốt hơn... Điều này sẽ có tác động tích cực tới giá cổ phiếu bất động sản về dài hạn.

Thị trường căn hộ nhỏ “lên tiếng”

Email In

Theo Hà Quang

(baodautu.vn) Sau nhiều tranh luận, rốt cuộc những căn hộ có diện tích 25 m2 đã được mở bán tại Hà Nội. Điều thú vị là, chủ đầu tư dự án gây nhiều tranh cãi này lại đến từ một đơn vị nổi tiếng trong ngành công nghệ thông tin - FPT và địa điểm thực hiện lại ở Đà Nẵng.


Trong khi lãnh đạo một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM cho rằng, việc xây dựng các căn hộ có diện tích nhỏ 25 - 75 m2 với mức giá trung bình từ hơn 300 triệu đồng đến hơn 500 triệu đồng/căn là một “bước lùi” trong quy hoạch đô thị, thì cuối tuần qua (12/5), chủ đầu tư một dự án dạng này đã mở bán những căn hộ đầu

Các dự án căn hộ có diện tích lớn được xem là “xa xỉ” với đa số đối tượng có thu nhập thấp. Ảnh: Hà Thanh.

tiên cho khách hàng Hà Nội. Đó là dự án căn hộ có tên gọi FPT Smart Nano Flat trong khuôn khổ đô thị FPT City Đà Nẵng (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

 

Theo tiêu chuẩn xây dựng nhà chung cư số TCXDVN 323:2004 đang áp dụng cho các dự án nhà ở, khu đô thị mới, diện tích tối thiểu của các căn hộ dành cho 3 người phải là 45 m2 và tỷ lệ các căn hộ dạng này trong 1 dự án cũng bị hạn chế ở mức 20%. Căn cứ tiêu chuẩn này, Dự án căn hộ FPT Smart Nano Flat của FPT có thể bị coi là phạm luật khi mà diện tích tối thiểu chỉ là 25 m2/căn (?). Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư, ông Bùi Thiện Cảnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng cho rằng, nhu cầu về căn hộ nhỏ là một thực tế không thể phủ nhận. Dự án nằm trong khuôn khổ đô thị FPT City Đà Nẵng, diện tích 181 ha, với mật độ xây dựng đáp ứng đầy đủ quy định. Những căn hộ nhỏ dạng này góp phần giải quyết chỗ ở cho những người độc thân, những cặp vợ chồng mới lập gia đình, hoặc những gia đình ít người, góp phần hình thành một cộng đồng tri thức trẻ tại FPT City, thu hút nhân lực chất lượng cao về Đà Nẵng.


Trước đó, Dự án FPT Smart Nano Flat (gồm hơn 500 căn hộ) đã được giới thiệu lần đầu tiên tại Hội chợ Vietbuild Đà Nẵng tổ chức hồi tháng 4/2012. Khi đó, đi thăm căn hộ mẫu dự án này, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã thừa nhận, không thể nói căn hộ 25 m2 của FPT là “nhà ổ chuột”. Ngược lại, nó có đầy đủ công năng của một căn hộ phục vụ cuộc sống của những gia đình ít người.


Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản Thế Kỷ - đơn vị phân phối Dự án căn hộ FPT Smart Nano Flat cho rằng, Dự án có diện tích 25, 50, 75 m2 được xây dựng đầy đủ các công năng sử dụng có chất lượng tốt, thiết kế linh hoạt và sử dụng những vật liệu xây dựng hiện đại nhất. Với các giải pháp tài chính linh hoạt, chỉ cần có công việc ổn định và mức tiết kiệm khoảng 5 triệu/tháng, khách hàng là các hộ gia đình trẻ có thể có nơi an cư phù hợp trong một khu đô thị văn minh với hạ tầng đồng bộ.


Câu chuyện nhà diện tích nhỏ (25 - 50 m2), giá rẻ đã từng được một số doanh nghiệp tại TP.HCM kiến nghị UBND Thành phố cho phép xây dựng phục vụ người độc thân, những gia đình trẻ, có mức thu nhập trung bình và thấp tại Thành phố vài năm về trước. Tuy nhiên, đề nghị đã không được Thành phố chấp thuận. Theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội và Bộ Xây dựng ủng hộ việc xây dựng các căn hộ diện tích nhỏ có thiết kế hợp lý và chất lượng xây dựng tốt. Tuy nhiên, đề nghị này vẫn vấp phải sự phản ứng từ người đứng đầu các địa phương khi họ cho rằng, các dự án dạng này sẽ gây sức ép lên hạ tầng cơ sở và phá vỡ quy hoạch đô thị.


Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn bất động sản Thế Kỷ cho biết,  trên thực tế, nhu cầu về nhà ở diện tích nhỏ, giá hợp lý so với thu nhập của cán bộ, công chức, các gia đình trẻ, những người có thu nhập trung bình tại các thành phố là rất lớn. Nhu cầu về căn hộ dạng này chiếm chủ đạo so với các phân khúc khác của thị trường bất động sản.


Những người ủng hộ quan điểm cho phép xây dựng căn hộ diện tích nhỏ tại các đô thị lớn cho rằng, trong khi lãnh đạo các địa phương khuyến khích việc xây dựng các căn hộ có diện tích lớn, các căn hộ “xa xỉ”, thì cũng nên cho phép xây dựng những căn hộ có diện tích nhỏ để phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình. Nhu cầu về nhà ở của người dân tại các đô thị là thực tế, vấn đề là có một quy hoạch hợp lý và tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

FDI vào lĩnh vực bất động sản: Dòng tiền đang chuyển động

Email In

Theo Nguyên Đức

(baodautu.vn) Chưa ấn định một ngày chính xác, nhưng rất có thể, đầu tháng 2 năm tới, Dự án Hồ Tràm Strip, một trong những dự án BĐS được quan tâm nhất trong thời gian qua, với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ khai trương khu resort đầu tiên - MGM Grand Hồ Tràm.


Trước mắt, theo thông tin của ông Lloyd Nathan, Tổng giám đốc Điều hành của Asian Coast Development Limited (ACDL - Canada), chủ đầu tư của Hồ Tràm Strip, khu resort này sẽ bao gồm một khách sạn 541 phòng; một khu giải trí, trong đó có hạng mục khu vui chơi

Với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, Hồ Tràm Strip là dự án bất động sản được quan tâm nhất thời gian qua. Ảnh: Đức Thanh

có thưởng dành cho người nước ngoài, rộng 13.600 m2 và các khu vực hội thảo tiêu chuẩn quốc tế, nhà hàng, spa, bể bơi, khu tắm biển…

“Chúng tôi cũng đang chuẩn bị xây dựng một khách sạn thứ hai trong khu resort này, với quy mô 549 phòng. Như vậy, tổng số phòng khách sạn trong MGM Grand Hồ Tràm sẽ là 1.100”, ông Nathan nói và cho biết, ACDL phải chi khoảng 450 triệu USD cho việc hoàn thành giai đoạn I của MGM Grand Hồ Tràm.


Như vậy, mặc dù phải tới sang năm, Hồ Tràm Strip mới bắt đầu đi vào hoạt động, song việc một dự án lớn, sau nhiều lần trì hoãn, đang có những động thái tích cực khiến dư luận kỳ vọng vào một sự chuyển động của dòng vốn FDI trong lĩnh vực BĐS, vốn khá trầm lặng trong thời gian qua.


Thực tế, sau một năm 2010 thành công vượt bậc với thu hút FDI trong lĩnh vực BĐS lên tới 6,84 tỷ USD, chiếm 36,8% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam, năm ngoái, cả tổng vốn đăng ký và tăng thêm trong lĩnh vực này chỉ đạt 845,6 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, năm 2012, dòng vốn FDI vào BĐS sẽ có những chuyển biến tích cực. 4 tháng đầu năm 2012, đã có 1,57 tỷ USD vốn FDI đổ vào lĩnh vực này.


Dự án Thành phố mới Bình Dương, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, của liên doanh Tokyu (Nhật Bản) và Becamex, chính là dự án có đóng góp nhiều nhất cho thống kê FDI BĐS trong những tháng đầu năm. Dự án này, vừa nhận chứng nhận đầu tư đã ngay lập tức khởi công xây dựng hồi đầu tháng 3/2012.


Trong khi đó, thông tin mới nhất, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc(KDB) đã vừa chính thức công bố, huy động 200 triệu USD cho giai đoạn I Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây Hà Nội Việt Nam, do Daewoo E&C làm chủ đầu tư. Nguồn vốn huy động từ các ngân hàng thương mại này sẽ tăng cường nguồn tín dụng cho Daewoo E&C và thúc đẩy Dự án tăng tốc triển khai. Nhiều khả năng, cuối năm nay, Dự án có tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỷ USD này, sẽ bắt đầu triển khai xây dựng một phần công trình kiến trúc.


