You are here: Tin tức
 
 

Tin tức - Sự kiện

Nhà thầu coi thường pháp luật

Email In
Nhân danh Nhà nước thực hiện quyền quản lý trong lĩnh vực xây dựng, thi công những công trình dân sinh trọng điểm, các cơ quan chức năng đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng từ phía các nhà thầu.
 

Theo thống kê mới nhất của Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, tính từ tháng 3.2008 đến nay, toàn TP có 422 nhà thầu liên tục trì hoãn, tìm mọi cách né tránh, đối phó để không thực hiện hoặc dây dưa kéo dài việc thi hành 2.500 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt phải nộp lên đến 8,5 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà thầu này đang chiếm dụng tiền tỉ đáng lý phải nằm trong ngân sách nhà nước để phục vụ các công trình công cộng khác.

Nhiều nhà thầu thi công bê bối, cẩu thả gây ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân - Ảnh: P.T

 

Mỗi nhà thầu nợ hàng trăm biên bản

Đáng lo ngại là những nhà thầu lớn, thi công các dự án trọng điểm của TP lại là đối tượng vi phạm nhiều nhất và cũng chây ỳ nộp phạt nhất.

 

Trong đó, nhà thầu Shimizu (Nhật) thi công dự án Cải thiện môi trường nước đứng đầu bảng “phong thần” với 200 biên bản xử phạt, tương đương tổng số tiền hơn 827 triệu đồng. Tổng công ty xây dựng số 1 (thi công nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn TP như cầu Thủ Thiêm, vệ sinh môi trường, sửa chữa cầu Văn Thánh 2...) còn nợ 150 biên bản xử phạt với số tiền hơn 523 triệu đồng. Tương tự, hàng loạt nhà thầu lớn khác như TOA (Nhật), Liên danh xây dựng VIC, Obayashi (Nhật), Công ty công trình giao thông công chánh, Công ty CP đầu tư và phát triển xây dựng, Công ty liên doanh HUD, Công ty TNHH Trí Việt Thành, Liên danh Dreco - Cienco 5... đều chưa nộp phạt với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Chỉ có sự ràng buộc hợp đồng chặt chẽ và sự giám sát gắt gao của chủ đầu tư mới đủ sức ngăn chặn từ gốc các vi phạm của nhà thầu. Chứ để nhà thầu vi phạm ồ ạt rồi phó mặc cho thanh tra giao thông xử phạt như hiện nay vẫn chỉ là biện pháp chữa cháy, mà những thiệt hại về ùn tắc, tai nạn giao thông, thiệt hại về sinh mạng, của cải… cũng đã xảy ra trên thực tế.

 

Kỹ sư Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM

Ông Nguyễn Bật Hận - Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM - cho biết, các nhà thầu này, trong quá trình thi công các công trình thoát nước và giao thông, đã vi phạm hầu như không thiếu một lỗi nào, như: không thực hiện đúng phương án thi công; không thi công cuốn chiếu gây ảnh hưởng an toàn giao thông; để vật tư và máy móc bên ngoài “lô cốt” gây cản trở giao thông; tái lập mặt đường cẩu thả; không khảo sát kỹ trước khi thi công gây hư hỏng các công trình kỹ thuật, làm lún nứt nhà dân; không bố trí người hướng dẫn giao thông bên ngoài “lô cốt”...

Vật tư, rác thải từ một công trình đổ tràn ra đường

Theo ông Hận, thời gian qua thanh tra đã liên tục gửi văn bản đến từng nhà thầu vi phạm để yêu cầu đóng phạt nhưng rất ít đơn vị chấp hành, khiến số tiền xử phạt nợ đọng chồng chất qua các năm.

 

Chủ đầu tư ở đâu?

 

Kỹ sư Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, cho rằng thi công cẩu thả lỗi trước tiên là của nhà thầu nhưng để nhà thầu thi công bê bối, chây ỳ thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Chủ đầu tư là đơn vị đại diện Nhà nước, đại diện người dân đứng ra lựa chọn nhà thầu, đốc thúc nhà thầu và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ công trình. Nếu không siết chặt trách nhiệm của chủ đầu tư kèm theo các biện pháp chế tài tương xứng thì tình trạng này sẽ còn tiếp tục.

