"Chỉ hơn 2 tháng sau khi Quốc Hội (QH) không thông qua dự án đường sắt cao tốc, mà Chính phủ lại giao các bộ, ngành chuẩn bị lập báo cáo khả thi là điều hơi bất ngờ", ông Dương Ngọc Ngưu-phó chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp của QH, bày tỏ.
Theo ông Ngưu, chỉ hơn 2 tháng sau khi QH bấm nút không thông qua dự án đường sắt cao tốc, mà Chính phủ lại giao các bộ, ngành chuẩn bị lập báo cáo khả thi là điều hơi bất ngờ dù theo ông 'việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và không có gì trái”.
“Tôi hoàn toàn không biết thông tin này nhưng có thể họ cho rằng lần trình trước QH chưa đầy đủ, chưa cặn kẽ nên giờ giao tiếp tục nghiên cứu để trình lại là điều bình thường. Tuy nhiên, dự án có được chấp thuận hay không thì sau khi nghiên cứu, Chính phủ phải trình lại, khi đó QH có cơ quan kiểm tra, góp ý bàn bạc và quyết định hay không là chuyện khác”, ông Ngưu nói. |
Dự kiến các dự án này sẽ bắt đầu được nghiên cứu khả thi vào tháng 11.2010 và kết thúc vào quý 1.2012
|
Đại biểu QH Vũ Quang Hải cũng khẳng định, Chính phủ có thẩm quyền giao cho các bộ ngành nghiên cứu, chuẩn bị dự án.
Song điều làm ông Hải băn khoăn bởi đây là vấn đề “nhạy cảm” và thời gian quá liền nhau (chỉ hơn 2 tháng sau ngày Quốc hội bác dự án) nên nếu Chính phủ có sự bàn trước với Ủy ban thường vụ QH thì sẽ tạo được sự đồng thuận cao hơn.
Dẫu vậy, đại biểu từng lên tiếng phản bác dự án này trên diễn đàn QH vừa qua tỏ ra không quá bất ngờ: “Tôi lường trước điều này sớm muộn gì cũng xảy ra, do đó tôi không quá bất ngờ!”
Khi được hỏi quan điểm về vấn đề này, ông Hải nói: Trên diễn đàn QH, trong các buổi thảo luận ở tổ tôi đã không ủng hộ vì báo cáo chuẩn bị chưa chu đáo, không có thông tin đầy đủ, xác thực để QH nắm được. Còn việc giao các bộ, ngành chủ quản nghiên cứu khả thi, quan điểm của tôi là: ở thời điểm này rất nhạy cảm. Vậy nên nếu Chính phủ có sự bàn bạc với Ủy ban thường vụ QH thì mới có sự đồng thuận cao, nhưng tôi chưa nắm được là Chính phủ đã bàn với Ủy ban thường vụ QH chưa.
Tiến sĩ Vương Đình Khánh, nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt VN cho rằng , trước đây, Hàn Quốc cũng đã từng tài trợ nghiên cứu, lập báo cáo về dự án đầu tư đường sắt cao tốc đoạn Hà Nội – Vinh và TP. HCM- Nha Trang. Do đó, việc Nhật có phối hợp lập dự án đường sắt cao tốc cũng là chuyện bình.
Theo ông Khánh, đường sắt cao tốc là cần thiết, nhưng không phải là lúc này.
“Khi nào chúng ta có điều kiện kinh tế, hãy nghiên cứu làm. Còn bây giờ, nhu cầu cấp thiết nhất là tập trung nghiên cứu, đầu tư hiện đại hoá ngành đường sắt, mở rộng khổ từ khổ 1m lên thành khổ 1435, phục vụ cả vận tải khách và hành hoá. Đồng thời, thiết lập hệ thống hành lang an toàn, ngăn chặn tai nạn giao thông đường sắt bởi thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng khiến tôi rất lo lắng”, ông Khánh bày tỏ.
Như Sài Gòn Tiếp Thị đã thông tin, tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam lập báo cáo khả thi dự án đường sắt cao tốc hai đoạn tuyến: Hà Nội – Vinh; TP.HCM – Nha Trang (thuộc dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM).
Dự kiến các dự án này sẽ bắt đầu được nghiên cứu khả thi vào tháng 11.2010 và kết thúc vào quý 1.2012.
Cùng với các dự án này, tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết cũng đang phối hợp với Nhật Bản để nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Ngọc Hồi đi sân bay Nội Bài (khoảng 25km). Trong khi đó, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM đã được trình tại kỳ họp thứ bảy nhưng không được QH thông qua do lo ngại về tính hiệu quả cũng như làm tăng gánh nặng nợ nần cho quốc gia… Đông đảo người dân cũng không tán thành xúc tiến dự án này nên việc QH không thông qua dự án là hoàn toàn hợp với lòng dân.
Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Hạt, tổng giám đốc công ty tư vấn, đầu tư và xây dựng GTVT (thuộc tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho rằng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam khi đưa ra QH đã có nhiều ý kiến khác nhau. Việc QH không thông qua một phần cũng vì dự án thiếu thông tin. Tuy nhiên, đó chỉ là không thông qua, chứ không phải bác dự án.
Theo Trung Đức - SGTT