Cùng với những nhà đầu tư tạm xem là “đã cũ”, thông tin gần đây cho thấy, Tập đoàn đầu tư BĐS Blenheim cũng đang rất quan tâm tới các cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam. Năm 2007, Blenheim (Anh) đã từng đến Việt Nam và đầu năm nay, cũng đã bắt đầu có những đề xuất về việc triển khai Dự án Thành phố Công nghệ cao ở Hà Nội.


Điều đáng nói là, không chỉ quan tâm tới đầu tư dự án mới hay thúc đẩy giải ngân, dòng vốn FDI trong lĩnh vực BĐS cũng đang có xu hướng dịch chuyển theo hình thức mua bán và sáp nhập (M&A). Theo quan điểm của ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, thời gian qua, hoạt động M&A đã gia tăng tại Việt Nam, với một số giao dịch có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và những giao dịch này, sẽ mở đường cho nhiều hoạt động M&A hơn nữa trong một vài năm tới.


“Thêm vào đó, lần đầu tiên trên thị trường xuất hiện các thương vụ mua bán tài sản do chủ đầu tư gặp khó khăn về thanh khoản. Với những ai đã bỏ tiền đầu tư, thì mức giá hiện nay được coi là quá thấp, còn đối với những nhà đầu tư muốn gia nhập thị trường, thì đây lại là cơ hội để mua tại mức giá thực. Chúng tôi tin rằng, tất cả những yếu tố này sẽ giúp thúc đẩy lượng vốn FDI trong năm 2012”, ông Townsen phân tích.


Liên quan tới các thương vụ M&A trong lĩnh vực BĐS, SP Setia Bhd, một trong những công ty BĐS lớn nhất Malaysia, cũng đã vừa bày tỏ rằng, mức giá thấp trên thị trường hiện tại sẽ đem lại những cơ hội tốt trong việc tìm kiếm mua lại những dự án dở dang của những nhà đầu tư khác gặp khó khăn về tài chính. “Chúng tôi đang tìm kiếm các cơ hội tại đây. Tôi tin rằng, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư trong nước đang gặp khó khăn lớn về tài chính, cũng đang muốn tìm kiếm những đối tác lớn tham gia vào phát triển dự án cùng với họ”, ông Alex Loh, Trưởng đại diện thường trú của SP Setia tại Việt Nam, nói.


Theo ông Alex, SP Setia đang hướng tới việc mở rộng đầu tư tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, vì nhu cầu thực tế về nhà ở đây vẫn còn rất lớn. Hiện tại, SP Setia đang phát triển hai dự án tại Bình Dương bao gồm Eco Lakes và Eco Xuan, và vẫn coi Việt Nam là một điểm đầu tư tốt, có tiềm năng về dài hạn. “Chúng tôi cho rằng, thị trường BĐS luôn có chu kỳ của nó và chúng tôi là nhà đầu tư dài hạn. Thực trạng thị trường không ảnh hưởng đến cam kết đầu tư lâu dài của chúng tôi tại Việt Nam”, ông Alex nói.

Thị trường địa ốc TP.HCM chờ hàng giảm giá

Email In

Theo Tăng Triển

(baodautu.vn) Sự kiện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thông báo chuẩn bị tung ra một số dự án bất động sản có mức giá chỉ bằng 50% sản phẩm cùng vị trí trên thị trường đang tác động không nhỏ tới thị trường địa ốc TP.HCM.


Chờ mua bất động sản “đại giảm giá”

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, từ đầu năm đến giữa tháng 4, tình hình chung của thị trường bất động sản TP.HCM dù không có nhiều sáng sủa, song một số dự án căn hộ có mức giá mềm vẫn được khách hàng đón nhận.

Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn (thuộc HAGL) cho biết, quý I/2012, HAGL đã thực hiện giao dịch thành

Thị trường địa ốc TP.HCM vẫn chưa tìm được đáy. Ảnh: Đức Thanh.

công hơn 100 sản phẩm từ việc phân phối một số dự án căn hộ. “Xét những yếu tố thực tế, từ tháng 4 trở lại đây, thông tin kinh tế vĩ mô khá tốt, lạm phát được kiềm chế, tín dụng được mở cho bất động sản và lãi suất cho vay cũng đã bắt đầu hạ nhiệt. Đây là những thông tin khá tốt đối với thị trường bất động sản, nhưng giao dịch rất chậm”, ông Thanh nhận định và cho rằng, sở dĩ thị trường bị ngưng trệ là xuất phát từ thông tin HAGL sẽ tung ra sản phẩm có mức giá chỉ bằng 50% sản phẩm cùng vị trí trên thị trường. Điều này đã tác động mạnh đến tâm lý người tiêu dùng. Mặc dù người có nhu cầu nhà ở quan tâm đến bất động sản rất nhiều, nhưng lại có tâm lý chờ thị trường giảm hơn nữa mới ra quyết định.