“Lô cốt” chắn ngang gây ùn tắc giao thông - Ảnh: P.T

Tuy nhiên, ông Sanh cũng cho rằng đơn vị xử phạt có lỗi không nhỏ khi thiếu nghiêm khắc trong xử lý vi phạm của các nhà thầu. Trên thực tế, Nghị định 34/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã tăng mức xử phạt lên hàng chục lần so với trước. Về cơ bản là đủ sức răn đe nhà thầu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, rất hiếm nhà thầu vi phạm bị đình chỉ thi công, buộc khắc phục hậu quả theo đúng tinh thần Nghị định 34. Hầu như thanh tra giao thông chỉ xử lý theo kiểu lập biên bản hành chính và yêu cầu khắc phục, song sau đó nhà thầu có nộp phạt và khắc phục hay không lại chưa có cách nào chế tài cho hiệu quả.

Trong quá trình thi công, điều mà người dân trông đợi là sự chủ động của chủ đầu tư trong việc giám sát, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại do hành vi bê trễ, cẩu thả của nhà thầu. Tuy nhiên, gần như chủ đầu tư “bỏ lửng” khâu này và không phải chịu một chế tài nào khi nhà thầu liên tục vi phạm. Ông Sanh cho rằng: “Chỉ có sự ràng buộc hợp đồng chặt chẽ và sự giám sát gắt gao của chủ đầu tư mới đủ sức ngăn chặn từ gốc các vi phạm của nhà thầu. Chứ để nhà thầu vi phạm ồ ạt rồi phó mặc cho thanh tra giao thông xử phạt như hiện nay vẫn chỉ là biện pháp chữa cháy, mà những thiệt hại về ùn tắc, tai nạn giao thông, thiệt hại về sinh mạng, của cải... cũng đã xảy ra trên thực tế”.

   

Đồng quan điểm trên, luật sư Trương Xuân Tám - Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc - cũng cho rằng các biện pháp hành chính nếu làm nghiêm sẽ mang tính răn đe rất lớn. Theo quy định, trong trường hợp nhà thầu không tự nguyện thực hiện quyết định xử phạt, Chánh thanh tra Sở GTVT hoàn toàn có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành bằng cách phối hợp với ngân hàng khấu trừ tiền vi phạm từ tài khoản của nhà thầu để chuyển vào kho bạc. Hoặc yêu cầu chủ đầu tư công trình khấu trừ tiền vi phạm trong quá trình thanh toán cho nhà thầu, tạm giữ máy móc, thiết bị thi công của nhà thầu... “Trên thực tế, tiền xử phạt vi phạm hành chính được nộp vào ngân sách nhà nước nên đã tạo ra tình trạng cha chung không ai khóc, đây là một nguyên nhân khiến việc đôn đốc nộp phạt không được làm rốt ráo. Chính điều này sẽ tạo nên thói chây ỳ ở nhà thầu, bởi chỉ có ý thức sử dụng luật pháp của đơn vị xử phạt mới tạo ra ý thức tuân thủ luật pháp cho các nhà thầu”, luật sư Tám nhấn mạnh.

 

Lập danh sách “đen”?

 

Theo ông Nguyễn Bật Hận, từ trước đến nay việc cấp phép thi công cho nhà thầu khá dễ dãi, có hồ sơ là cấp phép chứ không cần biết nhà thầu đã vi phạm bao nhiêu lần, vi phạm những lỗi nghiêm trọng nào. Do đó, thanh tra giao thông đang soạn thảo quy định chấn chỉnh việc thi công của các nhà thầu, trong đó ràng buộc trách nhiệm giữa nhà thầu với chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, đơn vị cấp phép (thuộc Sở GTVT hoặc các quận, huyện) trước khi cấp giấy phép thi công cho nhà thầu phải có ý kiến của thanh tra giao thông xác nhận nhà thầu đã hoàn thành các biên bản xử phạt hành chính. Ngoài ra, Sở GTVT cũng sẽ lập danh sách “đen” gồm các nhà thầu thường xuyên vi phạm để kiến nghị UBND TP cấm tham gia đấu thầu xây dựng các công trình hạ tầng đầu tư bằng ngân sách TP.

Hà Nội “khát” đất xây đô thị

Email In

Dự báo đến năm 2030, dân số toàn thành phố Hà Nội có khoảng 9,4 triệu người. Trong đó, thành thị khoảng 6,4 triệu người, nông thôn khoảng 3 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá là 68,8%.

 

 Dân số tăng kéo theo nhu cầu về nhà ở, văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh... cũng tăng nhanh chóng.

 

Đến năm 2030, bài toán về sử dụng đất cho quá trình phát triển được dự báo là: tổng quỹ đất xây dựng khoảng 125.500 ha, chiếm gần 37,5% tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố. Trong đó, đất xây dựng thành thị khoảng 92.000 ha, (chiếm 27,5% so với đất tự nhiên); đô thị hạt nhân có diện tích khoảng 40.00 ha; khu vực phát triển mới có diện tích khoảng 31.000 ha, trong đó có 5 đô thị vệ tinh diện tích khoảng 32.000 ha; đất xây dựng nông thôn khoảng 33.500 ha.

