Ngô Ngãi
Phần lớn các dự án nằm dọc theo con đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu mới san lấp mặt bằng rồi để đó. Ảnh: Đức Tiến
|
Có 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị rút giấy phép đầu tư trong gần 8 tháng qua ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Xóa sổ nhiều dự án
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ra quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển AJ Vietstar, 100% vốn Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Theo kế hoạch ban đầu, công ty này sẽ thực hiện dự án The AJ Vietstar Mixed-Use Complex Project với tổng vốn đầu tư trị giá 200 triệu USD tại cửa ngõ TP Vũng Tàu.
|
Không như những chủ đầu tư khác tìm cách trì hoãn hoặc nại ra nhiều lý do để dây dưa, chính chủ đầu tư của dự án đã “dũng cảm” nộp văn bản xin rút lui lên UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bà Lê Kim Hương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, được cấp phép từ cuối tháng 1/2009, tính đến thời điểm này dự án của AJ Vietstar chưa phải nằm trong diện chậm triển khai. Nhưng chủ đầu tư đến từ Hàn Quốc đã “tự thú” không đủ năng lực tài chính nên xin thoái lui.
Ngoài dự án của AJ Vietstar, trong gần 8 tháng qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã chấm dứt hoạt động trước thời hạn với 5 dự án FDI khác có tổng vốn đầu tư 19,2 triệu USD. Đó là dự án Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Ajung (300.000 USD), Công ty TNHH V-Can (500.000 USD); Công ty Ngọc trai Côn Đảo (500.000 USD); Công ty TNHH Imac Việt Nam (15,7 triệu USD), và Công ty TNHH Maxco (2,2 triệu USD). Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, đa phần những dự án này đều rơi vào tình trạng chậm triển khai hoặc đã đi vào hoạt động nhưng không hiệu quả.
Nhưng số dự án đang nằm trong “tầm ngắm” bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư cũng không phải chỉ dừng ở đó. Bà Lê Kim Hương cho biết, qua rà soát các dự án FDI bên ngoài khu công nghiệp phát hiện ra 37 dự án FDI chưa triển khai xây dựng, với tổng vốn đầu tư 9,9 tỷ USD, diện tích chiếm đất là 2.116 ha. Trong số này, 23 dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, 14 dự án đã xong thủ tục đất đai. Nhưng ngay trong 14 dự án đã có mặt bằng sạch này lại có tới 6 dự án đang “giậm chân tại chỗ” do chủ đầu tư bế tắc về vốn.
Đau đầu với bài toán giải ngân
Trong gần 8 tháng đầu năm 2010, Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 27 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (tăng 35% so với kế hoạch đặt ra) với tổng số vốn đăng ký là 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, với thực tế triển khai của hàng loạt dự án như nói trên thì vấn đề nan giải nhất hiện nay chính là giải ngân vốn thực hiện các dự án đã được cấp phép.
Trong 7 tháng qua, mới chỉ có 620 triệu USD được giải ngân tại các dự án FDI, chỉ bằng khoảng 57% kế hoạch năm nhưng lại tập trung vào một số dự án có quy mô lớn như các dự án Thép Posco, dự án Cảng Quốc tế SP-PSA, dự án Cảng Quốc tế Cái Mép, dự án Cảng Quốc tế Sài Gòn Việt Nam, dự án Cảng Tân Cảng – Cái Mép. Ở những dự án vừa và nhỏ, việc giải ngân vốn thực hiện vẫn rất nhỏ giọt.
Xét về tổng thể, vốn giải ngân của các dự án FDI tại Bà Rịa-Vũng Tàu mới đạt khoảng 5 tỷ USD, chiếm 18,4% so với tổng vốn đầu tư đăng ký tới thời điểm này là 27,1 tỷ USD cũng cho thấy sự nan giải của việc hiện thực hóa dòng vốn FDI.
Bà Hương cho hay, trong năm 2008, 2009 và 7 tháng đầu năm 2010, có nhiều dự án quy mô vốn đầu tư lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị các thủ tục đất đai và xây dựng nên chưa có vốn thực hiện.
Trong số này có các dự án Khu du lịch Saigon Atlantis Hotel, Khu công viên thế giới diệu kỳ, Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế Dragon Sea, Tổ hợp hóa dầu miền Nam, Thép China Steel, Thép Posco SS – Vina, Cảng Cái Mép Gemadept, Cảng tổng hợp Mỹ Xuân A2, Khu đô thị mới Tóc Tiên…
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thì lại không dễ. Ngoài những khó khăn xuất phát từ chủ đầu tư như chưa huy động đủ vốn, thì vấn đề giải phóng mặt bằng cho các dự án FDI từ phía địa phương vẫn bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án, hạn chế luôn việc chuyển vốn đầu tư từ đăng ký sang thực hiện. “Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn chế, tỉnh đã vận động các nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất để tạo nguồn phục vụ giải phóng mặt bằng, tuy nhiên một số nhà đầu tư có cam kết ứng trước nhưng chưa nộp kịp thời hoặc mới chỉ nộp một phần”, bà Lê Kim Hương giải thích thêm.