Tương tự, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Khải, chủ đầu tư Dự án The Era Town (quận 7, TP.HCM), cũng cho rằng, thông tin HAGL giảm giá bán bất động sản đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường. “Cách đây hơn 1 tháng, mỗi ngày, Sàn giao dịch bất động sản Đức Khải giao dịch thành công 5 - 7 sản phẩm, nhưng hiện chỉ còn 2 - 3 giao dịch”, ông Lâm nói.


Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Địa ốc Lê Thành cho rằng, thị trường vốn đã khó khăn từ nhiều năm qua, gần đây, càng trở nên khó hơn. Theo ông Nghĩa, cái khó của thị trường hiện nay xuất phát từ nhiều yếu tố. Nhưng yếu tố quan trọng, gây áp lực lớn đến thị trường, chính là niềm tin của khách hàng.


Không mua sẽ mất cơ hội

Trở lại sự kiện của HAGL, ông Lê Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nhà Hoàng Anh (thuộc HAGL) cho biết, trước mắt, HAGL sẽ giảm giá 2 dự án, một gần cầu Kênh Tẻ (quận 7) và một tại quận Tân Phú.


Có thể nói, thông tin này đang khiến một số dự án căn hộ cao cấp ở quận 7, như Sunrise City do Công ty Novaland làm chủ đầu tư, Kenten Residence do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư lo ngại. Nguyên nhân là, những dự án này có vị trí gần kề với dự án của HAGL, nhưng lại có mức giá 30 - 40 triệu đồng/m2.


Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, việc một doanh nghiệp muốn bán sản phẩm với mức giá nào là tùy vào kế hoạch kinh doanh của họ. Tuy nhiên, không thể chỉ lấy giá bán để so sánh các dự án với nhau. Theo ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Khải, trên thực tế, không một doanh nghiệp lại muốn bán đổ, bán tháo tài sản của mình. Vấn đề là, doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có giá thành mức nào, thì họ sẽ bán với mức giá tương ứng. Có thể cùng một vị trí, nhưng quy mô, chất lượng của dự án này khác với dự án kia. “Quan điểm kinh doanh của chúng tôi là không quan tâm tới các dự án xung quanh bán giá bao nhiêu, mà chỉ căn cứ vào kế hoạch kinh doanh của mình. Theo đó, khi đầu tư một dự án, sau khi trừ đi chi phí, mức lợi nhuận 5 - 10% là có thể chấp nhận. Còn việc lựa chọn sản phẩm và ra quyết định mua là quyền của người tiêu dùng ”, ông Lâm chia sẻ.


Theo ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc ACBR, sự trông đợi giá sẽ còn giảm sâu hơn nữa đến với căn hộ bình dân là rất khó xảy ra.

“Nếu mua với mục đích lướt sóng kiếm lợi nhuận lúc này, nhà đầu tư nên cân nhắc, vì thị trường vẫn còn khó khăn. Song, nếu mua để ở, thì đây là thời điểm quá tốt. Các doanh nghiệp địa ốc cho rằng, chưa lúc nào thị trường bất động sản TP.HCM mở ra nhiều cơ hội lựa chọn cho người mua như lúc này, bởi so với chi phí đầu tư, khá nhiều dự án hiện có giá bán đã chạm đáy, thậm chí có dự án vì kẹt vốn, buộc phải đưa ra mức giá thấp hơn cả giá đầu tư”, ông Hải nói.

FDI từ Nhật Bản: Chuyển dòng vào phía Nam

Email In

Theo Hải Long

(baodautu.vn) Trong 4 tháng đầu năm 2012, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản chiếm quá nửa tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đáng lưu ý, trong khi TP.HCM có vẻ chậm chân, thì các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lại nằm trong top đầu các địa phương thu hút vốn FDI từ Nhật Bản.


Bình Dương, Đồng Nai hút vốn Nhật

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2012 đạt 2,86 tỷ USD, chiếm đến 67,1% tổng lượng vốn FDI. Trong đó, một số tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang chiếm ưu thế về thu hút vốn FDI từ Nhật Bản.