Có được quỹ đất để phát triển đô thị theo quy hoạch sẽ là một quá trình rất gian nan.

Giai đoạn đến năm 2030, nhà ở đô thị phấn đấu đạt 18 m2/người và nhà ở nông thôn đạt 15 m2/người, nhu cầu xây dựng mới khoảng trên 113 triệu m2 nhà ở. Đến năm 2020, quy mô đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng là 1,8 triệu sinh viên, trong đó Hà Nội đảm nhận khoảng 70 -75 vạn sinh viên, tập trung tại các đô thị vệ tinh như Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên – Phú Minh, Chúc Sơn và Sóc Sơn, dự kiến chỉ tiêu 50 - 60 m2 đất/sinh viên. Ngoài ra, thủ đô còn cần 200 ha đất để xây dựng mạng lưới y tế.

 

Cũng theo quy hoạch, đến năm 2030, Hà Nội hình thành mới 3 vùng công nghiệp, diện tích khoảng 800 ha, gồm khu công nghiệp Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm; dành khoảng 4.500 ha phát triển công nghiệp nặng, kho tàng, dịch vụ tiếp vận trung chuyển hàng hoá gắn với sân bay quốc tế Nội Bài và hàng lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng; khoảng 1.500 ha phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp đa ngành gắn với vùng nông nghiệp phía nam Hà Nội và hành lang kinh tế bắc nam dọc quốc lộ 1A; khoảng 2.000 ha phát triển kho công nghiệp cao Hoà Lạc, công nghiệp chế biến, đa ngành tại Xuân Mai, Miếu Môn gắn kết đường Hồ Chí Minh và các tuyến hướng tâm Hà Nội.

 

Dự kiến tương lai, thành phố sẽ xây dựng mới các trung tâm giao thương, tài chính - thương mại quốc tế (10-15 ha) tại Tây Hồ Tây, hội chợ triển lãm thương mại quốc tế (10-15ha) tại Mỹ Đình, Đông Anh; trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hoá gắn với các mạng lưới chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng (50-100 ha) ở khu vực Mê Linh, Thường Tín - Phú Xuyên, Hoà Lạc, Thạch Thất, Gia Lâm; mạng lưới trung tâm bán buôn và mua sắm cấp vùng (20-50 ha) gắn khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và các đầu mối giao thông liên vùng tại Sóc Sơn, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoà Lạc, Chúc Sơn, Gia Lâm.

 

Tuy nhiên, có được quỹ đất để phát triển đô thị theo quy hoạch trên sẽ là một quá trình rất gian nan.

Bởi thực tế cho thấy với tổng diện tích lên tới 3.324 km2 và hàng ngàn dự án nằm trong quy hoạch, suốt năm 2009, Hà Nội mới chỉ quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ở đô thị vẻn vẹn được 143 ha, đạt 16% kế hoạch năm; đất chuyên dùng cũng được có 707 ha, đạt 20% kế hoạch năm.

 

Quy hoạch chung mới có ý nghĩa định hướng, không ổn định, quy hoạch chi tiết còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nên thường xuyên phải điều chỉnh cục bộ. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được quỹ đất “sạch” cần thiết hỗ trợ công tác phát triển thủ đô cũng như điều tiết thị trường bất động sản thông qua quy luật cung - cầu.

 

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: ước tính, cần tới gần 70 tỷ USD để thực hiện quy hoạch. Trong hoàn cảnh hiện nay thì các nguồn vốn từ ODA, FDI đều khó có thể huy động cho công việc này, ngân sách nhà nước thì không dư dả. Như vậy, năng lực thực hiện quy hoạch chỉ có thể nhìn vào nguồn lực từ đất.

 

Trong khi đó, hiện nay, chính quyền đô thị còn thiếu các chiến lược và chính sách kiểm soát, quản lý đô thị gây lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực đầu tư; làm sao giải quyết được các áp lực đô thị hoá đang ngày một gia tăng ảnh hưởng tới quỹ đất nông nghiệp; tìm kiếm và kêu gọi nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị là bài toán rất nan giải...

 

Liên quan đến vấn đề này, TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện quy hoạch đô thị, thế nhưng hiện nay tại Hà Nội, các dự án khu đô thị mới phân tán khắp nơi tuỳ theo đề xuất của nhà kinh doanh bất động sản và đều được chính quyền đô thị chấp nhận. Tình trạng đó khiến cho việc kết nối các khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng cấp 1 của đô thị khó khăn và tốn kém.

