You are here: Tin tức
 
 

Tin tức - Sự kiện

Sẽ cho phép xây dựng chung cư mini để bán

Email In

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho hay Bộ Xây dựng đang hoàn chỉnh Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 71, trong đó có việc cho phép tư nhân xây dựng chung cư mini để bán.

 

Theo đó, nhà ở tại đô thị từ hai tầng trở lên, mỗi tầng có từ 2 căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín với diện tích sàn xây dựng tối thiểu phải là 30m2/căn được gọi là chung cư mini. Ngoài ra, chung cư mini đồng thời cũng phải đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại điều 70 của Luật Nhà ở.

Chủ đầu tư là hộ gia đình, cá nhân trước khi xây dựng các chung cư này chỉ cần xin giấy phép xây dựng như một công trình nhà ở bình thường, không phải lập dự án theo Luật Nhà ở. Ngoài giấy phép xây dựng, các khu chung cư mini xây dựng để bán còn phải đảm bảo có giấy chứng nhận cường độ chịu lực của toà nhà, đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy do các cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép.

 

Sau khi chủ đầu tư xây dựng và bán, quyền sở hữu và quản lý nhà ở từng căn hộ chung cư thuộc về các hộ dân đã mua.Gia đình, cá nhân có yêu cầu sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó. Mỗi căn hộ riêng lẻ trong chung cư mini được phép bán, cho thuê khi đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu.

 ĐHL

Công khai thông tin các dự án thí điểm COST

Email In

 

Theo Ban quản lý Dự án Chương trình hỗ trợ minh bạch trong hoạt động xây dựng (COST) (Bộ Xây dựng), triển khai đầu năm 2010 đến nay, Chương trình hỗ trợ minh bạch trong hoạt động xây dựng COST đã được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

 

Tư vấn đã nghiên cứu đầy đủ, sưu tầm được các tài liệu và tư liệu cho tất cả các khâu của dự án, nghiên cứu các luật và văn bản dưới luật có nội dung liên quan đến công tác công khai thông tin, đồng thời đề xuất lộ trình cho giai đoạn tiếp theo.

 

Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật đã Báo cáo về việc thực hiện công khai thông tin dự án thí điểm, đánh giá công tác công khai thông tin trong thời gian qua. Đồng thời, đề xuất lộ trình tiếp theo cho giai đoạn thí điểm COST với 2 phương án: một là xây dựng văn bản pháp quy dự thảo, thực hiện thí điểm, đánh giá, phát hành và áp dụng chính thức. Hoặc mở rộng kéo dài giai đoạn COST thí điểm song song với xây dựng một bản dự thảo quy định pháp lý, đánh giá, phát hành và áp dụng chính thức.

 

PV

Đi cùng nhà đầu tư hạ tầng để thu hút thêm dự án

Email In

Khánh An

 

Bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, việc giải phóng mặt bằng khoảng 200 ha đất tại huyện Kim Môn, Hải Dương cho Dự án Nhiệt điện Hải Dương của Tập đoàn Jaks Resources (Malaysia) đang được gấp rút tiến hành.

 

Thưa bà, Dự án Nhiệt điện Hải Dương hiện vẫn đang trong quá trình đàm phán?

Với tiến độ đàm phán như hiện tại thì khả năng Dự án Nhiệt điện Hải Dương có tổng công suất 1.200 MW, với tổng đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD này sẽ sớm có thể hoàn tất việc ký hợp đồng BOT trong thời gian sắp tới. Như vậy, các điều kiện để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án này cũng đang rất gần.

 

Theo cam kết giữa địa phương và nhà đầu tư, sau 2 tháng dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, địa phương sẽ bàn giao 200 ha đất tại huyện Kim Môn cho dự án để triển khai thực hiện. Hiện tại, chúng tôi đang giải quyết những phần việc cuối cùng để hoàn tất việc đền bù giải phóng mặt bằng.

