Theo Khánh An
(baodautu.vn) Nhà đầu tư đang được đề nghị phải tuân thủ thêm nhiều quy định mới, nhằm đảm bảo tiến độ dự án theo đúng cam kết.
Gỡ vướng quản lý
Câu chuyện tréo nghoe việc dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư biến mất mà cơ quan quản lý nhà nước vẫn ngồi đợi văn bản hướng dẫn xử lý từ cấp trên; hay việc nhà đầu tư vin cớ cơ quan quản lý vi phạm pháp luật khi yêu cầu họ ký quỹ thực hiện để kéo dài việc triển khai dự án mà không bị thổi còi… đang có cửa giải quyết dứt điểm.
Trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/6/2006 quy định chi
|
Cách quản lý theo từng giai đoạn sẽ tạo công cụ pháp lý để kiểm soát tiến độ dự án. Ảnh: Đức Thanh
|
tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, nhiều đề xuất mới, nếu được chấp thuận, sẽ tạo công cụ pháp lý, chế tài để đạt mục tiêu nâng cấp chất lượng các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cụ thể, thay vì các con số tổng vốn đầu tư, hay khoảng thời gian thực hiện dự án khô cứng trong nội dung Giấy chứng nhận đầu tư hiện hành, Điều 44 của Dự thảo đã đề nghị tách bạch rõ phần vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động cùng với tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn. Phần tiến độ thực hiện dự án cũng được yêu cầu làm rõ tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án (trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, nội dung hoạt động của từng giai đoạn).
Cách quản lý theo từng giai đoạn của dự án sẽ tạo công cụ pháp lý để kiểm soát được tiến độ dự án cũng như năng lực tài chính của nhà đầu tư một cách chặt chẽ, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư từ Trung ương tới địa phương.
Không những thế, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Đức Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên cho rằng, yêu cầu minh bạch trong tiến độ góp vốn và triển khai dự án cũng sẽ buộc nhà đầu tư phải cân nhắc rất cẩn trọng khi đưa ra các cam kết với cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng nhà đầu tư “đăng ký ghi tên” hoặc khởi công lách luật thời gian vừa qua.
Đặc biệt, Dự thảo Nghị định cũng đã mở lối cho các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư trong việc yêu cầu nhà đầu tư cam kết bảo đảm thực hiện dự án dưới các hình thức được pháp luật quy định (như đặt cọc, ký quỹ…), nhằm đảm bảo dự án được triển khai theo đúng điều kiện, tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.
Quy rõ trách nhiệm
Trái ngược với nhiều dự đoán về khả năng thu hẹp cơ chế phân cấp hiện hành, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP tiếp tục đề xuất duy trì quy định về phân cấp cấp Giấy chứng nhận đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư hiện hành.
Tuy nhiên, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhấn mạnh, một loạt giải pháp nhằm khắc phục hạn chế của cơ chế này cũng như nhiều điều khoản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư cũng đã được bổ sung.
“Dự thảo đã đề nghị bổ sung một loạt dự án quan trọng phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương trước khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời quy định rõ trình tự, thủ tục thẩm tra các dự án này”, ông Hùng cho biết.
Cụ thể, theo Điều 40, Dự thảo Nghị định, dự án có tổng vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên; phải di dân từ 10.000 người trở lên (ở miền núi) và 20.000 người trở lên (ở vùng khác)… hay dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên có quy mô từ 50 ha trở lên đều thuộc diện phải do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải biển; kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng; xuất bản, báo chí; thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học - công nghệ 100% vốn nước ngoài cũng được đề nghị bổ sung vào danh mục các dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ trước khi tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định.
Như vậy, so với quy định hiện hành là có thể bỏ qua bước xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, nếu các dự án nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt, thì những dự án sử dụng nhiều đất, trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các dự án thực hiện tại địa bàn quan trọng về an ninh, quốc phòng, trong một số lĩnh vực có điều kiện… sẽ được kiểm soát chặt chẽ về mặt chủ trương đầu tư. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ quyết định việc tạm ngừng cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với một số dự án theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong những trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, không như một số dự thảo trước đó đã đề cập, điều khoản quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không được thấp hơn 30% tổng vốn đầu tư của dự án, đồng thời chỉ cho phép nhà đầu tư huy động vốn vay sau khi đã góp đủ vốn chủ sở hữu theo đúng tiến độ, đã được loại ra.
Ban soạn thảo cho rằng, mặc dù đề xuất khống chế tỷ lệ vốn chủ sở hữu sẽ góp phần đảm bảo tính khả thi và hiệu quả thực hiện dự án đầu tư, nhưng rất có thể sẽ tạo ra cơ chế phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài, trái với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (đã cam kết loại bỏ hạn chế này từ năm 2004) cũng như cam kết với WTO.
Hơn thế, trên thực tế, đối với một số dự án đặc thù (như kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà ở, các dự án BOT, BT, BTO), pháp luật hiện hành đã ràng buộc trách nhiệm thực hiện dự án của nhà đầu tư bằng việc áp dụng điều kiện về vốn pháp định và/hoặc vốn chủ sở hữu tối thiểu.