 

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hà Nội cần tập trung hoàn chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai quy hoạch được duyệt, xây dựng lộ trình, bước đi cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và 2030 để tổ chức thực hiện.

 

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, thành phố cần có cơ chế công tác phát triển quỹ đất, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất “sạch” để kêu gọi đầu tư và điều tiết thị trường bất động sản khi cần thiết; hoàn thiện các cơ chế, chính sách cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp và các lĩnh vực cần thu hút đầu tư, đặc biệt là các công trình công cộng, công trình phúc lợi đảm bảo an sinh xã hội...

 

Theo Phan Dương - VnEconomy

Nhà thu nhập thấp “nở rộ” tại thành phố Hà Nội

Email In

Chỉ tính từ cuối tháng 7 đến nay, nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại Hà Nội vào mùa "nở rộ" với tổng số gần 3.500 căn hộ được khởi công xây dựng.

 

Đáng chú ý, mặc dù thời điểm vừa qua nằm trong tháng 7 âm lịch - tháng mà theo quan niệm của nhiều người Việt Nam là “kiêng” không nên làm những việc trọng đại nhưng các chủ đầu tư vẫn quyết tâm khởi công xây dựng dự án.

 

Chia sẻ về vấn đề này, các chủ đầu tư đều khẳng định, ý nghĩa của Chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp rất lớn, góp phần an sinh xã hội. Vì vậy, khi doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp là mong muốn chung tay chia sẻ trách nhiệm với xã hội.

Xây nhà cho người thu nhập thấp. (Ảnh: TTXVN)

Đây là việc làm tốt thì dù thực hiện ở thời điểm nào cũng không sợ thất bại, chỉ mong cho công trình hoàn thành đúng tiến độ để nhiều người dân sớm được cải thiện chỗ ở.

 

Cũng bởi vậy, các “đại gia” của ngành xây dựng Việt Nam đã hào hứng nhập cuộc và kỷ lục dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp lớn nhất toàn quốc hiện nay thuộc về Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) với tổng số hơn 1.500 căn hộ được khởi công xây dựng tại Khu Kiến Hưng (Hà Đông) vào cuối tháng 8.

 

Tiếp đến, doanh nghiệp hàng đầu về vật liệu xây dựng - Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera) cũng nhanh chóng thử sức tại phân khúc thị trường này với 1.000 căn hộ khởi công xây dựng cuối tháng 7 tại Đặng Xá (Gia Lâm) và tiếp tục triển khai 124 căn hộ tại Đại Mỗ (Từ Liêm) - một trong những vị trí được đánh giá là “đắc địa” ở cửa ngõ phía Tây Thủ đô vào những ngày cuối tháng 8.

 

Cùng đó, 2 đơn vị thành viên của Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà (Handico) là Handico 3 và 5 cũng khẳng định vai trò của doanh nghiệp xây dựng Thủ đô với dự án gồm 840 căn hộ tại Sài Đồng (Long Biên).

 

Trong thời điểm này, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên toàn quốc chính thức bán nhà cho người thu nhập thấp theo quy định tại Thông tư 36 của Bộ Xây dựng và Quyết định 34 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

 

Hiện, cả nước mới có Hà Nội và Thanh Hóa ban hành quyết định hướng dẫn việc mua-bán-cho thuê-thuê mua nhà cho đối tượng thu nhập thấp phù hợp với điều kiện của địa phương sau khi Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.

 

Ông Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, theo dự kiến, giai đoạn từ năm 2010 đến 2015 Hà Nội sẽ xây dựng được khoảng 15.000 căn hộ dành cho đối tượng thu nhập thấp.

 

Tuy nhiên, khá bất ngờ là đến thời điểm này, số doanh nghiệp và các dự án đăng ký tham gia chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp đã chuyển động mạnh với con số tăng đột biến, lên đến 25.000 căn hộ. Đây sẽ là nguồn cung rất dồi dào và góp phần đáng kể để giải quyết bức xúc về nhà ở cho người dân Thủ đô.

 

Từ nay đến hết năm, nhiều doanh nghiệp lớn của ngành xây dựng cũng đã lên kế hoạch khởi công một số dự án nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn Thủ đô như Tập đoàn HUD dự kiến tháng 10 khởi công dự án Thanh Lâm-Đại Thịnh II tại huyện Mê Linh; Vinaconex triển khai dự án tại Kim Chung (Đông Anh); Vinaconex và Handico cùng làm chủ đầu tư quỹ đất 18ha dành để xây dựng nhà cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị Bắc An Khánh sẽ khởi công vào tháng 11 tới.