 

Quan điểm của Hải Dương là cố gắng tạo điều kiện tối đa, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng… để các dự án của các nhà đầu tư được thực hiện thuận lợi. Hiện tại, Hải Dương đã hoàn thành quy hoạch 17 khu công nghiệp (KCN), 30 cụm công nghiệp với mặt bằng sạch để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

 

Đang có nhiều ý kiến khác nhau về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

Trước đây, Hải Dương cũng đã có thời gian “trải thảm đỏ” để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu rõ ràng là thu hút nguồn vốn đầu tư để tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương có điều kiện đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đóng góp của dòng vốn này vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương là rất rõ.

 

Vào thời điểm này, khi hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển hơn, Hải Dương có thuận lợi hơn trong kết nối các hệ thống cảng biển, hàng không, thì chúng tôi tập trung thu hút vốn đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

 

Hơn thế, việc quy hoạch các KCN, cụm công nghiệp cũng thể hiện rõ định hướng của Hải Dương trong thu hút đầu tư, nhằm đảm bảo phát triển theo quy hoạch và bền vững. Chúng tôi cũng xác định ưu tiên cho công nghệ có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ…

 

Tất nhiên, việc lựa chọn dự án cũng được cân nhắc tới các địa điểm đặt dự án vào lĩnh vực ưu tiên. Ví dụ, với các  cụm, KCN gần khu vực đô thị, Hải Dương sẽ không thu hút các dự án trong lĩnh vực may mặc. Các dự án này sẽ được định hướng vào các cụm công nghiệp ở các huyện xa hơn, nhằm tạo thêm công ăn, việc làm cho người dân địa phương…

 

Định hướng thu hút dự án công nghệ cao hiện cũng là mục tiêu của nhiều địa phương trong cả nước. Như vậy, có thể sẽ có sự cạnh tranh trong thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, thưa bà?

Cũng phải khẳng định rằng, nhiều dự án FDI đang hoạt động tại địa phương là ở lĩnh vực công nghệ cao. Các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Ford, Bosch, Hyundai… cũng đã có mặt tại Hải Dương.

 

Chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp này mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ. Ví dụ như Công ty liên doanh Kefico (Hàn Quốc) - Bosch (Đức) được cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao cho ô tô (hộp đen) vào năm ngoái, nay đang có kế hoạch nâng tổng đầu tư từ 70 triệu USD lên 140 triệu USD. Được biết, Công ty này đã sản xuất thử dây chuyền công nghệ sẽ lắp đặt tại Hải Dương và cho ra sản phẩm có ghi “Made in Hai Duong, Vietnam”. Khi họ tiến hành sản xuất tại Việt Nam, tôi tin sẽ có thêm các nhà đầu tư liên quan sẽ quan tâm tới khu vực này.

 

Chúng tôi cũng tập trung phát huy kênh thu hút đầu tư của các nhà đầu tư hạ tầng. Cho tới thời điểm này, các nhà đầu tư hạ tầng đã thu hút được nhiều dự án quy mô và công nghệ cao tới Hải Dương. Theo thông tin mà Công ty cổ phần Đại An (chủ đầu tư KCN Đại An) mới thông báo, thì họ đang tiến hành mời gọi một nhà đầu tư công nghệ có giá trị đầu tư dự kiến khá lớn, có thể lên tới 1 tỷ USD. Chúng tôi đã cam kết sẵn sàng phối hợp cùng nhà đầu tư hạ tầng để tạo điều kiện thuận nhất trong đưa dự án đúng định hướng tới Hải Dương.

"Cần nghiên cứu hình thức đầu tư mới gọi vốn ODA"

Email In
Ngày 30/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản đã làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cùng hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương về công tác thu hút, thực trạng và hiệu quả các dự án có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và vốn ODA của Nhật Bản trên địa bàn. 
 
Trao đổi với ba địa phương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt nhấn mạnh các doanh nghiệp Nhật Bản có tiềm năng về vốn, công nghệ, có quá trình nghiên cứu dự án chặt chẽ, triển khai dự án tương đối nhanh, góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm và phát triển kinh tế của các địa phương. Nhìn chung các doanh nghiệp Nhật Bản chấp hành tốt luật pháp Việt Nam, tiếp cận nhanh phong tục tập quán của Việt Nam, hội nhập nhanh vào hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh tại các địa phương.