Vốn FDI từ Nhật Bản đã tham gia nhiều dự án công nghệ cao ở phía Nam, trong đó có dự án của Công ty Nidec tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn.

Đơn cử, trong số 1,58 tỷ USD vốn FDI đổ vào tỉnh Bình Dương trong 4 tháng đầu năm, thì riêng Dự án Thành phố Tokyu của nhà đầu tư Nhật Bản đã chiếm đến 1,2 tỷ USD, vượt cả mục tiêu thu hút 1 tỷ USD vốn FDI của tỉnh trong năm 2012. Ngoài ra, 2 dự án khác của Nhật Bản cũng chiếm phần lớn lượng vốn còn lại, gồm Công ty Sun Steel đầu tư 132 triệu USD làm dây chuyền sản xuất tôn kẽm mạ màu thứ hai; Công ty Showa Gloves chuyên sản xuất găng tay cũng đăng ký tăng vốn thêm 100 triệu USD.


Tương tự, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, 4 tháng đầu năm, địa phương này thu hút được 775 triệu USD (bao gồm đăng ký mới 530 triệu USD, còn lại là tăng vốn), chỉ cách đích kế hoạch đặt ra cho năm 2012 gần 100 triệu USD. Trong số này, Dự án nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng của Tập đoàn Lixil (Nhật Bản) có vốn đăng ký 441 triệu USD, chiếm phần lớn trong lượng vốn FDI đăng ký mới của tỉnh.


Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đều cho rằng, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Sau khi tiếp nhận đăng ký, việc tạo điều kiện để các dự án triển khai và giải ngân đúng tiến độ đòi hỏi nhiều nỗ lực. Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng tìm hiểu nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản, nghiên cứu và đầu tư đón đầu.


Điều đó lý giải, mặc dù đang phải phân vân khi phân bổ đầu tư hạ tầng cho nhiều khu công nghiệp (KCN), nhưng tỉnh Đồng Nai vẫn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho 3 tập đoàn của Nhật Bản là Sojitz, Daiwa House và Kobelco phát triển KCN Long Đức rộng hơn 280 ha, dành cho các doanh nghiệp Nhật. Đến thời điểm này, đã có 2 nhà đầu tư của Nhật, trong đó có Lixil đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN Long Đức. Ban quản lý KCN Long Đức cho biết, nếu quá trình đàm phán với 2 doanh nghiệp Nhật Bản nữa được hoàn tất, thì diện tích lấp đầy của KCN Long Đức sẽ đạt 100 ha.


Tại tỉnh Bình Dương, tiếp thu thành quả từ việc thu hút nhà đầu tư Singapore, tỉnh này đã lên kế hoạch nhằm tạo thuận lợi tối đa để Tokyu có thể triển khai dự án khu đô thị trị giá 1,2 tỷ USD, với kỳ vọng Tokyu sẽ là “nam châm” giúp Bình Dương thu hút thêm nhiều tên tuổi lớn từ Nhật Bản.


TP.HCM có chậm chân?

Với vai trò đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM cũng được kỳ vọng là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai để hiện thực hóa kỳ vọng trên xem ra vẫn chưa tiến triển, dù sau 4 tháng đầu năm, TP.HCM đang xếp vị trí thứ ba về thu hút vốn FDI, sau Bình Dương và Hải Phòng, với số vốn FDI đạt 535 triệu USD.


Theo ông Lư Thanh Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Nhật Bản là thị trường thu hút đầu tư trọng điểm của TP.HCM. Năm 2012, Thành phố định hướng hút vốn vào các dự án hạ tầng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phân khu chức năng dọc Đại lộ Đông Tây và phát triển KCN dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.


Đại diện Ban quản lý các khu kinh tế TP.HCM (Hepza) cho biết, Hepza sẽ triển khai một KCN dành riêng cho doanh nghiệp Nhật Bản với quy mô 100 ha trong KCN Hiệp Phước giai đoạn II, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được do chưa chọn được đối tác.


Cũng theo Hepza, vốn FDI vào các KCN, khu kinh tế TP.HCM tính tới ngày 7/5 đạt 70,93 triệu USD, chỉ giảm 0,85% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, nếu phát huy sức hút của các KCN và tận dụng được nguồn vốn FDI từ Nhật Bản nhiều hơn, TP.HCM có thể cải thiện kết quả thu hút FDI trong thời gian tới.

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM