Theo Trần sơn
(baodautu.vn) UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan lập hồ sơ thu hồi đất của 8 đơn vị và doanh nghiệp được giao đất từ lâu, nhưng không triển khai dự án hoặc vi phạm pháp luật về đất đai. Nổi bật trong số những dự án bị thu hồi đợt này là KĐT Thạch Thất rộng 805 ha do Tập đoàn Nam Cường Hà Nội làm chủ đầu tư. Câu hỏi đặt ra là: tại sao một tập đoàn lớn như Nam Cường Hà Nội lại không triển khai một trong những dự án đô thị lớn nhất Thủ đô để đến mức phải bị thu hồi? |
Quy hoạch Đường trục phát triển kinh tế - xã hội Bắc - Nam và các khu đô thị dọc tuyến đường. |
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Oanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường Hà Nội cho biết, Tập đoàn đã chủ động trả lại Dự án Khu đô thị Thạch Thất cho TP. Hà Nội do Dự án không còn phù hợp với quy hoạch mới của Thủ đô, chứ không phải do Tập đoàn không có tiềm lực tài chính để triển khai.
Lật lại hồ sơ Dự án, Khu đô thị Thạch Thất là một trong 4 đại dự án đô thị của Tập đoàn Nam Cường trước đây (nay là Tập đoàn Nam Cường Hà Nội) dọc trục kinh tế - xã hội Bắc - Nam. Năm 2008, Tập đoàn đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao làm chủ đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) tuyến đường trục kinh tế xã hội Bắc - Nam dài 63 km, mặt cắt ngang 42 m, với kinh phí dự toán gần 7.700 tỷ đồng. Đổi lại, Tập đoàn Nam Cường được giao làm chủ đầu tư hai dự án khu đô thị làm vốn đối ứng là Khu đô thị Quốc Oai và Khu đô thị Chương Mỹ. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng được giao làm chủ đầu tư hai khu đô thị khác cũng nằm dọc theo tuyến đường này, nhưng dưới hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất là Khu đô thị Thạch Thất và Khu đô thị Thạch Phúc.
Sau khi khởi công xây dựng tuyến đường trên vào tháng 7/2008 và có quyết định giao đất, Tập đoàn cũng đã tiến hành một số bước cơ bản về thủ tục đất đai đối với những khu đô thị này. Trong đó, đối với Khu đô thị Thạch Thất, Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án tổng thể bồi thường hỗ trợ và tái định cư sau giải phóng mặt bằng, công khai quy hoạch, thông báo chủ trương thu hồi đất, cũng như lập bản đồ tổng thể nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, việc triển khai Dự án Khu đô thị Thạch Thất cũng như tuyến đường trục Bắc - Nam và các dự án đô thị dọc theo tuyến đường hầu như không có tiến triển, sau khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội và hàng loạt dự án nằm trên địa bàn Hà Tây (cũ) phải dừng triển khai để xem xét có phù hợp với quy hoạch tổng thể về xây dựng Hà Nội sau khi mở rộng hay không.
Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định này, Dự án Đường trục kinh tế - xã hội Bắc - Nam sẽ là tuyến đường giao thông kết nối các khu đô thị sinh thái dọc tuyến là Phúc Thọ, Quốc Oai và thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), tức là trùng khớp với Dự án Đường trục phát triển kinh tế - xã hội Bắc - Nam và các khu đô thị hoàn vốn đã được phê duyệt, nhưng có sự điều chỉnh về quy mô và chỉ tiêu quy hoạch.
Tuy nhiên, ông Trần Oanh cho biết, Dự án Khu đô thị mới Thạch Thất không còn phù hợp với quy hoạch mới của Thủ đô, vì khu vực này được xác định là Vành đai Xanh của Hà Nội và vị trí của Khu đô thị Thạch Thất không dành để phát triển đô thị. Sau khi xem xét quy hoạch chung của Hà Nội, Tập đoàn Nam Cường Hà Nội nhận thấy, việc phát triển Khu đô thị Thạch Thất không còn phù hợp với định hướng phát triển đô thị của Thủ đô, nên quyết định trả dự án.
Ông Trần Oanh cũng khẳng định, việc trả lại Dự án Khu đô thị Thạch Thất không ảnh hưởng đến Dự án Đường trục phát triển kinh tế - xã hội Bắc - Nam và các dự án đô thị còn lại, vì dự án này không phải là dự án đối ứng cho tuyến đường, mà là dự án được giao làm chủ đầu tư có thu tiền sử dụng đất.
Theo ông Oanh, Tập đoàn Nam Cường Hà Nội sẽ chấp hành các quy định của nhà nước về quản lý đất đai theo quy hoạch đối với Dự án Khu đô thị Thạch Thất, nhưng với tiềm lực và khả năng sẵn có, đồng thời nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Tây Thủ đô, Tập đoàn Nam Cường Hà Nội đã đề nghị Chính phủ và TP. Hà Nội cho phép tiếp tục được làm chủ đầu tư hai dự án đô thị hoàn vốn là Khu đô thị sinh thái Phúc Thọ, Chúc Sơn và một phần Khu đô thị Quốc Oai theo định hướng quy hoạch chung có vị trí quy hoạch trùng khớp với các khu đô thị hoàn vốn đường trục Bắc - Nam đã được phê duyệt. Việc phát triển các khu đô thị này sẽ tuân thủ quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2030 là phát triển theo hướng sinh thái, tạo vành đai xanh và quy mô nhỏ hơn trước đây.
Ông Oanh cho rằng, nếu đề nghị trên của Tập đoàn được phê duyệt, thì sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp, vì cho đến nay, Tập đoàn đã rót khá nhiều vốn cho Dự án Đường trục kinh tế - xã hội Bắc - Nam và các khu đô thị dọc tuyến đường. Cụ thể, Tập đoàn đã xây dựng 6,3 km đầu tuyến đường từ đê Vân Cốc đến Quốc Lộ 32 thuộc huyện Phúc Thọ; đã hoàn thành công tác giải phóng và san lấp mặt bằng 16 ha Khu đô thị Thạch Phúc thuộc huyện Thạch Thất và Phúc Thọ, đã xây dựng xong cầu vượt Đại lộ Thăng Long, với tổng kinh phí lên đến 1.000 tỷ đồng.
Sau khi Tập đoàn gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ vào giữa năm ngoái đề xuất về việc được tiếp tục làm chủ đầu tư tuyến đường trục kinh tế - xã hội Bắc - Nam và các khu đô thị sinh thái dọc tuyến, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các bộ, ngành và TP. Hà Nội, nhưng đến nay, Tập đoàn chưa nhận được văn bản chỉ đạo chính thức theo đề nghị để tiếp tục triển khai đồng bộ các dự án. Tuy nhiên, ông Oanh khẳng định, Tập đoàn sẽ vẫn chủ động trao trả Dự án Khu đô thị Thạch Thất, do không còn phù hợp quy hoạch, trước khi số phận các dự án còn lại được quyết định.