 

Theo Thu Hằng - TTXVN/Vietnam+

Sập một góc công trình Crescent Shopping Mall

Email In

Hàn Nguyên

 

Sáng nay (1/9/2010), vào khoảng 8 giờ 30, công trình Trung tâm Thương mại Crescent Shopping Mall (Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM) đã bất ngờ đổ sập một góc khi đang thi công đến tầng 2. Đây là công trình do Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư và China State Construction Engrg.Corp (Trung Quốc) làm nhà thầu chính.

  

Hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên. Công nhân thi công cũng đã được đưa ra khỏi công trường. Đồng thời, bảo vệ và Ban quản lý Trật tự Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã tiến hành phong tỏa toàn bộ các lối vào công trình đang thi công. Qua tìm hiểu bên ngoài của chúng tôi, được biết không có thiệt hại về người từ sự cố trên. Dự án Crescent Shopping Mall với quy mô trên 200.000m2 là một hạng mục trong Khu phức hợp The Crescent – Hồ Bán Nguyệt (bao gồm: cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp cho thuê…).

Góc công trình Crescent Shopping Mall bị sập sáng nay (1/9/2010). Ảnh: Hàn Nguyên

65 công trình sẽ được trao tặng Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam

Email In

Lễ tôn vinh các công trình chất lượng xây dựng Việt Nam lần đầu tiên  được tổ chức vào tháng 11 tới nhằm vinh danh các công trình xây dựng đạt chất lượng cao tiêu biểu trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế giai đoạn đổi mới 2000 - 2010. Giải thưởng do Bộ Xây dựng bảo trợ và chỉ đạo tổ chức, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định) là cơ quan thường trực của giải thưởng.

 

Công trình được xét trao giải là các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, thủy điện, hạ tầng kỹ thuật có quy mô từ cấp III trở lên; được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng từ 1/1/2000 đến 15/7/2010; đạt chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí: Công trình được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng đạt chất lượng cao, đảm bảo tiến độ thi công, đáp ứng các yêu cầu của thiết kế về an toàn, công năng sử dụng và kiến trúc; trong quá trình thi công xây dựng không xảy ra các sự cố về chất lượng và an toàn lao động gây thiệt hại lớn về người và vật chất; trong quá trình sử dụng không bộc lộ các khiếm khuyết ảnh hưởng tới chất lượng công trình, công năng sử dụng và vận hành công trình;  các chủ thể chính tham gia xây dựng công trình bao gồm chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế chính, nhà thầu thi công chính, nhà thầu tư vấn giám sát hoặc quản lý dự án không có các vi phạm lớn trong hoạt động đầu tư xây dựng.

 

Để bảo đảm xét chọn công khai minh bạch, Hội đồng Thường trực Giải thưởng Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam năm 2010 là Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã tổ chức tuyển chọn hồ sơ các công trình tham dự. Đến nay đã có 239 công trình đăng ký thuộc các lĩnh vực: Công trình dân dụng (143 công trình), công nghiệp (36 công trình), giao thông (43 công trình), thủy lợi (11 công trình), hạ tầng kỹ thuật (6 công trình). Theo các chuyên gia tham gia thẩm định và xét duyệt, hầu hết các công trình đều đáp ứng tiêu chí bình chọn của giải. Nhiều công trình đã đi vào sử dụng và phát huy công năng hiệu quả, tuy nhiên qua 4 đợt kiểm tra, các chuyên gia của Hội đồng bình chọn cũng phải lưu ý thêm khâu hoàn thiện hồ sơ của các đơn vị gửi công trình để đáp ứng đúng yêu cầu.

 

Ông Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng nhận xét: “Mặc dù là lần đầu tổ chức giải mang tính Quốc gia nhưng Giải thưởng Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam năm 2010 đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà thầu xây dựng đã rất tích cực hưởng ứng và giới thiệu công trình tham gia.

 

Theo Hội đồng bình chọn thì thời gian nhận hồ sơ sẽ kết thúc vào ngày 15/9, việc kiểm tra, thẩm định các công trình sẽ kết thúc trước ngày 10/11 để lựa chọn ra 65 công trình trao tặng Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam năm 2010 chào mừng 65 năm ngày thành lập nước.

 

Mỹ Phượng

JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL

 
 
 
 

Xem thêm những dịch vụ cung cấp quần áo vest nam đẹp, mạ vàng điện thoại, sửa xe đạp điện, thông tắc chậu rửa bát và dịch vụ hút bể phốt được nhiều đợn vị và cá nhân bình chọn tại Hà Nội và TPHCM