Đại lộ Đông Tây, Thành phố Hồ Chí Minh - một dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản đã được đưa vào sử dụng. (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)

Đồng tình về tiếp tục kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản, ông Hồ Đức Việt cũng lưu ý ba địa phương một số vấn đề như tình trạng “ba chậm” về giải phóng mặt bằng, giải ngân và thủ tục hành chính, dẫn đến tiến độ dự án chậm và hiệu quả thấp; ít dự án lớn, chưa có những cú đột phá mạnh mẽ thật sự về thu hút đầu tư từ Nhật Bản; thiếu nhân lực chất lượng cao và thu nhập của người lao động còn thấp.

 

Ông cũng đề nghị ba địa phương nên nghiên cứu những hình thức đầu tư mới, lĩnh vực đầu tư mới trong kêu gọi vốn ODA Nhật Bản; không nên sợ vay vốn, mà quan trọng là vay để làm gì, vay cho lĩnh vực nào, khả năng chi trả ra sao, cần tính toán sao cho hợp lý và hiệu quả.

 

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt khẳng định với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, việc vay vốn ODA để làm giao thông, làm quy hoạch đô thị, làm về nước sạch, thoát nước, môi trường… là rất đúng và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

 

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút FDI lẫn vốn ODA của Nhật Bản. Tính đến tháng Tám này, trên địa bàn thành phố có gần 400 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 2,015 tỷ USD, riêng trong tám tháng đầu năm nay có 20 dự án với tổng vốn hơn 80 triệu USD.

 

Tại thành phố hiện có bốn dự án vốn ODA Nhật Bản đang triển khai là những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển hạ tầng giao thông và môi trường của thành phố gồm Đại lộ Đông Tây; hai dự án cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-kênh Đôi-kênh Tẻ (giai đoạn 1 và giai đoạn 2); xây dựng đường sắt đô thị thành phố, tuyến Bến Thành-Suối Tiên.

 

Tỉnh Bình Dương hiện có hơn 150 dự án đầu tư, với tổng vốn 1,224 tỷ USD và bốn dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản. Còn tỉnh Đồng Nai có 90 dự án đầu tư, với tổng vốn 1,765 tỷ USD và một dự án ODA của Nhật Bản đang triển khai.

 

Ba địa phương cũng đang vận động tài trợ ODA Nhật Bản cho một số dự án; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có bốn dự án về phát triển hạ tầng, Bình Dương có hai dự án về cải thiện môi trường nước, xử lý nước thải và Đồng Nai có ba dự án.

 

Theo chương trình làm việc, ông Hồ Đức Việt và đoàn khảo sát cũng sẽ đi tìm hiểu thực tế tình hình hoạt động của một số dự án có vốn đầu tư Nhật Bản triển khai trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

 

Theo Hoàng Liên Sơn - TTXVN/Vietnam+

Bất ngờ trước tin tiếp tục làm đường sắt cao tốc

Email In

"Chỉ hơn 2 tháng sau khi Quốc Hội (QH) không thông qua dự án đường sắt cao tốc, mà Chính phủ lại giao các bộ, ngành chuẩn bị lập báo cáo khả thi là điều hơi bất ngờ", ông Dương Ngọc Ngưu-phó chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp của QH, bày tỏ.

 

Theo ông Ngưu, chỉ hơn 2 tháng sau khi QH bấm nút không thông qua dự án đường sắt cao tốc, mà Chính phủ lại giao các bộ, ngành chuẩn bị lập báo cáo khả thi là điều hơi bất ngờ dù theo ông 'việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và không có gì trái”.

 

 “Tôi hoàn toàn không biết thông tin này nhưng có thể họ cho rằng lần trình trước QH chưa đầy đủ, chưa cặn kẽ nên giờ giao tiếp tục nghiên cứu để trình lại là điều bình thường. Tuy nhiên, dự án có được chấp thuận hay không thì sau khi nghiên cứu, Chính phủ phải trình lại, khi đó QH có cơ quan kiểm tra, góp ý bàn bạc và quyết định hay không là chuyện khác”, ông Ngưu nói.

Dự kiến các dự án này sẽ bắt đầu được nghiên cứu khả thi vào tháng 11.2010 và kết thúc vào quý 1.2012

Đại biểu QH Vũ Quang Hải cũng khẳng định, Chính phủ có thẩm quyền giao cho các bộ ngành nghiên cứu, chuẩn bị dự án.

 

Song điều làm ông Hải băn khoăn bởi đây là vấn đề “nhạy cảm” và thời gian quá liền nhau (chỉ hơn 2 tháng sau ngày Quốc hội bác dự án) nên nếu Chính phủ có sự bàn trước với Ủy ban thường vụ QH thì sẽ tạo được sự đồng thuận cao hơn.

 

Dẫu vậy, đại biểu từng lên tiếng phản bác dự án này trên diễn đàn QH vừa qua tỏ ra không quá bất ngờ: “Tôi lường trước điều này sớm muộn gì cũng xảy ra, do đó tôi không quá bất ngờ!”

 

Khi được hỏi quan điểm về vấn đề này, ông Hải nói: Trên diễn đàn QH, trong các buổi thảo luận ở tổ tôi đã không ủng hộ vì báo cáo chuẩn bị chưa chu đáo, không có thông tin đầy đủ, xác thực để QH nắm được. Còn việc giao các bộ, ngành chủ quản nghiên cứu khả thi, quan điểm của tôi là: ở thời điểm này rất nhạy cảm. Vậy nên nếu Chính phủ có sự bàn bạc với Ủy ban thường vụ QH thì mới có sự đồng thuận cao, nhưng tôi chưa nắm được là Chính phủ đã bàn với Ủy ban thường vụ QH chưa.

 

Tiến sĩ Vương Đình Khánh, nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN cho rằng , trước đây, Hàn Quốc cũng đã từng tài trợ nghiên cứu, lập báo cáo về dự án đầu tư đường sắt cao tốc đoạn Hà Nội – Vinh và TP. HCM- Nha Trang. Do đó, việc Nhật có phối hợp lập dự án đường sắt cao tốc cũng là chuyện bình.

 

Theo ông Khánh, đường sắt cao tốc là cần thiết, nhưng không phải là lúc này.

  

“Khi nào chúng ta có điều kiện kinh tế, hãy nghiên cứu làm. Còn bây giờ, nhu cầu cấp thiết nhất là tập trung nghiên cứu, đầu tư hiện đại hoá ngành đường sắt, mở rộng khổ từ khổ 1m lên thành khổ 1435, phục vụ cả vận tải khách và hành hoá. Đồng thời, thiết lập hệ thống hành lang an toàn, ngăn chặn tai nạn giao thông đường sắt bởi thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng khiến tôi rất lo lắng”, ông Khánh bày tỏ.

 

Như Sài Gòn Tiếp Thị đã thông tin, tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam lập báo cáo khả thi dự án đường sắt cao tốc hai đoạn tuyến: Hà Nội – Vinh; TP.HCM – Nha Trang (thuộc dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM).

 

Dự kiến các dự án này sẽ bắt đầu được nghiên cứu khả thi vào tháng 11.2010 và kết thúc vào quý 1.2012.

 

Cùng với các dự án này, tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết cũng đang phối hợp với Nhật Bản để nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Ngọc Hồi đi sân bay Nội Bài (khoảng 25km). Trong khi đó, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM đã được trình tại kỳ họp thứ bảy nhưng không được QH thông qua do lo ngại về tính hiệu quả cũng như làm tăng gánh nặng nợ nần cho quốc gia… Đông đảo người dân cũng không tán thành xúc tiến dự án này nên việc QH không thông qua dự án là hoàn toàn hợp với lòng dân.

 

Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Hạt, tổng giám đốc công ty tư vấn, đầu tư và xây dựng GTVT (thuộc tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho rằng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam khi đưa ra QH đã có nhiều ý kiến khác nhau. Việc QH không thông qua một phần cũng vì dự án thiếu thông tin. Tuy nhiên, đó chỉ là không thông qua, chứ không phải bác dự án.

 

Theo Trung Đức - SGTT

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM